"Mường Khoe" thay áo mới

GD&TĐ - Được chia tách và thành lập từ các xã nghèo của huyện Tuần Giáo vào năm 2007, Mường Ảng khi đó là một trong những huyện nghèo nhất cả nước.

Bộ mặt nông thôn của huyện Mường Ảng đang thay đổi từng ngày. Ảnh: Duy Linh
Bộ mặt nông thôn của huyện Mường Ảng đang thay đổi từng ngày. Ảnh: Duy Linh

Sau 15 năm nỗ lực, giờ đây, Mường Ảng đã khoác lên mình một diện mạo mới. Kinh tế - xã hội ở vùng đất “Mường Khoe” (khoe sắc bản mường) đã có những đổi thay đồng bộ và toàn diện.

Từ một huyện nghèo 30a…

Ngày 14/11/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135 về việc điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách huyện Tuần Giáo để thành lập huyện Mường Ảng. Sau thời gian chuẩn bị tích cực, khẩn trương, ngày 1/4/2007, huyện Mường Ảng đã chính thức đi vào hoạt động.

Chia sẻ về những khó khăn khi mới thành lập huyện, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: “Thời kỳ đầu thành lập và đi vào hoạt động, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Ảng chiếm gần 70% theo chuẩn nghèo cũ.

Nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé manh mún. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông hầu như chưa được đầu tư, thiếu đồng bộ”.

Khi đó, từ trụ sở Huyện ủy, UBND huyện đến các cơ quan đơn vị là công trình tạm. 10/10 trụ sở các xã, thị trấn chưa được đầu tư, trong đó có 3 xã chưa có trụ sở làm việc. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hầu hết là mới được tuyển dụng, chưa có kinh nghiệm, chất lượng nguồn nhân lực chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế.

Là người gắn bó với Mường Ảng từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Hữu Hiệp thẳng thắn nhìn nhận: “Đời sống của người dân còn rất khó khăn, tỉ lệ hộ đói nghèo cao, quá trình đô thị hoá diễn ra chậm, là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ… Đây là những yếu tố có ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện”.

Trước những thách thức đó, huyện Mường Ảng đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thử thách, đoàn kết một lòng từng bước xây dựng cuộc sống mới. Từ đó, tạo nên những đổi thay, diện mạo mới với nhiều thành tựu vẻ vang trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

“Xác định rõ những khó khăn, thách thức của huyện mới thành lập, qua 5 kỳ đại hội, huyện đã tập trung xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch sát với tình hình thực tế trong từng giai đoạn.

Cùng với đó, khơi dậy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, nguồn lực con người cùng tinh thần sáng tạo, đổi mới, quyết tâm vượt khó đã đưa Mường Ảng từng bước phát triển” – ông Nguyễn Tiến Đạt - Bí thư Huyện ủy Mường Ảng chia sẻ.

Đặc biệt, Đại hội Đảng bộ huyện Mường Ảng lần thứ 23, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đổi mới, sáng tạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược. Trong đó, đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá thực hiện trong giai đoạn này.

Huyện xác định sẽ tập trung xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm tại các xã. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt xây dựng các công trình trọng điểm. Cùng với đó là đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Quy mô trường lớp ngày càng được mở rộng, chất lượng giáo dục có sự chuyển biến. Ảnh: Duy Linh
Quy mô trường lớp ngày càng được mở rộng, chất lượng giáo dục có sự chuyển biến. Ảnh: Duy Linh

…15 năm thay áo mới

Đến Mường Ảng những ngày này, đâu đâu cũng vang lên giai điệu của bài hát “Mường Ảng quê tôi”. Ca từ bài hát xen lẫn không khí ngày kỷ niệm 15 năm thành lập huyện như lời mời gọi du khách đến thăm, cảm nhận về những đổi thay của vùng đất dưới chân đèo Tằng Quái.

Trong không khí phấn khởi đó, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng bày tỏ: “Trải qua 15 năm từ khi chia tách, thành lập, Mường Ảng đã có bước phát triển khá toàn diện. Kinh tế phát triển ổn định, có bước tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm, tăng 6,4 lần so với ngày đầu thành lập”.

Theo báo cáo của UBND huyện, sau 15 năm hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện. Các tuyến đường từ huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa, giao thông nông thôn được cải tạo, nâng cấp.

Cũng trong thời gian đó, trung tâm hành chính huyện, trụ sở các xã được đầu tư xây dựng khang trang. 100% xã, trên 94% bản được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 95% số hộ có điện. Trường học, bệnh viện, trạm y tế, nhà văn hóa xã đã được đầu tư theo hướng kiên cố, chuẩn hóa.

Đến nay, toàn huyện có trên 67 công ty và doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, 26 hợp tác xã và 1.534 hộ kinh doanh với tổng giá trị vốn kinh doanh trên 266,56 tỷ đồng. Gần đây nhất, Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc đã đầu tư xây dựng Nhà máy thu mua và chế biến cà phê tươi tại xã Ẳng Tở với tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng.

Công suất chế biến 2.000 tấn cà phê tươi và cà phê thóc thành phẩm/năm. Từ đó, tạo điều kiện cho Mường Ảng tích cực khai thác các thế mạnh và trở thành vùng cà phê trọng điểm của tỉnh.

Cũng theo ông Hiệp, công tác xóa đói giảm nghèo được huyện triển khai toàn diện trên bề rộng và đi vào chiều sâu. Mường Ảng đặc biệt quan tâm hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn huyện từng bước được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, được hưởng lợi từ những chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước. Tỷ lệ hộ thoát nghèo hằng năm tăng.

Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bức tranh nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc. Toàn huyện hiện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 11,4 tiêu chí/xã.

Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, sự nghiệp giáo dục đào tạo được quan tâm, quy mô trường lớp ngày càng được mở rộng, chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực.

Ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng chia sẻ: “Từ một huyện mới được thành lập với tình trạng cơ sở vật chất còn thiếu thốn, mới có 1 trường đạt chuẩn quốc gia, chưa đạt chuẩn phổ cập THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đến nay, toàn huyện đã có 39 cơ sở giáo dục. Trong đó, có 29 trường đạt chuẩn quốc gia”.

Cùng với đó, toàn địa phương cũng duy trì và nâng cao chuẩn phổ cập giáo dục các cấp và xóa mù chữ mức độ 2. Từ đó, đồng thời, nhận thức của nhân dân về giáo dục có chuyển biến tích cực. Quy mô, mạng lưới trường lớp, sĩ số học sinh hằng năm được giữ vững.

Đồng thời, công tác y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng luôn được quan tâm thường xuyên, đến nay có 11,41 bác sĩ trên vạn dân, 10/10 xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đem lại hiệu quả thiết thực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.