Công ty Masada Armor của Israel chuyên thiết kế các loại đồng phục, mũ và vest quân sự đã phát triển 1 loại ba lô chống đạn trị giá vào khoảng 493 USD.
Sản phẩm được thiết kế như 1 chiếc ba lô đi học bình thường với các ngăn để sách, vở và máy tính xách tay nhưng có thể dễ dàng chuyển đổi thành 1 áo vest chống đạn đủ sức chặn được những phát bắn từ súng ngắn và cả súng trường tốc độ cao như Ak-47, theo như tờ Independent đưa tin. Các tấm chống đạn dày có thể được thêm vào để càng làm tăng thêm khả năng bảo vệ của chiếc ba lô.
Công ty báo cáo đã mở rộng quy mô sản xuất để có thể đáp ứng với nhu cầu của các bậc cha mẹ người Mỹ - những người không thể ngừng lo lắng cho con cái của họ đặc biệt vào thời điểm 1 năm học mới lại bắt đầu.
“Chỉ trong vòng hai tháng chúng tôi đã bán ra tới hàng trăm sản phẩm và đang phải gia tăng tốc độ sản xuất lên tới khoảng 500 đơn vị mỗi tháng” - Giám đốc điều hành Masada Armor, ông Snir Koren trao đổi.
Ba lô chống đạn phù hợp hơn với các thanh thiếu niên lớn tuổi vì nó nặng hơn ba lô thông thường do có các lớp bảo vệ dày. Tuy nhiên, công ty của Israel cho biết, họ đang suy nghĩ về việc phát triển loại ba lô chống đạn cho cả thiếu nhi.
Ngoài Masado Armor ra còn có rất nhiều công ty khác cũng phát triển sản xuất ba lô chống đạn như Hardwire, Gladiator Solutions hay Bullet Blocker. Có thể nói ba lô chống đạn đang có xu hướng trở thành 1 hành trang học đường không thể thiếu như bút, thước kẻ, vở và các vật dụng khác đối với học sinh Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ, bà Betsy DeVos gần đây đã nói rằng mọi quyết định vũ trang cho giáo viên đều phải được thực hiện bởi các tiểu bang và các quận địa phương. Tuyên bố này đã tạo nên một số tranh cãi tại Quốc hội, với nhiều nhà làm luật chỉ trích rằng phát động vũ trang cho giáo viên không phải là 1 giải pháp hợp lý để ngăn chặn vấn nạn xả súng trong trường học.
So với phần lớn các quốc gia khác, người Mỹ có tỉ lệ tử vong bởi bạo lực súng cao nhất. Theo Tập đoàn phi lợi nhuận Gun Violence Archive thống kê, đã có hơn 238 vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ trong năm 2018 và tổng số người thiệt mạng trong các vụ xả súng lên tới 9.837 người.
Theo Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe của ĐH Washington, nơi tổng hợp dữ liệu về số lượng người chết trên toàn cầu mỗi năm, tỉ lệ người thiệt mạng bởi súng đạn tại Mỹ cao tới 3,85/100.000, đứng thứ 31 trên toàn cầu. Tỉ lệ này tại Anh là 0,07, Nhật là 0,04 và Đức là 0,12.
Vào tháng 2, Nikola Cruz bắn chết 17 người tại Trường Trung học Marjory Stoneman Douglas. Ngay 3 tháng sau đó, Dimitrios Pagourtzis bắn chết 8 học sinh và 2 giáo viên tại Trường Trung học Santa Fe. Đây là vụ xả súng trường học thứ 34 tại Mỹ trong năm 2018, theo thống kê của Gun Violence Archive.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng xả súng trường học đang trở thành 1 “hiệu ứng lan truyền” nguy hiểm trên đất Mỹ và nhiều người đã đứng lên để kêu gọi chính phủ và các nhà chính sách siết chặt đạo luật quản lý súng đạn hơn nữa trước khi mất đi thêm nhiều sinh mạng vô tội nào nữa.