Mỹ đứng ngoài, nhóm G7 vẫn kiên định với Hiệp định Paris

GD&TĐ - Ngày 12/6, tại thành phố Bologna, miền Bắc Italy, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã kết thúc sau 2 ngày bàn thảo căng thẳng (khai mạc ngày 11/6).

Mỹ đứng ngoài, nhóm G7 vẫn kiên định với Hiệp định Paris

Nội dung chủ yếu của hội nghị tập trung vào việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu – một quyết định được coi là gây chia rẽ giữa Mỹ và các đối tác của Washington, cũng như gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ dư luận trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, kết thúc hội nghị, 6 quốc gia còn lại trong G7 đều nhất trí thúc đẩy các nỗ lực chống biến đổi khí hậu mà không cần có Mỹ.

Theo ông Gian Luca Galletti - Bộ trưởng Môi trường Italy, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của G7 năm nay - những khác biệt giữa Mỹ và các nước còn lại trong G7 về Hiệp định Paris vẫn tồn tại và chiều hướng này khó có thể đảo chiều. Ông Gian Luca Galletti nhấn mạnh Italy và các nền kinh tế hàng đầu khác coi Hiệp định Paris là “không thể đảo ngược và tái thương lượng”.

Người đứng đầu Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc Erik Solheim cho biết tại hội nghị, 6 quốc gia G7 đều thể hiện quyết tâm đối phó với biến đổi khí hậu “bất chấp những gì đang diễn ra ở Nhà Trắng”. Trong khi đó, quan chức Liên Hiệp Quốc phụ trách thực thi Hiệp định Paris, Patricia Espinosa, nhận định quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu toàn cầu sẽ không tạo ra sự khác biệt nào trong ngắn hạn.

Lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) Scott Pruitt từ chối bình luận về tình hình của các cuộc thảo luận ở Bologna. Ông Pruitt đã sớm rời Bologna để về nước dự một cuộc họp với Tổng thống Trump chỉ vài giờ sau khi đến Italy tham gia Hội nghị Bologna.

Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7 diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump vừa quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, khiến những kỳ vọng đối với hội nghị này hiện khá thấp. Các kế hoạch của Tổng thống Donald Trump nhằm tái thương lượng một thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ đã bị các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Italy khước từ. Tuy vậy, theo nhận định của giới chuyên gia, một khi thiếu Mỹ, thỏa thuận này kém hiệu quả hơn cũng như cản trở nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ