Mỹ muốn dùng AIM-9X chặn đòn siêu thanh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Với việc được trang bị đạn AIM-9X Sidewinder, Mỹ hy vọng hệ thống Enduring Shield sẽ đánh chặn được tên lửa hành trình và siêu thanh.

Mỹ muốn dùng AIM-9X chặn đòn siêu thanh

Theo Bộ chỉ huy tên lửa và hàng không của Quân đội Mỹ (AMCOM), lực lượng này vừa cùng với nhà sản xuất Dynetics thống nhất bổ sung thêm một số mục tiêu có thể đánh chặn cho tổ hợp đánh chặn đang phát triển là Enduring Shield.

"Cùng với tên lửa hành trình, máy bay không người lái, đạn phản lực, rocket, Enduring Shield sẽ có thêm khả năng đánh chặn những vũ khí siêu thanh của đối thủ tiềm tàng", nguồn tin của AMCOM tiết lộ.

Quân đội Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 237 triệu USD với Dynetics phát triển hệ thống phòng không tầm ngắn Enduring Shield. Theo kế hoạch, đến tháng 3/2024, Dynetics sẽ cung cấp 16 bệ phóng và 60 tên lửa đánh chặn AIM-9X Sidewinder dẫn đường bằng nhiệt để thử nghiệm.

Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, Mỹ sẽ đặt mua khoảng 400 bệ phóng và hàng nghìn đạn AIM-9X. Dynetics tiết lộ, mỗi hệ thống Enduring Shield được thiết kế với 20 đạn AIM-9X Sidewinder, được tích hợp radar Sentinel AN/MPQ-64A3 hoặc A4.

Tổ hợp này có năng lực diệt tới 9 mục tiêu trong vòng 15 giây và có khả năng kháng nhiễu trước những cuộc tấn công điện tử.

Được biết, AIM-9X được Mỹ trang bị từ năm 2004, đây là phiên bản mới nhất của dòng tên lửa này. Nó có một thiết bị tìm kiếm hồng ngoại tầm xa và được dùng để tấn công các mục tiêu trên bề mặt nước. AIM-9X có thể tấn công cách gần 40km với tốc độ gấp 2,5 Mach.

Việc Mỹ quyết định đổ tiền phát triển Enduring Shield bởi vũ khí này được cho là đủ khả năng làm 'vệ sĩ' cho những hệ thống phòng không tầm xa khỏi những cuộc tấn công từ vũ khí tầm ngắn.

Mục đích của Mỹ với Enduring Shield đã khá rõ ràng tuy nhiên tờ The Warzone dẫn một báo cáo quốc phòng của Mỹ thừa nhận, nước này không có lực lượng phòng thủ tên lửa đủ hiệu quả để chống lại vũ khí siêu thanh hiện đại của Nga và một số đối thủ khác.

"Nga đã tập trung phát triển vũ khí siêu thanh, vì tốc độ, tầm bắn và khả năng cơ động cực cao của loại vũ khí này cho phép đánh bại hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa cả hiện tại và tương lai", tờ Warzone cho biết.

Sự hoài nghi về năng lực phòng thủ trước vũ khí siêu thanh trong chính giới quân sự Mỹ khiến nhiều người đặt dấu hỏi về sức mạnh của Enduring Shield. Và hệ thống này chỉ có thể khẳng định được sức mạnh sau khi đã trải qua thực chiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ