Mường Lát (Thanh Hóa): Khó trăm bề sau lũ dữ

GD&TĐ - Gần chục ngày sau khi cơn lũ dữ tràn qua, huyện vùng cao biên giới Mường Lát vẫn ngổn ngang những đống đổ nát. Mất mát đau thương, khung cảnh hoang tàn hiện hữu ở các bản làng. Chính quyền địa phương và đồng bào nơi đây đang “gồng mình” để khắc phục hậu quả thiên tai.

Cụ Thao Văn Sự (bản Pá Hộc, xã Pù Nhi, Mường Lát, Thanh Hóa) đang lựa cho mình chiếc áo cũ do một đoàn từ thiện trao tặng
Cụ Thao Văn Sự (bản Pá Hộc, xã Pù Nhi, Mường Lát, Thanh Hóa) đang lựa cho mình chiếc áo cũ do một đoàn từ thiện trao tặng

Ôm con nhỏ thoát thân

Sau khi quốc lộ 15C được khắc phục những đoạn sạt lở, chúng tôi mới lên được trung tâm thị trấn Mường Lát. Đi qua bản Pá Hộc, xã Pù Nhi, chứng kiến cảnh những ngôi nhà của người dân bị lũ cuốn trôi, xô sập, xiêu vẹo hoang tàn, nhìn thấy những ánh mắt buồn rầu của bà con dân bản, mà không khỏi xót xa.

Tại nhà văn hóa của bản, những hộ bị thiệt hại do lũ dữ gây ra đang tập trung nhận quà hỗ trợ từ những đoàn từ thiện, những nhà hảo tâm... Ở bản Pá Hộc, cơn lũ dữ quét qua vào các ngày 3 và 4/8 đã cuốn trôi hầu hết lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, biến hàng trăm nhân khẩu trong bản thành những người đói ăn, thiếu mặc.

Chị Hơ Thị Sua, (SN 1986, ở cùng bản Pá Hộc) vẫn như người “mất hồn”, ngồi ngẩn ngơ trước cái nền trơ trọi của căn nhà đổ sập hoàn toàn. Gia đình chị Sua có 5 nhân khẩu (2 vợ chồng, 3 đứa con), vẫn đang phải đi ở tạm tại nhà văn hóa, bản Pá Hộc. Chị Sua kể: “Sáng mùng 4/8, trời mưa to như trút, nước ở con suối rừng đổ về ầm ầm, kéo theo bùn đất, cây cối ào tới làm nghiêng căn nhà, tôi vội bế đứa con nhỏ 4 tuổi chạy thoát thân. Vừa chạy xuống đến đường cái, ngoảnh lại xem thì cả ngôi nhà của gia đình tôi đổ sập. Lúc đó, nếu chậm vài phút thôi, có lẽ cả hai mẹ con tôi không còn nữa”.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Thao Văn Thê - Trưởng bản Pá Hộc, cho biết: Trận lũ vừa qua đã khiến 1 người của bản Pá Hộc thiệt mạng (anh Thao Văn Súa - trưởng Công an xã Pù Nhi). Lũ cũng đã cuốn trôi 4 ngôi nhà của người dân và làm hư hại 10 ngôi nhà khác. Ngoài lương thực dự trữ là lúa và ngô của các hộ dân đều đã bị lũ cuốn đi.

Cũng theo chị Sua, vợ chồng chị chỉ trông chờ vào vài mảnh đất trên đồi để gieo lúa nương, nhưng bây giờ cũng bị sạt và vùi lấp nên không còn chỗ bấu víu. Những ngày tới đây, không biết gia đình chị sẽ như thế nào, bởi nhà không còn, lương thực cũng chẳng xót lại gì khi cơn lũ tràn qua.

Là người cao tuổi nhất, nhì ở bả Pá Hộc, ông Thao Văn Sự (SN 1941), bùi ngùi, kể lại: “Già sống ở đây ngần nấy tuổi rồi, mà chưa bao giờ chứng kiến cảnh nước lũ tàn phá bản như vậy. Năm ngoái, cả huyện Mường Lát bị lũ phá tan nhưng bản Pá Hộc không hề hấn gì, vì địa thế rất tốt. Chẳng hiểu sao, năm nay nước từ đâu đổ về mà khủng khiếp như vậy. Nhà ta bị lũ cuốn trôi hết cả rồi! Một tuần qua, gia đình già phải đi ăn nhờ, ở tạm trong ngôi lán do các chú ở Công an huyện Mường Lát và người dân trong bản dựng cho”.

Sau lũ, nhiều gia đình ở bản Pá Hộc đang phải tá túc ở nhà văn hóa của bản
  • Sau lũ, nhiều gia đình ở bản Pá Hộc đang phải tá túc ở nhà văn hóa của bản

Dân “khát” nước sạch

Theo thống kê của UBND huyện Mường Lát, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến cho các huyện vùng cao, biên giới này có 3 người chết, 31 hộ mất hết nhà cửa, 471 hộ bị hư hỏng, 3 trạm y tế xã bị ảnh hưởng; 25 giếng nước bị hư hỏng, 450 nguồn nước máng lần bị nước cuốn trôi; 350 công trình vệ sinh hộ gia đình bị đất đá vùi lấp.

Cơ sở trường, lớp học của 9 trường tại các xã: Mường Chanh, Quang Chiều, Pù Nhi, Tam Chung, Trung Lý, Nhi Sơn và thị trấn Mường Lát bị hư hại; hạ tầng y tế, văn hóa ở các xã, thôn, bản cũng thiệt hại nặng nề; hơn 100 ha lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả bị thiệt hại, hơn 40 ha cây lâm nghiệp bị hư hỏng. Nhiều hệ thống cấp nước sinh hoạt và thủy lợi, 29 đập dâng trên địa bàn bị lũ tàn phá…

Mưa lũ cũng đã khiến hệ thống đường ống HDPE dẫn nước từ đập đầu nguồn kênh Pom Buôi về bể lắng, lọc tại nhà máy nước Mường Lát cũ (chiều dài khoảng 5km) cung cấp nước tạm thời cho thị trấn Mường Lát bị vùi lấp, đứt gãy không thể hoạt động. Nhiều công trình nước sạch trên địa bàn huyện này cũng bị hư hỏng nghiêm trọng, không thể sử dụng dẫn đến nguồn nước sạch khan hiếm.

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, tại thị trấn Mường Lát, nhiều hộ dân đã phải dùng bình, can nhựa đi xa cả cây số để lấy nước về sử dụng. Nguồn nước cũng có phần hạn chế vì số lượng người lấy nhiều, trong khi vị trí có nước sạch chỉ một vài điểm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau đợt mưa lũ lịch sử hồi cuối tháng 8/2018, hệ thống dẫn nước sạch từ bản Poọng (Tam Chung), được đầu tư hơn 15 tỷ đồng, để đưa nước về thị trấn đã bị cuốn trôi hoặc đất đá vùi lấp hoàn toàn. Để khắc phục tình trạng trên, cuối năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường ống cấp nước tạm cho thị trấn Mường Lát.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở NN&PTNT tỉnh này làm chủ đầu tư, lắp đặt mới hệ thống đường ống HDPE dẫn nước từ đập đầu nguồn suối Pom Buôi về bể lắng, lọc tại nhà máy nước Mường Lát cũ (chiều dài khoảng 5km). Đồng thời, cải tạo bể lắng, lọc, thay thế, lắp mới một số van vận hành đã có tại nhà máy nước Mường Lát cũ, nhằm đảm bảo cấp nước cho người dân trong thời gian chờ đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch tại xã Tam Chung. Tuy nhiên, công trình cũng chỉ mới đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn, thì bị vùi lấp, đứt gãy do hậu quả của đợt mưa lũ vừa qua, khiến người dân ở trung tâm huyện Mường Lát hiện nay đang rơi vào tình cảnh “khát” nước sạch.

Chị Lê Thị Vân, ở khu 2, thị trấn Mường Lát, cho biết: “Hầu hết các gia đình ở thị trấn Mường Lát đều rơi vào cảnh thiếu nước sạch. Do tình trạng thiếu nước sạch kéo dài, nên có nhiều gia đình chọn cách thuê người khoan giếng để lấy nước dùng. Tuy nhiên, nguồn nước giếng khoan cũng hết sức hạn chế, thường thì phải 10 nhà chung 1 giếng, trong khi các hoạt động sinh hoạt hằng ngày cần nước sạch càng ngày càng tăng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.