Washington đã rời bỏ Hiệp ước về tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF) vào ngày 2/8 vừa qua và tuyên bố sẽ thử nghiệm tên lửa trong tương lai gần. Đây có thể là khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ dự định sẽ bắt đầu thử nghiệm tên lửa trong vài tuần tới. Vũ khí mới của Washington được thiết kế đặc biệt để thách thức Moscow ở châu Âu.
Mặc dù tên lửa hành trình mới của Mỹ chưa được đưa vào sản xuất hàng loạt, nhưng các vụ thử thành công có thể là bước đầu tiên hướng tới kế hoạch này.
Theo các nhà phân tích của CNN, Mỹ đã quyết định rời khỏi Hiệp ước INF vào ngày 2/8, hiện tại, sự ràng buộc cuối cùng giữa các quốc gia là thỏa thuận về các biện pháp hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3). Được biết START-3 được ký kết vào năm 2010 và có hiệu lực đến năm 2021, tuy nhiên, đại diện của Nga và Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc gia hạn Hiệp ước này.
Hậu quả tiêu cực của việc chấm dứt INF đã nhiều lần trở thành chủ đề thảo luận trên toàn thế giới, không chỉ riêng ở Mỹ và Nga.
Cụ thể, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định cần phải cứu lấy Hiệp ước này. NATO không muốn một cuộc chạy đua vũ trang mới xảy ra và tuyên bố rằng, sau khi INF hết hạn, NATO sẽ không triển khai tên lửa mới ở châu Âu.
Tình hình xung quanh Hiệp ước INF bắt đầu trở nên trầm trọng khi nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu phá vỡ dần các thỏa thuận "không có lợi" đối với Washington, cho rằng tên lửa 9M729 và tên lửa liên lục địa RS-26 “Rubez” của Nga đã vi phạm thỏa thuận.
Đổi lại, Nga cũng chỉ ra các hành vi vi phạm hiệp ước của Mỹ. Moscow không hài lòng với hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ. Năm 2016 các hệ thống này đã được triển khai ở Ba Lan. Nga cho rằng Aegis Ashore là vũ khí đầu tiên vi phạm INF.
Trong bối cảnh tranh cãi kéo dài, Mỹ đã đưa ra tối hậu thư cho Nga và tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF vào tháng 2/2019. Washington yêu cầu Moscow loại bỏ tên lửa 9M729 để trở lại tuân thủ thỏa thuận. Nga không chấp nhận các điều kiện của Mỹ và cũng tuyên bố rút khỏi thỏa thuận như một phản ứng đáp trả.
Sau đó, các bên thay phiên nhau cố gắng để cứu vớt INF. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa đại diện hai nước không mang lại kết quả nào. Kết quả là vào ngày 2/8, Hiệp ước về tên lửa tầm ngắn và tầm trung đã chính thức hết hiệu lực.
Mỹ tuyên bố sẽ không từ bỏ hoàn toàn các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí với Nga. Theo ông Trump, các quốc gia cần ký kết một hiệp ước mới.
"Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ thực hiện một thỏa thuận với Nga về vấn đề kiểm soát vũ khí", ông Trump nói.
Ông cũng nói thêm rằng cần phải yêu cầu Trung Quốc tham gia vào thỏa thuận vì trong thời gian gần đây, Bắc Kinh gần như đã bắt kịp Moscow và Washington trong lĩnh vực chế tạo tên lửa.