“Dạy con từ thuở còn thơ” , câu nói này chưa bao giờ sai. Bố mẹ hãy nhớ rằng, chỉ cần uốn nắn, dạy bảo đúng cách, đúng lúc, những thái độ không đúng đắn của con sẽ được chỉnh sửa, thay đổi.
Từ đó, con sẽ trở nên ngoan ngoãn và lễ phép hơn hẳn. Bạn đừng nghĩ rằng con còn bé, chưa biết gì mà bỏ qua thời điểm uốn nắn những thái độ, hành động của con.
Bạn cũng đừng cho rằng để con thoải mái mới kích thích sự sáng tạo trong con. Hãy nhớ, thoải mái, tự do trong một khuôn phép cũng sẽ tốt hơn cho đứa trẻ trong quá trình lớn lên và phát triển.
Một điều quan trọng, góp phần quyết định vào độ thành công trong việc dạy con ngoan ngoãn, lễ phép đó chính là bạn có là tấm gương cho con hay không. Bạn luôn đưa ra quy định, con phải thế này, con phải thế kia nhưng bạn có thực hiện điều đó hay không?
Có nghiêm khắc với những điều luật này không? Ví dụ nhé: bạn dạy đi học về phải chào bố mẹ, ông bà, nhưng bản thân bạn khi đi làm về lại không chào bố mẹ mình thì hiển nhiên rằng, trẻ sẽ nghĩ "bố mẹ không làm, sao mình phải làm".
Nếu bạn không tin, có thể hỏi lí do vì sao con không nghe theo lời bạn, bạn sẽ nhận được câu trả lời: "Con thấy bố mẹ vẫn như thế mà". Hãy nhớ, bạn là tấm gương để con nhìn vào và hình thành tính cách, kỷ luật đấy nhé.
Dạy con biết chào hỏi
Chẳng cần phải nói đến lễ giáo phương Đông, ở phương Tây, lời chào cũng quan trọng không kém. Dù cho bạn ở độ tuổi nào, làm nghề nghiệp gì thì lời chào mỗi khi gặp nhau, với thái độ đúng mực, luôn được mọi người đề cao và xem trọng.
Do đó, đừng nghĩ rằng “không ép con chào, để khi nào con thích thì chào”, bạn hãy tập cho con thói quen từ bé, gặp ai cũng chào, dù đó là bạn bè cùng lứa, anh chị hay người lớn. Dần dần, điều này sẽ trở thành thói quen, đi sâu vào trí nhớ của trẻ.
Dù cho bạn ở độ tuổi nào, làm nghề nghiệp gì thì lời chào mỗi khi gặp nhau, với thái độ đúng mực, luôn được mọi người đề cao và xem trọng. (Ảnh: Internet)
Ban đầu, khi trẻ chưa biết nói, bạn có thể dạy con bằng cách khoanh tay, cúi đầu chào. Khi trẻ biết nói, bạn nên dạy những câu chào ngắn gọn nhưng vẫn với thái độ lễ phép.
Và đến khi con đã nói rành mạch, bạn đã có thể dạy con câu chào hoàn chỉnh. Dần dà, điều này sẽ tạo thành thói quen và ý thức phải chào hỏi trong trẻ.
Dạy con cách cư xử đúng đắn
Tùy vào độ tuổi của trẻ, bạn sẽ có những cách thức để dạy con về thái độ cư xử thật đúng đắn. Những việc như người lớn đưa đồ vật phải nhận bằng hai tay, vứt rác đúng nơi quy định, không la hét nơi công cộng làm phiền người khác, không nói léo, xin phép trước khi mượn đồ vật của ai đó…
Bố mẹ hãy nhớ rằng đừng vội la mắng, trừng phạt khi trẻ không thực hiện ngay bởi những điều này khi bạn dạy, trẻ không thể nhớ ngay mà phải mất một thời gian thì trẻ mới ghi nhớ và hình thành ý thức được. Hãy bình tĩnh, nhất quán bố mẹ nhé.
Người lớn đưa đồ vật phải nhận bằng hai tay (Ảnh: Internet)
Không dừng lại ở đó, bạn cũng cần phải dạy con về phép lịch sự khi ăn uống, đừng nghĩ rằng “trẻ con cứ để chúng thoải mái ăn uống”, chẳng bao giờ là quá sớm khi dạy con những điều này đâu.
Những nguyên tắc như nhai không phát ra âm thanh, ngồi ngay ngắn khi ăn, không leo trèo lên bàn ghế khi ăn… luôn quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ.
Những nguyên tắc như nhai không phát ra âm thanh, ngồi ngay ngắn khi ăn, không leo trèo lên bàn ghế khi ăn… luôn quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ. (Ảnh: Internet)
Dạy con “cảm ơn, xin lỗi”
Đây là hai nguyên tắc cơ bản, bên cạnh lời chào hỏi mỗi khi gặp nhau. Đây là một trong những biểu hiện của ứng xử văn hóa, hành vi văn minh, lịch sự trong xã hội.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp, “cảm ơn và xin lỗi” còn mang đến những niềm vui, giải tỏa khúc mắc trong các mối quan hệ.
Bạn đừng nghĩ những lời này chỉ để dùng cho ngoài xã hội, thực ra, ngay trong những mối quan hệ thân tình, “cảm ơn và xin lỗi” cũng cực kì cần thiết.
Từ ngay hôm nay, bạn hãy tham khảo và nghiên cứu những lời khuyên này để giúp con hình thành sự lễ phép, ngoan ngoãn và lịch sự nhé.