Mỹ phải chấp nhận thực tế và đưa ra quyết định đau đớn

GD&TĐ - Lợi thế của Nga khiến Mỹ đứng trước quyết định đau đớn là Ukraine cần phải trung lập, có thể gia nhập EU nhưng không thể là thành viên NATO.

Mỹ phải chấp nhận thực tế và đưa ra quyết định đau đớn

Trong bài viết mới đây, ông Anatole Lieven, người phụ trách chuyên mục của tạp chí “Nghệ thuật lãnh đạo” (Statecraft) cho biết, sự bế tắc của Lực lượng Vũ trang Ukraine và tiến bộ của Nga trong cuộc xung đột đang đẩy Mỹ tới một sự lựa chọn đau đớn và có thể phải lựa chọn một giải pháp cuối cùng.

Theo bài viết, nếu Washington thực sự muốn thấy một Ukraine thịnh vượng với con đường khả thi để trở thành thành viên EU thì phương Tây sẽ phải chấp nhận rằng, nước này sẽ không thể là thành viên của NATO hay một người bạn của Hoa Kỳ.

Ngoài ra, sau này Washington cũng sẽ phải xem xét những giới hạn có thể kiểm chứng được về loại và số lượng vũ khí mà Kiev sở hữu.

Chuyên gia Lieven khẳng định rằng, nếu phương Tây và Kiev không chấp nhận những điều khoản này, Nga sẽ không bao giờ từ bỏ mục đích của mình bởi Điện Kremlin cho rằng, việc Kiev gia nhập NATO chắc chắn sẽ là mối đe dọa quân sự lớn nhất đối với Moscow.

Theo bài viết, sự tiến bộ của Nga trên các mặt trận vẫn chưa thể hiện quá rõ nét trên bản đồ, nơi đường giới tuyến có thay đổi rất chậm trong năm qua.

Trong khi cuộc phản công của Ukraine ở miền nam đã không xuyên thủng được hệ thống phòng ngự của Nga ở hướng Zaporozhye thì Moscow cũng không tiến quân đáng kể về phía tây.

Chuyên gia Lieven nhận định rằng, nếu chỉ so sánh quyền kiểm soát lãnh thổ giữa hai bên vào tháng 1 năm 2023 với tháng 1 năm 2024 thì có thể đi đến kết luận một cách hợp lý là cuộc xung đột đã đi đến hồi bế tắc, nhưng bức tranh này là lừa đảo, bởi Điện Kremlin gần như chắc chắn không tìm kiếm một bước đột phá như vậy, ít nhất là chưa, cho đến thời điểm này.

Nhà phân tích Mỹ chỉ ra rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “cố tình làm suy yếu một cách chậm rãi và có chủ đích” các khả năng của Ukraine, không chỉ trong lĩnh vực năng lực tiến hành chiến tranh, mà còn trong khía cạnh tái xây dựng lại quân đội thời hậu chiến.

Ông Anatole Lieven chỉ ra, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải hiểu và thành thật thừa nhận rằng, nếu không có một giải pháp hòa bình mang tính thỏa hiệp, những khoản viện trợ khổng lồ nặng nề sẽ phải tiếp tục không chỉ trong năm tới, mà còn có thể là trong “vô thời hạn”.

Vị chuyên gia Mỹ thừa nhận rằng, có rất ít cơ hội thực tế để phương Tây và chính quyền Kiev có thể buộc Moscow phải công nhận một trật tự thế giới theo ý Mỹ và chấp nhận các điều kiện ngừng bắn có lợi cho Ukraine.

Ngoài ra, các cuộc tranh luận tại Quốc hội Hoa Kỳ về viện trợ cho Ukraine cũng phản ánh thực tế ngay cả trong nội bộ Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng ngày càng có nhiều ý kiến phản đối việc tiếp tục tiêu tiền thuế của người dân cho Ukraine.

Nhà khoa học chính trị Mỹ kêu gọi giới lãnh đạo Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chấp nhận thực tế và đưa ra phản ứng tích cực “càng sớm càng tốt” và có động thái để Moscow thấy rằng, Washington hiểu những lo ngại của Điện Kremlin về “không gian an ninh chiến lược” và lợi ích địa-chính trị của Nga.

Điều này có nghĩa là Kiev cần phải chấp thuận một hiệp ước trung lập của Ukraine và phương Tây phải đưa ra những đảm bảo an ninh để Kiev yên lòng; viện trợ quân sự cần phải chấm dứt, các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga ít nhất sẽ cần được nới lỏng, nếu không muốn nói là bị đình chỉ.

Theo ông Anatole Lieven, cách tiếp cận này sẽ cho phép tất cả các bên chuẩn bị cho các cuộc đàm phán nghiêm túc dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc về định hướng tương lai của Ukraine và đảm bảo rằng các hành động quân sự sẽ chấm dứt cho đến khi đạt được một thỏa thuận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.