Hình ảnh một vụ nổ thử nghiệm của bom hạt nhân Mark 39 - Ảnh: Daily Mail và Một trong hai quả bom suýt hủy diệt bờ Đông nước Mỹ - Ảnh: National Security Archive |
Vào đêm 23.1.1961, một chiếc B-52 của không quân Mỹ đã gãy đôi trên bầu trời miền đông bang Bắc Carolina. Từ bụng chiếc “pháo đài bay”, 2 quả bom hạt nhân rơi thẳng xuống khu vực ngoại ô thành phố Goldsboro. Nếu phát nổ, phạm vi tàn phá và mức độ hủy hoại sẽ còn thảm khốc hơn những gì đã xảy ra năm 1945 ở 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản. Tuy nhiên, nhờ một loạt hỏng hóc đầy may mắn mà một phần rộng lớn của nước Mỹ đã thoát được nguy cơ bị san bằng cũng như hứng chịu ô nhiễm bức xạ trong thời gian dài.
Bên bờ hủy diệt
Theo tờ The Washington Post hôm qua, hồ sơ vừa được giải mật hồi giữa tuần do Cục Lưu trữ văn khố an ninh quốc gia Mỹ công bố đã cung cấp những chi tiết cụ thể về sự cố kinh hoàng trên. Nội dòng tiêu đề của tài liệu cũng đã gây thót tim: “Quả bom có sức nổ tương đương hàng triệu tấn TNT hầu như đã được tháo chốt khi rơi xuống mặt đất”. Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Robert McNamara cũng toát mồ hôi khi nhớ lại: “Chúng ta đã thoát khỏi một thảm họa hạt nhân nhờ 2 dây điện bị hỏng”.
Cụ thể, chiếc B-52 đang thực hiện một chuyến bay thường lệ thì gặp sự cố nghiêm trọng ở cánh phải rồi gãy đôi, 2 quả bom hạt nhân Mark 39 nhanh chóng lao thẳng xuống đất, nhưng chỉ có một quả được bung dù. “Chiếc oanh tạc cơ bị xé toạc trên không trung đã tạo ảnh hưởng làm kích hoạt quy trình mở kíp nổ cho cả hai quả bom”, CNN dẫn tài liệu nói trên cho biết. Nói cách khác, cả hai quả bom có sức hủy diệt hàng loạt lúc đó đã tiến gần đến ngưỡng phát nổ. Quả thứ nhất đã được bung dù và tiếp đất một cách “nhẹ nhàng” nhưng có đến 3 trong số 4 công tắc an toàn bị hỏng. May mắn công tắc cuối cùng đã kịp bật lên và ngăn chặn bom phát nổ.
Trong khi đó, quả bom thứ hai lao vùn vụt xuống đất. Nếu không có gì thay đổi, sức mạnh từ vụ va chạm sẽ đẩy nó vào trạng thái “lên nòng”. Một lần nữa, may mắn tột cùng lại mỉm cười với nước Mỹ khi bộ phận cần được kích hoạt để khai hỏa đã bị hư hại do chấn động. “Đối với quả bom thứ hai, công tắc khai hỏa/an toàn lúc còn trên máy bay đang ở vị trí an toàn, nhưng trên thực tế quả bom đã được chuyển sang chế độ tháo chốt do áp lực từ vụ va chạm. Nhưng công tắc bật cũng bị hỏng trong quá trình này nên bom không nổ”, theo hồ sơ của Lầu Năm Góc.
Gấp 260 lần vụ Hiroshima
Những thông tin đầu tiên về sự cố Goldsboro đã được tiết lộ hồi cuối năm ngoái trong cuốn sách Command and Control (tạm dịch: Chỉ huy và kiểm soát) của chuyên gia hạt nhân Eric Schlosser. Theo sách này, phi hành đoàn trên chiếc B-52 gặp nạn có 8 người và còn 5 người sống sót sau vụ việc. “Lúc đó tôi thấy từ 3 đến 4 chiếc dù bung ra nhưng không thấy 2 quả bom đâu”, phi công phụ Richard Rardin kể lại.
Bom Mark 39 có trọng lượng khoảng 4.500 kg, sức công phá ngang 3,8 triệu tấn TNT, tức gấp 260 lần quả bom Mỹ đã thả xuống Hiroshima. Theo website chuyên về thông tin vũ khí hạt nhân Nuclearsecrecy.com, các chuyên gia đã thử dùng máy tính mô phỏng một vụ nổ của loại bom này tại khu vực Bắc Carolina. Kết quả là 60.000 người sẽ chết ngay lập tức và hơn 54.000 người bị thương, còn bức xạ tức thời sẽ bao phủ một vùng có bán kính khoảng 24 km. Tuy nhiên, con số nạn nhân sẽ không dừng lại ở đó mà có thể lên đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu vì nhiễm xạ. Trong trường hợp có gió, bức xạ sẽ lan ra khắp bờ biển phía đông nước Mỹ và nhiều đô thị lớn, từ thủ đô Washington DC, Baltimore, Philadelphia và thậm chí New York đều sẽ chìm trong thảm họa, theo tờ Daily Mail. Đó là chưa kể hậu quả về chính trị và địa chiến lược khi chắc chắn cả nước sẽ trở nên hỗn loạn và các đối thủ của Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh sẽ không ngồi yên.
Những tai nạn rơi bom hạt nhân
Theo CNN, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiết lộ 32 tai nạn có liên quan đến vũ khí hạt nhân từ năm 1950 - 1980. Trong đó, phần lớn được liệt vào dạng mất tích, rơi khỏi máy bay do bất cẩn hoặc bị vứt bỏ do lý do an toàn. Những sự cố này xảy ra tại nhiều bang của Mỹ, cũng như ở Greenland, Tây Ban Nha, Ma Rốc, Anh, trên bầu trời Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.
Đáng chú ý có vụ hồi tháng 1.1966 khi một chiếc B-52 của Mỹ chở 4 quả bom nhiệt hạch đụng trúng máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 trên không và rơi gần Palomares, Tây Ban Nha. Bảy phi công trên 2 máy bay thiệt mạng và 2 quả bom không có lõi plutonium phát nổ, thải ra một lượng uranium và giới chức phải di dời hơn 1.400 tấn đất ở Palomares. Mỹ nhanh chóng thu hồi được quả bom thứ ba nhưng phải huy động hơn 20 tàu chiến, máy bay và mất nhiều tháng mới vớt được quả thứ tư. Hy hữu hơn nữa là vào tháng 12.1965, máy bay A-4E Skyhawk mang bom hạt nhân B43 trượt xuống biển khi đang đậu trên tàu sân bay USS Ticonderoga tại vùng biển Thái Bình Dương. Hậu quả là phi công, máy bay lẫn vũ khí hủy diệt đều không bao giờ được tìm thấy.
H.G