Muốn tuyển sinh tốt, không có cách nào ngoài nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Đại diện các trường đại học đưa ra nhận định này khi trao đổi với GD&TĐ về tình hình công tác xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm nay.

Muốn tuyển sinh tốt, không có cách nào ngoài nâng cao chất lượng

Ông Kiều Xuân Thực - Trưởng phòng Đào tao Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội: Ngành tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao sẽ có sức hút

Một số nguyên nhân có thể lý giải cho việc nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Đầu tiên, có thể nói đến việc tổng chỉ tiêu không giảm nhưng nguồn tuyển giảm nhiều so với 2015 (số thí sinh dự thi THPT ở cụm do trường đại học chủ trì chủ trì giảm).

Bên cạnh đó, thông tin hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trên các phương tiện truyền thông có tác động đáng kể đến thí sinh và phụ huynh.

Nhiều thí sinh sẽ lựa chọn học nghề hoặc tham gia thị trường lao động ngay mà không vào đại học “bằng được” như những năm trước.

Điều này dẫn đến các trường hoặc các ngành trong cùng một trường có chất lượng đào tạo tốt, tỷ lệ sinh viên có việc làm cao sẽ có sức hút tốt, tuyển sinh thuận lợi.

Thực tế tuyển sinh đợt 1 tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho thấy: Số thí sinh xác nhận nhập học đạt 95%, trong đó gần một nửa số ngành - là những ngành thế mạnh của nhà trường có tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 6 tháng cao như Cơ khí, Cơ Điện tử, Điện, Công nghệ ô tô… - đã đủ chỉ tiêu ngay mà không phải xét tuyển bổ sung

Qua kết quả tuyển sinh 2016 cho thấy, công tác phân luồng sau THPT bắt đầu có sự chuyển biến tích cực, các trường muốn tuyển sinh tốt thì không còn cách nào khác ngoài việc nâng cao chất lượng và gắn kết đào tạo với thực tiễn để sinh viên ra trường dễ dàng có việc làm ngay mà không phải qua “đào tạo lại”.

Ông Trần Văn Hải - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang: Thí sinh đủ điểm vào đại học nhưng vẫn chọn cao đẳng

Tôi cho rằng, năm nay sẽ có nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt là các trường ở tốp trung và tốp dưới. Nói về vấn đề nguồn tuyển, theo tôi, liên quan đến thái độ của người học đối với giáo dục đại học.

Theo đó, do tác động của công tác hướng nghiệp, truyền thông, định hướng dư luận, một lượng cử nhân, kỹ sư ra trường không tìm được việc làm phù hợp… nên thí sinh có xu hướng thận trọng hơn với lựa chọn học đại học của mình.

Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp thí sinh khi đến đăng ký xét tuyển, mặc dù đủ điểm vào học đại học nhưng lại xin học hệ cao đẳng. Điều này cho thấy nhận thức, tâm lý sính bằng cấp đã phần nào thay đổi;

Riêng vấn đề thí sinh ảo mà nhiều người nói đến trong kỳ tuyển sinh năm nay đã được dự báo trước bởi chúng ta chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong lựa chọn ngành nghề.

Tổ chức thi, tuyển sinh năm sau, theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia nên giao cho các địa phương tổ chức. Đối với xét tuyển đại học, các trường tự lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp với đơn vị mình (có thể là thi tuyển hoặc xét tuyển).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ