Mỹ phẩm làm từ xương, máu, tạng da người ngập tràn thị trường

Mặc dù đã có lệnh cấm, nhưng nhiều mỹ phẩm có chứa chất chiết xuất từ nhau thai, tế bào gốc vẫn được bày bán công khai, sôi nổi. 

Phương pháp lăn kim, sử dụng tinh chất tế bào gốc để cải thiện làn da. Ảnh chỉ có tính minh họa
Phương pháp lăn kim, sử dụng tinh chất tế bào gốc để cải thiện làn da. Ảnh chỉ có tính minh họa

Trong vai một khách hàng có nhu cầu làm đẹp, bồi bổ sức khỏe, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã lần ra rất nhiều đầu mối bán “hàng cấm” với đầy đủ các chủng loại, nguồn gốc xuất xứ.

“Bộ Y tế cấm thì cứ cấm, còn mình buôn bán thì cứ buôn chứ, Bộ làm sao mà quản lý được” - đó là khẳng định chắc như đinh đóng cột của Trần Huỳnh T.N. – một chủ đại lý dược phẩm trắng da, admin của trang bán hàng mỹ phẩm online duocphamtrangda.com - một trong những đại lý phân phối mỹ phẩm tế bào gốc lớn nhất toàn quốc.

Lần theo những quảng cáo trên mạng, PV có dịp tiếp cận với Trần Huỳnh T.N.N. giới thiệu với tôi rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm tế bào gốc như Placenta Diamon Gold, Filorga…

Tôi tỏ ý đặc biệt quan tâm đến sản phẩm Filorga “4 trong 1” và được N. giới thiệu khá kỹ: Filorga là loại tế bào gốc đặc biệt, được kết hợp bốn loại tế bào gốc: Xương, máu, tạng và da, do chuyên gia tế bào phôi thai Thụy Sĩ nghiên cứu phát triển. Nó giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa tế bào và tăng cường chức năng miễn dịch, chống lão hóa và các hiệu ứng khác như tăng thể lực, tái tạo tế bào sinh dục, giúp da lấy lại độ đàn hồi, ngăn ngừa bệnh loãng xương… Giá thành sản phẩm là 20 triệu đồng/ hộp.

N. nói, nếu khách mua sản phẩm này thì chính cô ấy sẽ tiêm cho khách hoặc cho y tá đến nhà tiêm. Tôi viện lý do ở xa, N. nói “cứ mua sản phẩm về và thuê y tá tiêm là được”.

Tôi tỏ ra e ngại vì sợ có lệnh cấm kinh doanh sản phẩm này của bộ Y tế, không ai tiêm cho mình thì N. trả lời tỉnh queo: “Ôi chà! Cấm cứ cấm, còn mình bán cứ bán. Kể cả tiêm cũng vậy. Bạn cứ bỏ tiền thuê là y tá tiêm mà”.

Nói về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, N. cho biết: “Filorga nói riêng và những sản phẩm tế bào gốc có nguồn gốc từ con người đều có xuất xứ từ nước ngoài như Pháp, Mỹ, Đức, Hàn Quốc… được đưa về Việt Nam theo con đường “xách tay” vì đến thời điểm hiện tại, chưa có một công ty nào có giấy phép nhập khẩu và phân phối các sản phẩm này ở trong nước”.

N. cho biết thêm, không chỉ bán buôn, bán lẻ qua mạng, những sản phẩm của cô còn được đưa vào nhiều spa, thẩm mỹ viện lớn trên toàn quốc để phục vụ nhu cầu làm đẹp ngày càng lên cao của chị em.

Tiếp tục lần theo địa chỉ trên mạng, PV được tiếp cận với một “thần dược” khác của Hàn Quốc là tinh chất tế bào gốc, tái tạo da, trị sẹo rỗ Nubo Cell. Nubo Cell được trang myphamnewlife.com.vn giới thiệu với thành phần được chiết xuất từ nước ối thai nhi 2 – 4 tuần tuổi, dây rốn. Sản phẩm có công dụng tái sinh da hoàn toàn chỉ sau hai tuần sử dụng. Giá thành sản phẩm là 7.900.000 đồng/ ống.

Không chỉ bán qua mạng, nhiều công ty nhập khẩu, phân phối dòng sản phẩm này vẫn hoạt động rất sôi nổi, “lờ” lệnh cấm, hoặc lệnh cấm “chưa phát huy hiệu lực”.

Tìm đến công ty JBP Việt Nam – một công ty “uy tín hàng đầu của Nhật Bản chuyên sản xuất các chế phẩm chiết xuất từ nhau thai” – lời giới thiệu của chị Phạm Thị Hương, nhân viên điều hành kinh doanh, công ty JBP Việt Nam. Phóng viên đề cập đến vấn đề “lệnh cấm” của cục Quản lý dược thì một nhân viên cho biết: “Đó là “lệnh cấm” với những sản phẩm dược, mỹ phẩm tràn lan trên mạng. Còn những sản phẩm của công ty JBP được bộ Y tế cấp phép kinh doanh, phân phối”. Nói đoạn, chị Hương “khoe” với tôi Giấy phép được in trên catalogue sản phẩm viên uống 100% nhau thai tinh khiết Laennec P.O Porcine. Trên đó ghi “Giấy phép tại Việt Nam: Số 4154/2012/YT-CNTC của cục An toàn vệ sinh thực phẩm, bộ Y tế.

Không chỉ viên uống nhau thai, chị Hương giới thiệu với tôi dòng sản phẩm chăm sóc da cao cấp placenta (chiết xuất nhau thai) GHM với rất nhiều sản phẩm từ xà bông rửa mặt, sữa dưỡng, sữa chống nắng, kem phục hồi cho đến mặt nạ dưỡng chất nhau thai, dưỡng chất chăm sóc chuyên sâu, dưỡng chất chống viêm… có giá dao động từ 1 - 4 triệu đồng/ sản phẩm.

Trong lúc tư vấn sản phẩm với phóng viên, chị Hương liên tục nhận được điện thoại của khách hàng hỏi về sản phẩm chiết xuất từ nhau thai, mỹ phẩm tế bào gốc, đặc biệt là sản phẩm tế bào gốc dạng tiêm.

Mỹ đã cấp phép thì Việt Nam bán được hết?!

Mỹ phẩm làm từ xương, máu, tạng da người ngập tràn thị trường - Ảnh 2

Tinh chất tế bào gốc được phái đẹp “truy lùng” nhiều nhất.

Ở một diễn biến khác, PV liên hệ chi nhánh mỹ phẩm Oma Sharif miền Bắc, chị Thu Phương, phụ trách bán hàng nhanh nhảu giới thiệu sản phẩm mỹ phẩm tế bào gốc chiết xuất từ cuống rốn là “Tinh chất tế bào gốc Replazen 90” có giá 12,6 triệu đồng/hộp. Giới thiệu đây là hàng nhập xuất xứ Pháp nhưng sản xuất ở Hàn Quốc, chị Phương nhấn mạnh: “Sản phẩm này có đủ giấy chứng nhận chất lượng của cục Quản lý dược phẩm Mỹ”. PV thắc mắc về lệnh cấm của bộ Y tế với dòng sản phẩm này thì được lý giải: “Đấy là chỉ cấm với các sản phẩm trong nước thôi, chứ sản phẩm của bên chị, Mỹ đã cấp phép rồi thì được phép bán ở tất cả các nước, không cần xin phép bộ Y tế Việt Nam nữa (?!)”.

Chưa xác định giá trị thực tế về y học

Mỹ phẩm làm từ xương, máu, tạng da người ngập tràn thị trường - Ảnh 3

Một sản phẩm thành phần được chiết xuất từ nước ối thai nhi 2 – 4 tuần tuổi và dây rốn.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng cục Quản lý dược (bộ Y tế) khẳng định: “Các thành phần có nguồn gốc từ con người thuộc danh mục các chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm. Đến nay, cục Quản lý dược không cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào có chứa nhau thai và tế bào gốc có nguồn gốc từ con người. Trong lĩnh vực thẩm mỹ, các nghiên cứu có đủ tính thuyết phục về mặt khoa học của tế bào gốc mới chỉ là cải thiện quá trình liền thương của da, tạo một số thay đổi ở cấu trúc da bình thường cũng như sự tăng sinh mô mỡ. Bởi vậy, ứng dụng của tế bào gốc trong thẩm mỹ đang mang nặng tính thương mại, chưa được xác định giá trị thực tế về y học”.

Nhiều nước cấm dùng tế bào gốc trong mỹ phẩm

TS. Nguyễn Văn Thuận (Chủ tịch hiệp hội Công nghệ sinh học sinh sản châu Á, giảng viên ĐH Konkuk, Seoul, Hàn Quốc) cho biết: “Những ứng dụng của tế bào gốc vẫn trong phòng thí nghiệm chứ chưa có một quy trình rõ ràng trong điều trị cho bệnh nhân. Tế bào gốc và những chất có nguồn gốc tế bào gốc bị cấm dùng trong các sản phẩm mỹ phẩm tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Kích thước của tế bào gốc khoảng 15-20 micromet nên không thể thâm nhập qua da. Hơn nữa, nguồn tế bào gốc nếu có trong mỹ phẩm hoàn toàn khác với cấu trúc tế bào của người sử dụng, do vậy sẽ xảy ra phản ứng đào thải tế bào lạ và gây ra phản ứng viêm hoặc dị ứng khi sử dụng. Mỹ phẩm công nghệ tế bào gốc của Việt Nam có lẽ sử dụng những chất kích thích sự tăng trưởng của tế bào sợi. Tuy nhiên đây là những men phản ứng của tế bào, vì vậy bảo quản trong một lọ mỹ phẩm thông thường là không tưởng”.

Theo ĐSPL

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.