Mường Tè giảm nghèo từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp người dân huyện Mường Tè (Lai Châu) nâng cao thu nhập, từng bước xoá đói, giảm nghèo.

Người dân xã Bum Tở, huyện Mường Tè nhận tiền chi trả DVMTR.
Người dân xã Bum Tở, huyện Mường Tè nhận tiền chi trả DVMTR.

Nguồn thu nhập ổn định từ rừng

Huyện Mường Tè có tổng diện tích tự nhiên khoảng 267.000ha. Trong đó diện tích rừng hơn 180.000ha, tỷ lệ che phủ đạt trên 65%, phần lớn là rừng đặc dụng và phòng hộ.

Những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường (DVMTR) đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, giúp người dân cải thiện đời sống, có thu nhập ổn định, đồng thời góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có.

Pa Ủ là xã có tổng diện tích rừng lớn của huyện Mường Tè với trên 21.400ha. Trong đó, rừng sản xuất có 10.000ha, rừng phòng hộ trên 11.400 ha với độ che phủ rừng đạt 68%. Năm 2022, diện tích rừng đủ điều kiện chi trả tiền DVMTR của xã là trên 20.000ha với số tiền chi trả trên 20 tỷ đồng.

Từ tiền DVMTR đã giúp nhân dân có thu nhập ổn định hàng năm, đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. Có tiền bảo vệ rừng, người dân mua sắm được nhiều vật dụng trong gia đình phục vụ cuộc sống và sản xuất nông nghiệp.

Anh Pờ Lò Hừ, bản Pha Bu, xã Pa Ủ chia sẻ: “Năm nay, người dân xã Pa Ủ được chi trả tiền bảo vệ rừng, mỗi hộ hơn 20 triệu. Có tiền này chúng tôi về phát triển kinh tế, mua giống lúa, ngô để trồng”.

Người dân huyện Mường Tè tích cực tham gia bảo vệ rừng.

Người dân huyện Mường Tè tích cực tham gia bảo vệ rừng.

Năm 2022, gia đình anh Ly Hừ Cho, bản Cờ Lò, xã Pa Ủ nhận được gần 25 triệu tiền DVMTR. Đây là số tiền lớn và là thu nhập chính trong năm của gia đình anh. Số tiền này giúp gia đình anh mua sắm được nhiều vật dụng trong sinh hoạt. Đặc biệt hơn, từ số tiền ấy, anh đã tạo điều kiện để các con được đi học đầy đủ.

Ông Lý Phí Giá, Chủ tịch UBND xã Pa Ủ cho biết: “Chính sách chi trả DVMTR giúp người dân có thu nhập ổn định. Qua đó, tạo đà trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã. Khi nhận được tiền bảo vệ rừng, người dân đã nhận thức về vấn đề nâng cao đời sống như mua cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình”.

Xác định số tiền DVMTR lớn nên để đảm bảo chi trả đúng, đủ, kịp thời, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã phối hợp với các xã chi trả theo hình thức cuốn chiếu 3 xã một lần. Tại xã sẽ chi trả theo từng bản. Đối với những bản xa, khó khăn thì cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ và chính quyền các xã sẽ tới tận bản để chi trả cho người dân.

Anh Phùng Phí Chóng, bản Nậm Xả, xã Bum Tở cho biết: “Nhận được tiền chi trả DVMTR mình phấn khởi lắm. Năm nay, cán bộ vào tận bản để phát tiền nên không phải đi lại nhiều, bà con đỡ vất vả”.

Theo ông Lý Xá Hừ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè cho biết: Tổng số thanh toán tiền DVMTR chi trả cho bên nhận khoán bảo vệ rừng năm 2022 là trên 189 tỷ đồng. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ chi trả diện tích trên 78.000ha với số tiền gần 88 tỷ đồng; UBND các xã, thị trấn chi trả diện tích gần 97.000ha với số tiền trên 101 tỷ đồng.

“Mỗi hộ thu nhập bình quân từ tiền DVMTR năm 2022 của huyện khoảng 20 triệu đồng. Trong đó, xã Mù Cả được chi trả nhiều nhất, trung bình mỗi hộ nhận được trên 39 triệu đồng. Người dân ở xã Pa Vệ Sủ cũng nhận được trung bình trên 36 triệu đồng. Điều đó đã góp phần tích cực trong việc thay đổi cuộc sống của người dân” – ông Lý Xá Hừ nói.

Nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng

Từ hiệu quả chính sách chi trả DVMTR mang lại, hàng năm, xã Pa Ủ luôn xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm. Để bảo vệ rừng tốt, UBND xã đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm và lực lượng chức năng trên địa bàn kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp xã.

Người dân xã Bum Nưa cùng cán bộ Hạt kiểm lâm tham gia tuần tra bảo vệ rừng.

Người dân xã Bum Nưa cùng cán bộ Hạt kiểm lâm tham gia tuần tra bảo vệ rừng.

Cùng với đó, xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng. Thành lập đội cơ động bảo vệ rừng với quân số trên 50 người. Chỉ đạo 11/11 bản thành lập tổ, đội chuyên trách bảo vệ rừng. Đồng thời, yêu cầu lực lượng, cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân dân bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng theo hướng “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời” với phương châm “4 tại chỗ".

Ông Lý Phí Giá, Chủ tịch UBND xã Pa Ủ cho biết: “Hàng năm, chúng tôi thành lập Ban chỉ đạo tuyên truyền tới các bản về công tác bảo vệ rừng. Đặc biệt vào khoảng tháng 3, 4, chúng tôi yêu cầu Trưởng bản tuyên truyền tới người dân để đảm bảo khi đốt nương làm rẫy không cháy lan vào rừng”.

Ông Lý Xá Hừ chia sẻ: “Từ khi bắt đầu có chính sách chi trả DVMTR, ý thức của nhân dân cũng như cộng đồng các bản rất tốt. Người dân hạn chế làm nương rẫy khi có nhận thức về lợi ích của việc bảo vệ rừng”.

Huyện Mường Tè đã xác định rõ tầm quan trọng của việc chăm sóc, phát triển rừng trong phát triển kinh tế - xã hội, coi đó là nền tảng vững chắc để nâng cao tiêu chí thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.

Người dân huyện Mường Tè chăm sóc diện tích quế mới trồng.

Người dân huyện Mường Tè chăm sóc diện tích quế mới trồng.

Theo đó, nhiệm vụ “Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển rừng bền vững gắn với phát triển kinh tế rừng” đã được Đại hội Đảng bộ huyện Mường Tè lần thứ XX đặt ra. Nhiệm vụ đó nhằm cụ thể hóa mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng lên trên 66,5% vào năm 2025. Trong đó, toàn huyện tập trung quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; khoanh nuôi tái sinh trên 20.000ha rừng; phấn đấu trồng mới gần 1.600ha quế và khoảng 1.900ha rừng.

Đồng thời, nâng cao năng lực phòng chống cháy rừng. Quan tâm đầu tư, cải tạo kết cấu hạ tầng phục vụ tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

“Từ các chính sách bảo vệ, phát triển rừng và trồng mới diện tích rừng giúp người dân trên địa bàn huyện có thu nhập ổn định hàng năm nhất là tại các xã, bản khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước giúp người dân xóa đói, giảm nghèo” – ông Lý Xá Hừ khẳng định.

Bên cạnh việc chi trả DVMTR, huyện Mường Tè cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền cho người dân về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và phòng cháy chữa cháy rừng. Thông qua các buổi họp bản, khu dân cư, hàng chục nghìn lượt người đã được tuyên truyền.

Anh Vàng Chừ Hừ, bản Ma Ký, xã Mù Cả chia sẻ: “Được cán bộ đến tận bản tổ chức tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng nên người dân trong bản luôn chấp hành tốt bảo vệ, không vào rừng chặt phá rừng, đốt nương phải đảm bảo để có nguồn thu nhập ổn định từ tiền DVMTR.

Còn anh Lý Tiến Dũng, bản Xi Nế, xã Mù Cả cho biết: “Với thu nhập hơn 42 triệu đồng mỗi năm từ tiền rừng, người dân trong bản đã tập trung phát triển kinh tế. Cùng với đó, các hộ cũng nhận thức được vai trò và trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng”.

Ông Đao Văn Hân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Tè khẳng định: “Từ hiệu quả chính sách chi trả DVMTR, diện tích rừng của huyện ngày càng được bảo vệ tốt. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép được hạn chế. Số vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng có xu hướng giảm. Điều này, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 của huyện lên trên 66,2%. Chất lượng rừng, môi trường sinh thái từng bước được cải thiện”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ