ĐỀ MINH HỌA THI TỐT NGHIỆP THPT TỪ NĂM 2025:

Muốn làm bài tốt học sinh cần tự trang bị kiến thức xã hội

GD&TĐ - Theo các giáo viên Ngữ văn và Lịch sử, học sinh muốn làm tốt đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần tự trang bị thêm nhiều kiến thức xã hội.

Ngoài các kiến thức trên trường lớp, học sinh cần được trang bị các kiến thức thực tế ngoài xã hội để làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.
Ngoài các kiến thức trên trường lớp, học sinh cần được trang bị các kiến thức thực tế ngoài xã hội để làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.

Vai trò của kiến thức xã hội

Thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các em học sinh sinh năm 2007 học theo Chương trình GDPT 2018 sẽ chỉ còn 3 học kỳ nữa sẽ chính thức tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cô Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) nhận định, đề minh họa của Bộ GD&ĐT vừa công bố hôm 29/12/2023 có cấu trúc gần giống với cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT của các năm gần đây.

Ngữ liệu không nằm trong các bộ SGK hiện đang được chọn dạy trong trường phổ thông. Phần đọc - hiểu văn bản có phần nặng hơn bởi biểu điểm đề mới là 4,0 với 5 câu hỏi so với đề cũ biểu điểm là 3,0 với 4 câu hỏi.

Cô Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội). Ảnh: Khôi Nguyên.

Cô Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội). Ảnh: Khôi Nguyên.

Phần làm văn biểu điểm mới là 6,0 điểm được chia làm 2 câu. Câu Nghị luận văn học chỉ được 2,0 điểm yêu cầu viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ về đặc điểm của một nhân vật cụ thể. Đề nghị luận văn học của chương trình mới thiên về cảm nhận chi tiết chứ không cảm nhận khái quát một đoạn văn bản như đề cũ.

Cũng theo cô Hằng Nga, điều đặc biệt của đề ngữ văn mới là câu nghị luận xã hội được xếp sau cùng với biểu điểm là 4,0 - gấp đôi so với câu nghị luận xã hội của đề cũ. Hơn nữa đề cũng yêu cầu học sinh chỉ được viết khoảng 600 chữ .

Tựu chung lại, đề minh họa ngữ văn lớp 10 của chương trình mới có những điểm khác lạ so với đề cũ như thiên về cụ thể chi tiết, chú trọng nghị luận xã hội, yêu cầu về sức viết - tức dung lượng bài làm của học sinh ít hơn so với đề cũ. Ngữ liệu nằm ngoài các bộ SGK hiện hành.

"Do đó, học sinh cần nắm chắc phương pháp làm bài; hiểu tác phẩm đến từng chi tiết cụ thể và nên trang bị nhiều kiến thức xã hội. Các em cần biết cách cô đọng cách trình bày của mình sao cho thật ngắn gọn, tránh lan man; chú ý phân bố thời gian hợp lý cho từng phần trong bài thi" - cô Hằng Nga lưu ý thêm.

Cần có kế hoạch học tập rõ ràng

Cô Nguyễn Thị Minh Hải - Giáo viên Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc và các em học sinh. Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Minh Hải - Giáo viên Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc và các em học sinh. Ảnh: NVCC.

Nhận định thêm về đề minh họa môn Lịch sử, cô Nguyễn Thị Minh Hải - Giáo viên Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, đề minh họa cho học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 có khá nhiều điểm mới, đòi hỏi cả thầy và trò phải thay đổi cách dạy và học.

Theo đó, giáo viên không chỉ dạy học thuộc mà cần dạy thêm các kỹ năng, cách xử lý vấn đề cho học trò. Thầy cô nên đưa ra những câu hỏi giúp học sinh phát triển tư duy và tính chủ động với kiến thức đã học. Đồng thời liên hệ thực tế, lồng ghép kĩ năng mềm để học sinh hứng thú trong quá trình học Lịch sử không nhàm chán.

Đối với học sinh, cô Minh Hải lưu ý, để làm tốt phần trắc nghiệm, học sinh cần hiểu và nắm chắc kiến thức cơ bản để làm tốt câu mức độ nhận biết, thông hiểu. Câu ở mức độ vận dụng, các em cần bình tĩnh đọc kĩ câu dẫn và đáp án. Phần đúng sai dù không quá khó nhưng học sinh cần học tập chủ động, tự giác rèn kĩ năng làm bài.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Nam Định năm 2022.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Nam Định năm 2022.

Thầy Nguyễn Duy Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Nam Định (tỉnh Nam Định) cho biết, sau khi biết cấu trúc đề minh họa, nhà trường sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch học tập cho học sinh thật cụ thể. Thầy cô sẽ tăng cường trang bị cho các em kỹ năng cần thiết cũng như luyện các dạng bài.

Song song với đó, giáo viên sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá học sinh rồi phân loại để bổ trợ cho từng nhóm đối tượng. Công tác hỗ trợ tâm lý cho học trò cũng sẽ là ưu tiên của nhà trường, nhất là giai đoạn trước kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm. Mỗi thầy cô sẽ có những phương pháp linh hoạt nhằm đồng hành, hỗ trợ tâm lý để học sinh thấy bớt bị áp lực, có tâm lý vững vàng trước khi thi.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đề minh họa theo cấu trúc định dạng mới đã được thử nghiệm tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với khoảng gần 5.000 học sinh. Các câu hỏi trong đề minh họa cố gắng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa ngoài thực tế. Thời điểm này, Chương trình GDPT 2018 mới thực hiện đến lớp 11, do vậy các nội dung kiến thức được sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và 11.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.