Căn bệnh giống bại liệt đe dọa trẻ em khắp nước Mỹ

Mỹ ghi nhận ít nhất 62 ca viêm tủy sống liệt mềm cấp tính, căn bệnh giống bại liệt và có thể dẫn đến tử vong ở trẻ em. 

Căn bệnh giống bại liệt đe dọa trẻ em khắp nước Mỹ

Spencer Hill dường như chỉ bị cảm lạnh thông thường cho đến lúc đột nhiên khó đi lại và cử động tay. Dần dần, cậu bé 6 tuổi không thể viết chữ hay tự mình di chuyển.

"Đứa con vốn ưa chạy nhảy của tôi bỗng chốc nói rằng nó không thể kéo khóa quần và viết bài. Con còn ngã vì chân không đi được. Thật khủng khiếp", Serena Hill, mẹ của Spencer cho biết. 

Sau khi phát bệnh, Spencer lập tức nhập viện và dành ba tuần để phục hồi chức năng. Đội ngũ y tế cũng cho cậu bé truyền steroid nhằm ngăn chặn sự lây lan của chứng liệt. 

Theo AP, Spencer chỉ là một trong 62 trường hợp mắc bệnh viêm tủy sống liệt mềm cấp tính (AFM) được ghi nhận trong năm nay tại 22 bang của Mỹ. Ngoài số này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh (CDC) đang điều tra thêm 65 ca khác. 

Ảnh: SM.

Giống bệnh bại liệt, AFM ảnh hưởng tới hệ thần kinh của cơ thể, đặc biệt là tủy sống và gây ra tình trạng liệt. Khoảng 90% trẻ mắc AFM bị yếu cơ hoặc liệt cơ mặt, cổ, lưng, tay chân. Các triệu chứng này thường xuất hiện một tuần sau khi bé lên cơn sốt hoặc gặp vấn đề hô hấp. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến AFM như các loại virus, chất độc từ môi trường và yếu tố di truyền song CDC chưa thể tìm ra nguồn gốc của sự gia tăng đột biến năm nay. "Điều đó vẫn còn là bí ẩn", bác sĩ Nancy Messonnier, đại diện CDC nhận định. Trước đây, Mỹ từng chứng kiến các đợt bùng phát AFM vào năm 2014 và 2016. 

Hiện chưa có vắcxin cho AFM. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào triệu chứng cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hầu hết trẻ đều bình phục nhưng một số em không được may mắn như trường hợp Carter Roberts. 

Đã tiêm phòng đầy đủ và rất khỏe mạnh, Carter đột ngột bị AFM vào năm 2016 khi mới ba tuổi. Em trải qua 200 ngày nằm viện, trong đó có 100 ngày được điều trị chuyên sâu song vẫn không khỏe lên mà phải sống nhờ máy móc. Ngày 22/9, cậu bé trút hơi thở cuối cùng. 

Nhằm hạn chế nguy cơ AFM, CDC khuyến cáo các phụ huynh thường xuyên rửa tay cho con em đồng thời cho trẻ bôi thuốc chống côn trùng, tránh bị muỗi đốt.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ