Giáo viên Mỹ mệt mỏi vì nhiệm vụ đánh giá học sinh

GD&TĐ - Tại Mỹ, hàng năm, giáo viên tổ chức đánh giá để kiểm tra mức độ nắm vững kiến thức của học sinh.

Các bài đánh giá học sinh khiến giáo viên gia tăng áp lực công việc.
Các bài đánh giá học sinh khiến giáo viên gia tăng áp lực công việc.

Giáo viên Mỹ cho rằng các bài đánh giá được thiết kế với mục đích theo dõi sự tiến bộ của học sinh đang gây cản trở quá trình học tập của các em và gia tăng áp lực cho thầy cô.

Tại Mỹ, hàng năm, giáo viên tổ chức đánh giá để kiểm tra mức độ nắm vững kiến thức của học sinh. Nhiều người ủng hộ phương pháp theo dõi này. Tuy nhiên, công đoàn giáo viên cảnh báo số lượng bài đánh giá đang tăng lên trong những năm gần đây, đặc biệt sau dịch Covid-19.

Các bài đánh giá tập trung đo lường thiệt hại trong học tập, tiến bộ trong môn Đọc và Toán học, cũng như sức khoẻ tâm thần của học sinh sau thời gian giãn cách. Điều này khiến giáo viên gia tăng áp lực công việc.

Mới đây, Liên đoàn Giáo viên Thống nhất (UFT) thành phố New York, Mỹ, đã khảo sát hơn 115.000 giáo viên, thu về hơn 3.000 câu trả lời về tính hiệu quả của việc theo dõi trình độ học tập của học sinh qua kiểm tra, đánh giá.

Kết quả, 54% giáo viên nhận xét các bài đánh giá “luôn luôn” hoặc “thường xuyên” cản trở việc học tập của học sinh. 63% giáo viên cho rằng những bài đánh giá gây ra áp lực không đáng có cho học sinh.

Đơn cử, cô Randi Boxer, giáo viên Trường Khoa học và Công nghệ PS 152, cho hay: “Việc đánh giá học sinh khiến tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và trang bị kiến thức cho học sinh trong những cấp học tiếp theo”.

Ông Michael Mulgrew, Chủ tịch UFT, nhấn mạnh: “Chúng tôi cần được tăng lương để duy trì điều kiện sinh hoạt trong thành phố. Chúng tôi cũng cảm thấy mệt mỏi vì phải lãng phí thời gian cho những nhiệm vụ mà Bộ Giáo dục giao cho từ thủ tục hành chính, giấy tờ đến các bài đánh giá học sinh”.

Ngoài ra, trong quá trình khảo sát, UFT đã nhận được nhiều phản hồi bằng email từ một số giáo viên. Họ phản ánh phải đánh giá học sinh ở nhiều lĩnh vực như kỹ năng đọc - hiểu, kỹ năng làm toán, thậm chí là sức khoẻ tinh thần...

Ví dụ, giáo viên phải chuẩn bị 43 câu hỏi cho học sinh để đánh giá sức khoẻ tinh thần của các em. Tuy nhiên, hoạt động này gây tốn thời gian mà không mang lại nhiều giá trị cho học sinh.

Theo kết quả khảo sát, giáo viên ước tính họ phải dành 12 giờ mỗi tuần cho những nhiệm vụ không mang lại lợi ích cho người học. Điều này gây ra nỗi thất vọng lớn cho giáo viên tại Mỹ.

Qua phản ánh vấn đề trên, giáo viên thành phố New York kêu gọi một hợp đồng lao động mới, trong đó có tăng lương, thay đổi chính sách giáo dục, giảm bớt khối lượng bài đánh giá cũng như công việc hành chính khác... Điều này giúp thầy cô tập trung vào công tác chuyên môn.

Trước tình hình trên, người phát ngôn của Thị trưởng thành phố New York chia sẻ: “Chúng tôi tôn trọng công việc cao cả của các thầy cô. Thành phố hy vọng sẽ sớm đạt được thỏa thuận với liên đoàn giáo viên”.

Ngành Giáo dục Mỹ đang trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng thấy do thiếu giáo viên trong bối cảnh nhiều người nghỉ việc hoặc xin về hưu sớm.

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên bỏ nghề như áp lực công việc, khối lượng công việc hành chính khổng lồ, mất cân bằng giữa công việc - cuộc sống... Và việc phải hoàn thành quá nhiều các bài đánh giá không mang lại lợi ích cho học sinh lẫn giáo viên đang “đổ thêm dầu vào lửa”.

Không chỉ tại thành phố New York, giáo viên ở nhiều thành phố, bang tại Mỹ đã kêu gọi Bộ Giáo dục, các ban ngành liên quan thay đổi chính sách việc làm, tăng lương, giảm nhẹ áp lực để giáo viên yên tâm công tác.

Theo Gothamist

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.