Mỹ: “Siêu chiến hạm” biết bay chở hàng ngàn máy bay không người lái

GD&TĐ - Với kế hoạch này, Lầu Năm góc hi vọng thao tác mọi việc nhanh gọn, chi phí thấp, hiệu quả và mang tính liên tục. Chiếc “siêu chiến hạm” chở những máy bay không người lái ( UAV) là máy bay vận tải khổng lồ, lớn như C-130, còn được gọi là tàu sân bay trên không do khả năng vận chuyển của chúng.

Mỹ muốn biến máy bay vận tải cỡ lớn C-130 thành tàu sân bay trên không
Mỹ muốn biến máy bay vận tải cỡ lớn C-130 thành tàu sân bay trên không

Xây dựng một phi đội các máy bay robot cỡ nhỏ

Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch biến máy bay vận tải C-130 thành hàng không mẫu hạm trên không khi vừa triển khai và thu hồi những UAV.

Theo Tạp chí Jane"s, Mỹ, Lầu Năm Góc vừa tiết lộ rằng, họ đang kết hợp những ý tưởng tốt nhất trong thiết kế hàng không để xây dựng một phi đội các máy bay robot cỡ nhỏ. Đó sẽ không phải là những UAV thông thường. Thay vào đó, ý tưởng là để phóng ra nhiều loạt máy bay cỡ nhỏ này từ cửa sau của một chiếc máy bay lớn.

Hay nói chính xác hơn, quân đội Mỹ muốn biến loại máy bay vận tải cỡ lớn C-130 trở thành một tàu sân bay tạm thời trên không, thực hiện thả và thu hồi các máy bay không người lái cỡ nhỏ trong chương trình được Lầu Năm Góc gọi là Gremlins - tên của một bộ phim "Lũ yêu quái" được sản xuất từ năm 1984. Các nhà nghiên cứu ở DARPA - Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Quốc phòng Tiên tiến, sẽ đưa ra một lời kêu gọi vào cuối năm 2016 để biến ý tưởng này thành hiện thực.

Các máy bay không người lái nhỏ, có thể rất hữu ích cho một số các ứng dụng, đặc biệt là trong quân sự. Chúng có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát các lực lượng mặt đất, có thể mang bom và cung ứng chiến trường. Nếu cần thiết, chúng cũng có thể trở thành một tên lửa tự hành, mặc dù phần lớn chúng không được sử dụng như vậy bởi khả năng tái sử dụng rất linh hoạt.

Trong thực tế, Gremlins sẽ một loại UAV vừa giống tên lửa - loại vũ khí chỉ sử dụng một lần, vừa giống máy bay không người lái mà trên đó được tích hợp công nghệ phóng và thu hồi. Mục đích cuối cùng của chương trình Gremlins là tạo ra một khả năng mới để cho phép các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, hoặc máy bay vận tải thả ra các Gremlins có cánh cố định ở một khoảng cách an toàn so với đối phương để thực hiện các nhiệm vụ của chúng.

Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ, các Gremlins sẽ được thu hồi bằng một chiếc C-130 và trở về căn cứ để chuẩn bị cho một chu trình thực hiện nhiệm vụ quay vòng trong 24 giờ. Trong trường hợp lý tưởng, mỗi Gremlins sẽ có vòng đời 20 lần triển khai và sẽ hoạt động như một phương tiện trung gian giữa máy bay có người lái và tên lửa.

DARPA hy vọng rằng, chương trình Gremlins sẽ là nền tảng công nghệ cho phép các máy bay chiến đấu tương lai có thể triển khai các nền tảng không người lái rẻ tiền mà có thể được thả và sau thu hồi lại từ máy bay khác. Gremlins không nhằm mục đích thay thế vai trò các máy bay chiến đấu đa năng hiện tại, nhưng nó cung cấp một giải pháp công nghệ đơn giản hơn, chi phí thấp hơn và đặc biệt hơn là có thể được triển khai và thu hồi nhiều lần.

Làm rối loạn hệ thống phòng không

Chương trình Tấn công Chiến thuật Hàng loạt
Chương trình Tấn công Chiến thuật Hàng loạt

Việc hàng nghìn chiếc máy bay không người lái tập trung vào một khu vực trên chiến trường được cho là sẽ gây ra một mối đe dọa rất lớn và rất khó để có thể giải quyết bằng các loại vũ khí phòng không truyền thống hiện nay.

Dù vậy, việc hiện thực hóa ý tưởng này gặp không ít khó khăn. Trong khi việc điều khiển một chiếc máy bay không người lái là khá dễ dàng thì việc điều khiển hàng nghìn chiếc cùng một lúc lại đòi hỏi rất nhiều những tính toán phức tạp, công việc mà rất nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới vẫn đang miệt mài nghiên cứu để tìm ra giải pháp tối ưu.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã tiến được một bước hết sức khả quan khi đưa ra một số giải pháp như Công nghệ Điều khiển Hàng loạt Máy bay Không người lái Chi phí thấp (LOCUST) hoặc Công nghệ Điều khiển Hệ thống Tự động Siêu nhỏ (MAST) để điều khiển hàng nghìn chiếc máy bay không người lái thông qua một hệ thống máy tính.

Dù vậy, việc đưa hệ thống máy tính này ra chiến trường là khá bất tiện và việc điều khiển hàng nghìn chiếc máy bay không người lái một cách nhanh chóng, dễ dàng và tiện dụng vẫn là một thách thức rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, quân đội Mỹ đã đưa ra giải pháp mang tên Chương trình Tấn công Chiến thuật Hàng loạt (OFFSET), Mỹ dễ dàng điều khiển hàng ngàn UAV cùng lúc và điều này có thể khiến đối thủ của Mỹ lo ngại.

Hãng Sputnik News dẫn nguồn tin quân sự cho biết, OFFSET hướng đến việc "phát triển một giao diện hiện đại liên kết giữa người sử dụng và một loạt UAV, cho phép họ giám sát và ra lệnh trực tiếp cho hàng nghìn thiết bị không người lái cùng lúc theo thời gian thực".

"Dự án này có thể mang đến hàng loạt tính năng ưu việt cho các máy bay không người lái trên chiến trường như chia sẻ thông tin trên diện rộng, liên lạc liên tục, thu thập, tính toán và phân tích diễn biến trên chiến trường và đề ra các biện pháp ứng phó tương ứng", người đại diện của Dự án OFFSET Timothy Chung cho biết.

Với OFFSET, người Mỹ có thể điều khiển hàng nghìn UAV và công nghệ này sẽ được thử nghiệm trong một môi trường thực tại ảo được thiết kế đặc biệt cho phép những người điều khiển có thể "nhanh chóng khai thác, tận dụng và đánh giá những chiến thuật phù hợp với những chiếc máy bay không người lái để đưa ra những mô hình hoạt động phù hợp nhất trên chiến trường thực.

Tính năng vượt trội từ hệ thống OFFSET

Trong đó, năng lực “chia sẻ thông tin” có thể được hiểu chi tiết như trong bộ 3 phim về Batman mang tên “Hiệp sĩ Bóng đêm” của Đạo diễn Christopher Nolan khi Batman sử dụng công nghệ kết nối hàng trăm chiếc điện thoại di động để tạo ra mô hình 3D hoàn thiện về thành phố Gotham. Nếu có thể biến công nghệ này thành hiện thực, nó sẽ tạo ra một công cụ giám sát có hiệu quả cực mạnh có thể giải quyết được những khiếm khuyết của công nghệ theo dõi bằng vệ tinh hoặc các máy bay không người lái sử dụng camera ghi hình.

Đại tá Thủy quân Lục chiến Mỹ James Richardson Jr cho biết: “Ví dụ như chúng ta cần tìm binh sĩ Partick, chúng ta chỉ cần nói: “Chúng tôi muốn tìm Partrick vì anh ấy hành động tệ quá. Tìm đi”, thì hệ thống sẽ tìm kiếm và cung cấp hình ảnh của Partick cùng với vị trí hiện tại của anh ta”.

Ngoài ra, các máy bay không người lái cỡ nhỏ tỏ ra đặc biệt hữu dụng tại các khu vực thành phố đông đúc, nơi bộ binh thường gặp nhiều bất lợi trước sự tấn công bất ngờ của đối phương từ những vị trí ẩn nấp kín đáo. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các cuộc chiến tại Mosul ở Iraq hay Aleppo ở Syria. Thậm chí, ngay cả những chiếc xe thiết giáp hạng nặng cũng vẫn là “mồi ngon” cho súng chống tăng của phiến quân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ