(GD&TĐ) - Suốt ngày từ sáng đến chiều, họ vật lộn với mùi hôi thối của rác, với những nguy hiểm chực chờ từ mảnh chai, đinh rỉ, kim tiêm.... Bằng hai bàn tay chai sạn không có dụng cụ bảo hộ, họ mưu sinh miệt mài ở cái nơi mà người ta ít khi vào đó. Khoảng 10 con người, đa phần là phụ nữ, đang từng ngày từng giờ kiên trì bám trụ tại bãi rác Cẩm Hà (thôn Bầu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà, TPHội An, Quảng Nam) để mong kiếm thêm vài đồng bạc lẻ...
Mót rác bãi Cẩm Hà, ngủ trưa nơi nghĩa trang nhân dân...
Chúng tôi đến bãi rác Cẩm Hà vào khoảng hơn 12 giờ trưa. Cái nắng gay gắt đổ xuống làm mùi rác bốc lên nồng nặc. Giờ này, đa phần những người phụ nữ nhặt rác đều ra nghĩa trang nhân dân thành phố Hội An, cách bãi rác không xa để nghỉ trưa. Nhưng trong bãi vẫn còn lại một số chị cặm cụi đốt từng khúc dây điện để lấy lõi đồng, nhặt từng cây đinh còn sót lại trong rác.
Ngay cảm giác đầu tiên, tôi đã thấy cảm phục sự chịu đựng của họ. Không phải ai cũng có thể chịu được mùi hôi thối hỗn tạp bốc lên từ rác lâu được, nhất là với thời tiết nắng nóng nữa... Vậy mà họ vẫn làm việc như một công việc bình thường. Chiếc nón lá đã cũ đội trên đầu dường như chưa là gì so với cái nắng giữa trưa. Mồ hôi của những bà, những chị đang nhặt rác cứ lăn dài xuống...
Một phụ nữ mưu sinh trong bãi rác Cẩm Hà |
Dạo một vòng trong bãi rác, chúng tôi đành phải ra ngoài nghĩa trang vì không thể chịu được mùi rác nữa. Ở đây, mùi thối của rác tuy đã giảm bớt nhưng vẫn còn rất nặng mùi. Nơi bóng mát, một số phụ nữ, đa phần là lớn tuổi đang nghỉ ngơi để chờ nhặt rác buổi chiều. Khuôn mặt ai nấy đều đen nhẻm, hốc hác dưới cái nắng trưa. Cuộc nói chuyện bắt đầu trong sự e dè bởi các cô, các chị đều không dám nói về cái nghề mình đang làm. Cũng là mưu sinh giữa cuộc đời, nhưng vào đây, đa phần trong họ đều mang những mặc cảm nhất định. Nhưng càng nói chuyện, những phụ nữ này càng cởi mở, chân tình. Và, cuộc mưu sinh nơi bãi rác cứ theo đó mà hiện lên theo lời kể của họ.
Bà Lê Thị Mại, 63 tuổi, một trong những người nhặt rác lâu năm nhất ở bãi rác Cẩm Hà này cho biết: "Tụi tui chỉ là lượm lặt lại những cái sót lại thôi mấy chú à. Chứ đâu còn cái chi đáng giá nữa. Khi xe rác đi thu gom, nhân viên của họ đã nhặt hết những thứ giá trị một lần. Đến khi về nhà máy, công nhân lại nhặt kĩ một lần nữa. Thì khi đổ ra bãi rác ni chỉ còn lại những thứ giá trị rất kém như đinh, sắt vụn, dây điện nhỏ...v...v...Biết rứa nhưng vì kiếm thêm hột cơm, chén mắm nuôi con nuôi cháu nên tụi tui vẫn phải làm. Sáng, dậy thật sớm gói cơm theo để ăn trưa, rồi đạp xe đến bãi rác. Đến khi tối mịt không thấy đường thấy sá mới về...".
Điều bà Mại nói hoàn toàn đúng bởi khi chúng tôi vào bãi rác, dạo quanh một vòng trước khi ra đây cũng không thấy bất cứ thứ gì có giá trị cả. Hầu như đều là những phế thải vứt đi. Nhưng bà Mại cũng như những người khác vẫn từng giờ từng ngày bới, móc, đốt, nhặt trong đống phế thải ấy để mong tìm ra một chút sắt, chút đồng vụn hay những gì tương tự. Công việc ấy tất nhiên phải tốn nhiều sức nhưng thành quả đem lại thì không bao nhiêu.
Khi chúng tôi hỏi tại sao công việc cực nhọc, độc hại, thu nhập lại thấp mà vẫn làm như vậy, một phụ nữ trẻ trong những người nhặt rác bảo rằng đâu còn con đường nào khác. Phần đông họ từ những vùng nghèo khổ của thành phố Hội An cũng như của các huyện, xã khác. Gia đình họ vốn cơ cực. Hằng ngày, lao động làm ra khoảng 50 nghìn đồng là đã mừng lắm rồi. Ở bãi rác này, làm việc cật lực từ sáng đến chiều, ngày nào may mắn thì họ kiếm được khoảng tiền bằng hoặc nhiều hơn 50.000 đồng một chút. Nhưng đa phần là từ 30 - 40.000 đồng là chủ yếu. Thậm chí có ngày còn không tới mức đó.
Biết bao nguy hiểm đợi chờ....
Túp lều nhỏ giữa bãi rác để những người nhặt rác nghỉ tạm khi mệt |
Đa phần những người phụ nữ nơi đây đều nhặt rác bằng tay không, bao tay bảo hộ không hề có trong suy nghĩ của họ. Những bàn tay đen đúa, chai sạn vẫn ngày qua ngày thò vào đống rác để lượm lặt, để phân loại, để mang những hy vọng về một cuộc sống đủ ăn thôi... Những bàn tay ấy từng ngày phải đối mặt với nguy cơ chịu biết bao nhiêu thương tích, nguy hiểm từ bãi rác...
Đưa chúng tôi xem bàn tay vừa bị mảnh kính vỡ cắt chảy máu lúc sáng, chị Lương, một phụ nữ nhặt rác cho biết: "Chuyện bị cắt chảy máu như ri là chuyện thường. Ngày nào cũng bị. Mà làm sao tránh được. Với những chút sắt, chút đồng còn sót lại trong rác, chỉ có thể dùng tay trần mới nhận ra được. Chứ đeo bao tay cao su vào thì rất khó nhận biết được. Mà nhiều khi những mảnh vỡ sắc nhọn, có đeo bao tay bảo hộ cũng thế thôi... Nhưng vẫn phải làm chứ biết răng được...".
Đó là nguy hiểm có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Còn biết bao nhiêu khí độc hại từ rác, các phụ nữ này cũng đều hít vào người. Hiện tại thì tác hại của nó chưa thể nhìn thấy rõ rệt, nhưng về lâu về dài thì rất nguy hiểm. Biết bao nhiêu khí của phế thải hít vào phổi, là điểm khởi đầu của nhiều căn bệnh, thậm chí là bệnh nan y. Tất nhiên, những người phụ nữ nhặt rác ở đây biết rõ điều ấy, nhưng vì mưu sinh, vì những đồng bạc còm cõi vắt ra từ rác thải mỗi ngày, họ đành chấp nhận điều ấy. Thì ra, trong cuộc mưu sinh này, họ đã đánh đổi rất nhiều thứ, trong đó có cái quý giá nhất là sức khỏe.
Chia tay với những người nhặt rác ở bãi rác Cẩm Hà khi cơn giông chiều cũng vừa kéo tới. Vài người trong số họ cũng vừa đưa lên xe đạp bao phế liệu mình nhặt được để chở đến điểm bán. Nhìn chiếc xe đạp cọc cạch chở bao phế liệu trên đường trở ra nghĩa trang nhân dân thành phố Hội An mà chúng tôi càng thấy lòng nặng hơn. Biết bao giờ những phụ nữ này mới hết cảnh cơ cực, nguy hiểm như thế này? Và biết bao giờ cuộc sống của họ đỡ hơn để không phải vùi đầu trong bãi rác ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác? Những câu hỏi ấy cứ xoáy mãi vào tâm trí tôi...
Xuân Vân