RT đưa tin, đây là nghiên cứu đột phá của Viện nghiên cứu sinh học Salk tại La Jolla, California, Mỹ, nhằm lai ghép một sinh vật mới từ hai loài lớn và ít liên quan tới nhau.
Tế bào người được cấy vào phôi lợn. Ảnh: BBC
“Mục đích sau cùng là nhằm sinh trưởng mô hoặc cơ quan chức năng có thể cấy ghép, nhưng chúng tôi vẫn còn xa mới làm được việc này” – Juan Carlos Izpisua Belmonte, người đứng đầu dự án này cho hay.
Theo dự án này, các tế bào của người được cấy vào phôi thời kỳ đầu thai kỳ của lợn. Trong số 2075 phôi thai được cấy ghép, chỉ có 186 phôi tạo thành ‘quái vật’ chimera. (Chimera là tên một loài quái vật người nửa sư tử, nửa dê trong thần thoại Hy Lạp).
Các tế bào người có màu xanh lá. Ảnh: BBC
Theo BBC, trong cơ thể của chimera chỉ có 0,001% tỷ lệ là từ người, còn lại là từ lợn.
Lợn bình thường mang thai 112 ngày, nhưng các phôi chimera chỉ được nuôi dưỡng trong 28 ngày, sau đó được đưa ra ngoài để nghiên cứu.
Phôi chimera - lợn mang tế bào người. Ảnh: BBC
Các nhà khoa học cho biết, vào thời điểm đó, các phôi này đã đủ phát triển để phục vụ nghiên cứu về cách thức các tế bào hòa lẫn vào nhau, ‘mà không dấy lên câu hỏi về đạo đức đối với các sinh vật lai trưởng thành’.
Phôi chimera - lợn mang tế bào người. Ảnh: RT.
Thời kỳ hoài thai của lợn kéo dài chỉ 4 tháng, so với người là 9 tháng 10 ngày. Thực tế này khiến cho các tế bào của hai loài phát triển với hai tỷ lệ khác nhau, cũng là thách thức cho các thí nghiệm trong tương lai lên sinh vật lai chimera.
Mặc dù việc phát triển lợn lai người hoàn chỉnh còn xa mới thành hiện thực, nhưng một loại chimera mang tế bào của người có thể được sử dụng để nghiên cứu về các loại bệnh trên người, và các khác biệt trong cơ quan cơ thể ở các loài khác nhau.