'Mỹ chưa có gì để so sánh với Poseidon'

GD&TĐ - Các cuộc xung đột ở nhiều nơi trên thế giới đã làm nổi bật vai trò quan trọng của vũ khí không người lái trong chiến tranh hiện đại.

Kích thước khổng lồ của Poseidon.
Kích thước khổng lồ của Poseidon.

Vũ khí độc nhất

Phương tiện tấn công không người lái đã trở thành hình ảnh khá phổ biến trên chiến trường trong khi các cường quốc thế giới như Nga và Mỹ đang khám phá ứng dụng quân sự của vũ khí không người lái cả trên không lẫn dưới nước.

Vasily Dandykin, nhà phân tích quân sự và Đại úy Hải quân Nga cho biết, mặc dù Hải quân Mỹ hiện đang thử nghiệm các phương tiện không người lái dưới nước được phóng từ tàu ngầm nhưng nước này vẫn chưa có bất cứ thứ gì có thể so sánh được với tàu ngầm không người lái chiến lược Poseidon của Nga.

Theo Dandykin, Poseidon là thiết bị thực sự độc nhất vô nhị, giúp Nga tự bảo vệ mình và việc nó ra mắt đã thực sự khiến Mỹ và đồng minh bị "kích động".

"Về cơ bản, Poseidon là thiết bị không người lái dưới nước chiến lược có thể di chuyển tới 10.000 km ở độ sâu hàng km với tốc độ cao.

Phương tiện di chuyển bằng năng lượng hạt nhân, thực tế là bất khả chiến bại và mang đầu đạn hạt nhân khổng lồ có sức công phá được đo bằng megaton", Dandykin nhận xét.

Ông cũng đề cập rằng Nga đang phát triển thiết bị không người lái dưới nước có thể được sử dụng để quét mìn và phương tiện không người lái tấn công chiến thuật nhưng không tiết lộ chi tiết.

Thay vì nói nhiều về khả năng của Poseidon trong Hải quân Nga, Dandykin khẳng định rằng những tính năng của phương tiện tấn công mà Moscow có trong tay sẽ trở thành bất ngờ khó chịu đối với kẻ thù của đất nước.

Khi nói về sức mạnh của Poseidon trong cuộc trò chuyện với tạp chí Business Insider, nhà vật lý Rex Richardson cho biết, một vụ nổ hạt nhân dưới nước với đương lượng nổ cực lớn của Poseidon sẽ tạo ra một cơn sóng thần tương đương với cơn sóng phá hủy bờ biển Nhật Bản năm 2011.

Lượng phóng xạ đi cùng sẽ biến vùng đất mà nước tràn qua trở thành vùng tử địa với bất kỳ đối thủ nào.

Poseidon có bất khả chiến bại?

Dù ngư lôi Poseidon của Nga có thể lặn sâu tới 1000m và có tốc độ bơi trên 200km/h nhưng theo chuyên gia Mỹ, nước này đã tìm ra cách có thể khắc chế Poseidon.

Chuyên gia hải quân Mỹ, H.I. Sutton cho rằng, việc đối phó với siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon của Nga không hề khó như Moscow và cả phương Tây vẫn nói.

Vị chuyên gia này nói, các ngư lôi của Nga phần lớn đơn giản, chúng sẽ phụ thuộc vào tốc độ và độ sâu để đảm bảo sự tồn tại. Vì vậy có thể tiêu diệt chúng bằng cách bố trí dưới đáy biển một mạng lưới mìn cảm biến, chúng có thể phát hiện và phá hủy siêu ngư lôi của Nga.

Ông Sutton giải thích: "Các lưới mìn cảm biến có khả năng nhận biết và phân loại mục tiêu khác nhau, ví dụ như Poseidon là mục tiêu di động nhanh hơn nhiều so với tàu ngầm truyền thống. Với mỗi loại mục tiêu sẽ xác định phương pháp đánh chặn khác nhau".

Vị chuyên gia này cũng tin rằng, Poseidon của Nga có thể bị phá hủy bởi các đầu đạn siêu thanh được phóng từ các tàu ngầm Mỹ. Loại vũ khí này của Mỹ là ngư lôi hạng nhẹ thế hệ mới.

"Thời gian bay ngắn và bán kính hoạt động rộng cho phép chúng tiêu diệt mục tiêu khi mục tiêu nằm ngoài phạm vi của lưới mìn cảm biến.

Vì vậy cho dù các tàu ngầm hoạt động ở Bắc Đại Tây Dương cũng có thể phản ứng kịp thời chống lại Poseidon và tiêu diệt chúng trong khi chúng vẫn còn cách xa so với các lưới mìn cảm biến phát hiện chúng", chuyên gia Mỹ nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.