Mỹ đã lập kỷ lục khi tiến hành được hơn 1 triệu xét nghiệm Covid-19 trong một ngày, tuy nhiên, nước này cần tới 6 – 10 triệu xét nghiệm mỗi ngày để kiểm soát được dịch – các chuyên gia cho biết. Sau khi xét nghiệm xong, người dân phải chờ tới 2 tuần để xem họ có nhiễm loại virus vốn đã nhiễm cho hơn 6,7 triệu người Mỹ và làm gần 200.000 người nước này tử vong.
Nhà chức trách tỉnh Kỳ Lâm, Trung Quốc vừa phát hiện ra virus corona trên bao bì mực biển nhập khẩu – quan chức thành phố Fuyu cho biết hôm qua và thúc giục những người mua sản phẩm này tại cửa hàng bán hải sản đông lạnh Sanjia Deca từ 24 đến 31/8 hãy tự đi xét nghiệm. Văn phòng chống Covid-19 Changchun cho biết mực được một công ty ở Hunchun nhập khẩu từ Nga và mang tới thủ phủ của thành phố. Hải quan nói rằng họ sẽ dừng hàng nhập khẩu từ các công ty một thời gian nếu các sản phẩm đông lạnh dương tính với Covid-19 và dừng 1 tháng đối với các sản phẩm dương tính từ 3 lần trở lên.
Indonesia đã dừng xuất khẩu từ công ty hải sản PT Putri Indah vào Trung Quốc sau khi các sản phẩm cá đông lạnh của họ dương tính với Covid-19. Bộ Ngư nghiệp nước này nói rằng đang tiến hành điều tra và chỉ dừng xuất khẩu đối với công ty trên. Virus corona được phát hiện bên trong hộp chứ không phải trên con cá.
Hàn Quốc hôm qua kéo dài biện pháp giãn cách xã hội 2 thêm 1 tuần cho tới 27/9, theo đó giới hạn việc tụ tập trong nhà xuống dưới 50 người và bên ngoài chưa tới 100 người. Họ có thể thắt chặt các giới hạn đối với kỳ nghỉ lễ Chuseok khi mọi người thường tụ tập với gia đình. Đêm 19/9, Hàn Quốc báo cáo có 82 ca mắc mới - mức thấp nhất kể từ giữa tháng 8.
Tại Anh: Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cảnh báo lệnh phong tỏa quốc gia lần thứ 2 có thể được áp đặt nếu mọi người không tuân thủ các quy định của nhà nước nhằm ngăn chặn virrus lây lan. Các ca mắc Covid-19 đã tăng lên gần đây ở Anh với 3.899 ca mới được báo cáo hôm qua. Thị trưởng London yêu cầu có hành động nhanh chóng để ngăn chặn sự lây lan tại thủ đô. Trong khi đó Thủ tướng Johnson tuyên bố phạt đến 10.000 bảng Anh (12.900 USD) đối với những người không tự cách ly khi tiếp xúc với người mắc Covid-19.
Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Serbia cho rằng tình hình dịch tễ ở Balkan và toàn châu Âu xấu đi bắt nguồn từ việc công chúng không tuân thủ các biện pháp chống Covid-19, đặc biệt là trong các kỳ nghỉ, tụ tập tại sân vận động, câu lạc bộ đêm, địa điểm tôn giáo... đồng thời yêu cầu chính quyền tăng cường kiểm soát. Theo WHO, việc người dân thường không tuân thủ các biện pháp chống dịch đang thách thức nỗ lực ngăn ngừa và kiểm soát lây nhiễm ở nhiều quốc gia.