Mỹ lại gây bất ngờ với siêu chiến hạm Zumwalt

GD&TĐ -Sau khi hoàn tất các cuộc thử nghiệm với chiến hạm tàng hình Zumwalt, chiếc USS Zumwalt bắt đầu thử sức với tên lửa siêu thanh.

Mỹ lại gây bất ngờ với siêu chiến hạm Zumwalt

Kế hoạch thử nghiệm tên lửa siêu thanh trên khu trục hạm tàng hình USS Zumwalt (DDG-1000) lớp Zumwalt được Đại úy Tyson Young thuộc văn phòng điều hành chương trình Hệ thống Chiến đấu Tích hợp Zumwalt cho biết.

"Hải quân có kế hoạch thực hiện cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh từ tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Zumwalt vào tháng 12/2025", Đại úy Tyson Young nói và cho biết thêm rằng, hiện cơ quan này cũng đang tích hợp thêm một số công nghệ mới lên lớp tàu chiến tàng hình Zumwalt.

"Chúng tôi đang tiến hành tích hợp hệ thống điều khiển vũ khí thế hệ mới nhằm tăng cường tính bảo mật và truyền tải thông tin với tốc độ tương đương thời gian thực", vị đại úy Mỹ nói.

Điều khá bất ngờ về kế hoạch phóng tên lửa siêu thanh của Hải quân Mỹ với USS Zumwalt diễn ra ngay sau khi những cuộc thử nghiệm cuối cùng với những chiếc tàu lớp Zumwalt này vào cuối năm 2024.

Bởi trước đó, cơ quan Kiểm tra và Đánh giá Hoạt động của Hải quân Mỹ (DOT&E) tuyên bố: "Do được ứng dụng nhiều công nghệ hoàn toàn mới nên Zumwalt cần nhiều thời gian để hoàn thiện. Hiện còn quá sớm để nói về thời điểm kết thúc công việc này nhưng sớm nhất chúng chỉ có thể kết thúc trong năm 2024.

Đây là quá trình thử nghiệm lịch sử trong quân đội Mỹ khi phát triển vũ khí mới. Thử nghiệm tác chiến bề mặt đã hoàn tất nhưng vẫn cần kiểm tra bổ sung để hoàn thiện khả năng chiến đấu của lớp tàu này".

Để có thể phóng tên lửa siêu thanh, USS Zumwalt, chiếc đầu tiên thuộc lớp chiến hạm cùng tên sẽ bắt đầu quá trình hiện đại hóa. Hai bệ pháo 155 mm trước thượng tầng sẽ bị tháo bỏ và thay thế bằng 4 ống phóng thẳng đứng. Mỗi ống chứa được 3 Phương tiện Lướt Siêu thanh (C-HGB), cho phép USS Zumwalt mang được tổng cộng 12 tên lửa siêu thanh.

USS Michael Monsoor, chiếc thứ hai trong lớp Zumwalt, cũng sẽ được trang bị số tên lửa tương tự. Tuy nhiên chưa rõ chiếc cuối cùng là USS Lyndon B. Johnson có được lắp đặt tên lửa C-HGB trong quá trình hoàn thiện hay không.

Vũ khí siêu thanh có tốc độ từ Mach 5 đến Mach 9, có tầm bắn và khả năng cơ động cao hơn so với tên lửa đạn đạo, giúp nó có thể xuyên thủng lớp phòng thủ tên lửa của đối phương.

Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu thanh rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng thủ của đối phương.

C-HGB là dự án hợp tác của Hải quân và Lục quân Mỹ, bao gồm đầu đạn, hệ thống dẫn đường và tấm chắn nhiệt, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò nền tảng cho tên lửa tấn công siêu vượt âm của Quân đội Mỹ. Các quân chủng của nước này đều đang phát triển vũ khí siêu thanh phù hợp với đặc thù hoạt động của mình. Hiện mọi việc mới chỉ dừng lại ở những vụ thử đầu tiên.

Khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt được coi là một trong những dự án quân sự tốn kém nhất lịch sử Mỹ, nhưng lại gây thất vọng với hàng loạt lỗi thiết kế, đội giá và chậm tiến độ. Hải quân Mỹ ban đầu định sử dụng lớp Zumwalt để tấn công các mục tiêu ven biển bằng Hệ thống Pháo Tiên tiến (AGS) cỡ 155 mm.

Nhưng đạn pháo dẫn đường tầm xa (LRLAP) cho AGS quá đắt đỏ, với giá gần 1 triệu USD/quả trong khi độ chính xác bị cho là kém tên lửa dẫn đường khiến Hải quân Mỹ từ bỏ pháo AGS và dùng vũ khí siêu thanh thay thế. Với những lần lỗi hẹn của Zumwalt, sẽ không quá bất ngờ nếu chúng không phóng được tên lửa siêu thanh đúng thời điểm công bố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ