Chính quyền Mỹ luôn coi tấn công mạng như mối đe dọa khủng bố
Ngày 31/7, Tờ Sputniks trích lời bà Lisa Monaco trợ lý Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề chống khủng bố và An ninh nội địa cho biết: “Chính phủ Mỹ luôn khẳng định rõ lập trường, sẽ sử dụng tất cả các công cụ sẵn có, kể cả những cách như tiếp cận khủng bố để xác định, phát hiện và tiêu diệt các mối hiểm họa tới nước Mỹ. Đó là cách chính phủ Mỹ đang sử dụng để chống lại mối đe dọa an ninh mạng”.
Trước đó một ngày, Ủy ban Chiến dịch Nghị viện Dân chủ (DCCC) cho biết, họ là nạn nhân trong các vụ xâm nhập mạng. Trong một vụ tấn công khác, truyền thông đưa tin, hệ thống máy tính đội vận động tranh cử của bà Hillary Clinton sử dụng đã bị tin tặc tấn công. Khi được hỏi về các vụ tấn công mạng trên, trợ lý Tổng thống từ chối trả lời và cho biết, sự việc đang được Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tìm hiểu.
Mới nhất, ngày 29/7, Nhóm vận động tranh cử tổng thống của bà Hilary Clinton cho biết hệ thống máy tính của họ mới bị tin tặc đột nhập. Theo đó, các tin tặc đã tiếp cận được chương trình phân tích dữ liệu phục vụ cho cuộc tranh cử của bà Clinton.
Trước đó, hệ thống máy tính của đảng Dân chủ cũng bị tin tặc xâm nhập, ăn trộm 20.000 email mật và công bố cho WikiLeaks. Vụ rò rỉ email ảnh hưởng nghiêm trọng tới đảng Dân chủ, làm suy giảm lòng tin và buộc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ phải từ chức. Mỹ đang nghi ngờ Nga là thủ phạm đứng sau vụ tấn công mạng này nhằm quấy rối cuộc bầu cử Tổng thống.
Ngoài Nga, tin tặc Trung Quốc cũng là một trong những mối lo ngại của Mỹ. Trong khi các vụ tấn công mạng được cho là Nga thực hiện đều nhằm vào lĩnh vực chính trị của Mỹ thì phần lớn các vụ tấn công mạng tại Mỹ nghi ngờ Trung Quốc thực hiện đều nhằm ăn cắp tài sản trí tuệ, bí mật thương mại. Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) cáo buộc số vụ tấn công mạng do Trung Quốc thực hiện trong năm 2015 tăng 53%. Năm 2014, Mỹ từng truy tố 5 quan chức quân đội Trung Quốc vì tội tấn công mạng. Sự việc này từng khiến Mỹ -Trung nổ ra cuộc “đấu khẩu” căng thẳng.