Trong bản cáo trạng 13 tội danh được tòa án liên bang ở Brooklyn, New York đưa ra hôm đầu tuần, người sáng lập đã chỉ được nêu ra với tên “cá nhân -1”. Khi đó ông cho rằng Huawei tuân thủ luật xuất khẩu của Mỹ và không giao dịch trực tiếp với bất kỳ công ty nào của Iran – theo bản cáo trạng.
Huawei được ông Nhậm Chính Phi thành lập năm 1987 từ một nhà cung cấp điện thoại nhỏ và sau đó trở thành một nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới, dự đoán sẽ mang về 125 tỉ USD doanh thu năm nay.
“Trong cuộc phỏng vấn, Cá nhân-1 đã nói sai rằng Huawei không tiến hành bất kỳ hoạt động nào vi phạm luật xuất khẩu của Mỹ và rằng Huawei hoạt động theo tất cả luật xuất khẩu của Mỹ” – bản cáo trạng cho biết.
Việc thẩm vấn của FBI đối với người sáng lập Huawei hồi tháng 7/2007 cho thấy các nhà chức trách an ninh Mỹ đã nghi ngờ công ty này có các hoạt động bất hợp pháp ở Iran ít nhất là từ chính quyền của Tổng thống George W Bush.
Cuộc phỏng vấn này cũng diễn ra cách đây ít nhất 5 năm trước khi Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ đưa ra một bản báo cáo năm 2012 cáo buộc Huawei và ZTE của Trung Quốc gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia, đồng thời cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể dùng các sản phẩm của các công ty này để do thám và ăn cắp dữ liệu. Huawei nhiều lần bác bỏ những cáo buộc đưa ra trong bản báo cáo trên.
Người sáng lập Huawei - ông Nhậm Chính Phi |
Ngoài Huawei, các bị cáo khác có tên trong bản cáo trạng dài 25 trang bao gồm các chi nhánh Huawei Device USA và Skycom Tech Co, cũng như Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu – con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi.
Những bị cáo này đối mặt với 13 tội danh về gian lận tài chính, rửa tiền, âm mưu lừa gạt chính phủ Mỹ, cản trở công lý và vi phạm Đạo luật Quyền lực Kinh tế khẩn cấp quốc tế gồm các lệnh trừng phạt thương mại, và các tội danh khác.
Các nhà chức trách Mỹ còn muốn buộc tội các cá nhân khác chưa bị bắt và tên của họ chưa được công khai vào thời điểm này.
Huawei từ chối tất cả các cáo buộc trong bản cáo trạng trên.
Theo bản cáo trạng, sau cuộc phỏng vấn của FBI với người sáng lập, các nhân viên của Huawei liên tục xuyên tạc về mối quan hệ của công ty với Skycom – một công ty đăng ký ở Hong Kong với vai trò sản xuất thiết bị viễn thông có trụ sở ở Iran, sự kiểm soát trực tiếp này đã bị cấm theo Quy định về giao dịch và xử phạt của Iran.
Bản cáo trạng cho rằng Huawei đã cố gắng che giấu mối quan hệ trên thông qua một loạt các giao dịch chuyển nhượng cổ phần liên quan tới hai công ty con không được tiết lộ. Việc này cho phép Huawei tuyên bố rằng Skycom chỉ là một đối tác kinh doanh ở Iran.
Theo lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, không có hàng hóa, công nghệ hay dịch vụ nào có thể được xuất khẩu sang Iran từ Mỹ hoặc một người Mỹ mà không được cấp phép. Hoa Kỳ cho rằng Skycom đã thuê ít nhất một công dân Mỹ, được xác minh là “Nhân viên 1” - người đã cung cấp các dịch vụ viễn thông cho Iran từ 2008 và 2014 mà không xin phép.
Theo bản cáo trạng, kể từ 2010, Huawei cũng đánh lừa nhiều tổ chức tài chính và ngân hàng ở Mỹ bằng cách giấu mối liên hệ thực sự với Skycom. Kết quả là, một trong số những ngân hàng được đặt tên trong bản cáo trạng là “chi nhánh Mỹ 1” (một chi nhánh của “Tổ chức Tài chính 1”) đã xóa hơn 100 triệu USD tiền giao dịch cho Skycom.
Tháng 9/2012, một phó chủ tịch cấp cao của Huawei đã làm chứng trước Quốc hội Mỹ rằng công việc kinh doanh của Huawei không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Vài ngày sau, một thủ quỹ của Huawei nói với giám đốc một ngân hàng Mỹ rằng công ty này và các chi nhánh toàn cầu của họ cũng không vi phạm bất kỳ luật nào.
Tuy nhiên, vài tháng sau, hãng tin Reuters công bố một báo cáo cho rằng Huawei sở hữu và điều hành Skycom – nơi đang cố gắng bán những hàng hóa bị cấm vận có nguồn gốc của Mỹ cho Iran và điều này là vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Phản ứng lại việc trên, Huawei gọi Skycom là một trong những “đối tác địa phương lớn” của mình và nhấn mạnh lại rằng “việc kinh doanh của Huawei tại Iran hoàn toàn tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành, bao gồm cả các quy định của Liên hợp quốc, Mỹ và EU”.
“Công ty chúng tôi thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt cam kết này” – Huawei nói vào thời điểm đó - “Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu các đối tác của mình tuân theo cùng một cam kết và tuân thủ nghiêm ngặt các luật lệ và quy định có liên quan”.
Bản cáo trạng hình sự đối với Huawei và cá nhân các bị cáo bao gồm bà Mạnh, đánh dấu đỉnh điểm của cuộc điều tra kéo dài ít nhất một thập kỷ đối với Huawei. Năm ngoái, đối thủ ZTE của Huawei tại Trung Quốc cũng bị phạt 1 tỉ USD và bị cấm mua các linh kiện và dịch vụ của Mỹ trong vòng 3 tháng vì không phạt 35 nhân viên liên quan tới việc bán các thiết bị viễn thông cho Iran và Triều Tiên một cách bất hợp pháp.
Lệnh cấm này đã làm tê liệt ZTE, khiến nó phải phụ thuộc vào công nghệ Mỹ để tồn tại. Giờ đây, ZTE có một điều phối viên đặc biệt do Mỹ chỉ định, có quyền xem xét, giám sát và đánh giá việc tuân thủ của công ty này đối với luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Khi công khai lãnh đạo của mình, Huawei đã liệt kê bà Mạnh là Giám đốc tài chính và là một trong những giám đốc điều hành của công ty vào năm 2011. Bà đã được tại ngoại ở Vancouver khi chờ kết quả của phiên điều trần để quyết định liệu có bị dẫn độ về Mỹ để đối mặt với các cáo buộc hay không.
Nhiều tháng sau khi những báo cáo của Reuters được công bố năm 2012, bà Mạnh đã yêu cầu được gặp trực tiếp với một giám đốc điều hành của “Tổ chức tài chính 1” cũng là một trong những nạn nhân liên quan tới việc giúp Skycom xử lý hàng triệu USD giao dịch.
Trong cuộc gặp của bà Mạnh với giám đốc điều hành trên vào tháng 8/2013, bà đã sử dụng một bản thuyết trình PowerPoint để giải thích rằng sự tham gia của bà vào hội đồng quản trị Skycom từ tháng 2/2008 và tháng 4/2009 là để giúp Huawei “hiểu rõ hơn kết quả tài chính và hiệu quả kinh doanh của Skycom, đồng thời theo dõi sự tuân thủ của Skycom”.
Đầu năm 2014, bà Mạnh có chuyến đi tới New York qua sân bay quốc tế John F Kennedy – nơi các nhà chức trách Mỹ đã xem xét một tài liệu chứa văn bản trong một thiết bị điện tử của bà.
Theo bản cáo trạng, tài liệu trên, có thể đã được xóa đi, có chứa thông tin quan trọng về Iran và Skycom.
Mỹ thấy rằng, khoảng năm 2017, “Tổ chức tài chính 1” đã chấm dứt mối quan hệ ngân hàng với Huawei do lo ngại rủi ro. Tổ chức tài chính này nhấn mạnh với Huawei rằng việc chấm dứt chỉ là quyết định đơn phương của họ. Sau thất bại này, Huawei đã cố gắng tăng cường quan hệ với các ngân hàng khác và nói rằng chính mình mới là người chấm dứt quan hệ với “Tổ chức tài chính 1” do không hài lòng về dịch vụ.
Vào thời điểm này, Mỹ cáo buộc Huawei đã biết về cuộc điều tra tội phạm của Mỹ chống lại mình và đã cố tình chuyển các nhân chứng biết về việc kinh doanh ở Iran về Trung Quốc – nơi vượt khỏi phạm vi quyền lực của Mỹ. Công ty này cũng tìm cách phá hủy và che giấu bằng chứng kinh doanh của mình.