1. Đừng diện cho con những bộ quần áo quá đẹp
Bố mẹ nào cũng muốn con mình xinh đẹp, đáng yêu, nhưng trường mẫu giáo không phải là sàn diễn thời trang nên con không cần mặc những bộ đồ quá đẹp, cầu kì và diêm dúa đi học. Những bộ quần áo đẹp thường "đính kèm" nhiều phiền toái, rắc rối và nguy cơ cho trẻ, nó khiến các cô rất "áp lực" chuyện con làm bẩn quần áo, trẻ sẽ không thể tự do thoải mái để hoạt động và khám phá, không thể tự mình đi vệ sinh. Con cần một bộ đồ vừa vặn, thoải mái, đơn giản, thấm hút mồ hôi để có thể tự cởi quần và kéo quần lên khi đi vệ sinh, thoải mái lăn lê bò toài trong các trò chơi vận động, thỏa thích nghịch màu, nghịch nước. Những bộ quần áo phù hợp thực sự sẽ khiến các bạn nhỏ được vui vẻ, hạnh phúc ở trường.
2. Đừng để mặc con khóc
Trong một cuộc trò chuyện với bà Jeannie Ho-Chan, Viện trưởng Viện Giáo Dục Shichida Việt Nam và cũng là một người mẹ về các bước chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi đi học mẫu giáo, bà Jeannie có chia sẻ về lần đầu tiên cho cậu con trai 2 tuổi đi học, chứng kiến cảnh con khóc ngặt ngẽo không ngừng ở trường, chị đã quyết định dành thêm thời gian cho con đến khi cậu bé sẵn sàng đi học.
Cho con đi học ở thời điểm nào cần có sự chuẩn bị tâm lý cho cả bố mẹ và trẻ. Bố mẹ an tâm, sẵn sàng, bình tĩnh thì trẻ cũng sẽ cảm nhận "từ trường" đó để ổn định tâm lý của mình. Đừng cho con đi học trong tâm thế "bắt buộc", hãy lựa chọn trường thật kĩ, hãy quan sát cẩn thận các cô giáo, bạn bè ở lớp của con, bởi vì chỉ cần một bất ổn nhỏ cũng khiến trẻ cảm thấy không yên tâm khi ở trong một môi trường xa lạ và không thân thuộc.
Bà Jeannie Ho-Chan cho rằng, nếu có thể thu xếp, đừng nên cho trẻ đi học quá sớm, đừng để mặc con khóc ở trường với suy nghĩ rằng "Con khóc mãi rồi cũng sẽ quen thôi", điều đó sẽ để lại trong kí ức non nớt của trẻ những tổn thương và nỗi ám ảnh sâu sắc.
3. Đừng đón con muộn
Được bố mẹ đón sớm, đón đúng giờ sau khi tan học là mơ ước mạnh mẽ nhất của mọi đứa trẻ. Ở các nước Châu Âu, Mỹ hay Nhật, trẻ thường chỉ ở trường mẫu giáo tối đa đến 3 giờ chiều, sau đó, trẻ cần được về nhà để vui chơi tự do, có các hoạt động cùng gia đình và đi ngủ sớm vào buổi tối. Điều này thực sự quan trọng và có ý nghĩa đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
Không chỉ thế, các cô giáo cũng cần được nghỉ ngơi đúng giờ để tái tạo năng lượng tốt lành cho buổi học ngày hôm sau. Bố mẹ có nghĩ rằng, các cô giáo thường xuyên phải ở lại trông trẻ muộn đến 6,7 giờ tối có đủ sức khỏe và niềm vui để nhẹ nhàng, kiên nhẫn với con mình 5 ngày/tuần?
4. Đừng cho con đi học ở trường quá xa
Đối với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo, trẻ có thể tự đi bộ đi học hàng ngày cùng bố mẹ là sự lựa chọn tốt nhất cho trẻ. Việc di chuyển quá xa mỗi ngày, cộng thêm tình trạng giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm không khí và tiếng ồn bên ngoài ảnh hưởng rất lớn đến quỹ thời gian và sức khỏe của trẻ.
Nếu có thể, hãy lựa chọn những ngôi trường phù hợp ở gần nhà cho con, để tăng thời gian dành cho gia đình của trẻ, để trẻ được ngủ đủ thời gian, để trẻ có thêm thời gian vận động và thong thả đến trường mỗi buổi sáng, thay vì lao vào dòng xe cộ nườm nượp buổi sáng. Đối với trẻ, những điều đó quan trọng hơn nhiều các giờ học tiếng Anh với người bản xứ, hay các phương pháp giáo dục ưu việt hoặc cơ sở vật chất hoành tráng của các ngôi trường.
5. Đừng cho con đi học lúc ốm
Khi bị ốm, cơ thể mệt mỏi, trẻ thường quấy và đòi hỏi được chăm sóc nhiều hơn bình thường, ở lớp các cô giáo không thể đáp ứng nhu cầu đó cho trẻ một cách trọn vẹn, thậm chí còn khiến trẻ và bản thân những bạn nhỏ khác ở lớp căng thẳng hơn.
Vì thế, khi trẻ ốm, hãy cho con đi khám để chắc chắn về tình trạng sức khỏe của con (có phải bệnh lây nhiễm không? Mức độ nguy hiểm của bệnh…), đặc biệt cần theo dõi cảm xúc và thể trạng của trẻ để quyết định cho con đi học hay ở nhà.
6. Đừng nhờ cô giáo "nhồi" con ăn
Rất nhiều bố mẹ "bất lực" với việc cho con ăn uống ở nhà và "trăm sự nhờ cô giáo" cho con ăn ở trường, nhiều bạn nhỏ, cả ba bữa ăn đều là ở trường để các cô "nhồi" ăn được nhiều hơn. Đó thực sự là một sai lầm lớn của cha mẹ. Trẻ nhỏ ăn không chỉ để phát triển thể chất mà còn phát triển cảm xúc và rất nhiều kĩ năng sinh tồn khác trong cuộc đời và người giúp trẻ học ăn không thể là ai khác ngoài bố mẹ của trẻ. Các bữa ăn gia đình, cùng bố mẹ và người thân chính là cơ hội để trẻ quan sát, thực hành các thói quen ăn uống của mình.
Việc nhờ cô giáo tranh thủ "nhồi" con ăn ở lớp thực sự là một điều kinh khủng, nó không chỉ kinh khủng với chính bản thân trẻ mà còn với cả cô giáo của con, và một lần nữa, tạo thêm áp lực cho cô giáo là điều mà các bố mẹ không nên làm, vì sự an toàn và vui vẻ của các con mỗi ngày đi học.
7. Đừng cho con mang đồ ăn riêng đến lớp
Nếu chưa hài lòng về chế độ ăn của con ở trường, bố mẹ hãy lên tiếng góp ý; nếu con cần chế độ ăn kiêng đặc biệt, bố mẹ hãy đề nghị sự hỗ trợ của nhà trường, tuyệt đối không nên gửi thêm vào balo của con những đồ ăn riêng, hôm thì chai nước cam, hôm thì hộp váng sữa, hôm thì cái bánh ngọt… vì lo con ăn không no, không đủ chất. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thói quen ăn uống của con, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm chung của trường, mà cả thời gian hoạt động của con nữa. Và có lẽ là không em bé nào vui vẻ cả khi đi học mà phải ngồi ăn đồ bố mẹ gửi trong khi các bạn đang vui chơi cả!