Mỹ cắt giảm lượng đường trong thực đơn trường học

GD&TĐ - Bộ Nông nghiệp Mỹ đề xuất thay đổi hàm lượng dinh dưỡng trong thực đơn của chương trình bữa ăn học đường, trong đó, cắt giảm đường và natri.

Một bữa trưa tại trường của học sinh Mỹ.
Một bữa trưa tại trường của học sinh Mỹ.

Ngày 3/2, Bộ Nông nghiệp Mỹ đề xuất thay đổi hàm lượng dinh dưỡng trong thực đơn của chương trình bữa ăn học đường, trong đó, cắt giảm đường và natri. Sự thay đổi nhằm khắc phục tình trạng béo phì ở trẻ em và cung cấp những bữa ăn bổ dưỡng tại trường học.

Theo đề xuất trên, từ năm học 2025 - 2026, các loại thực phẩm chứa hàm lượng đường cao như ngũ cốc có đường, sữa chua, bánh đóng gói... sẽ phải giảm lượng đường. Các loại thực phẩm chứa lượng natri cao cũng sẽ được điều chỉnh dần trong năm học để hạn chế các bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch.

Để giảm lượng đường, học sinh sẽ được chọn sữa ít béo hoặc sữa tách béo. Sữa có hương vị chỉ dành cho học sinh ở những cấp học cao. Dự kiến đến năm 2027, lượng đường trong các khẩu phần ăn sáng và trưa ở trường học sẽ giảm xuống ở mức dưới 10% tổng lượng calo mỗi tuần.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, hơn 15,3 triệu trẻ em Mỹ ăn sáng và 29,6 triệu trẻ em ăn trưa mỗi ngày tại trường học. Con số này cao hơn thời điểm trước đại dịch do ở một số địa phương, trẻ em được thụ hưởng chương trình bữa ăn học đường miễn phí.

TS Lauren Au, Trợ lý giáo sư tại Khoa Dinh dưỡng, Trường Đại học California tại Davis, Mỹ, nhận định: “Đề xuất là một bước tiến trong việc thúc đẩy dinh dưỡng lành mạnh trong trường học. Việc giảm lượng đường bổ sung cho độ tuổi học sinh là rất quan trọng”.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ