Muốn con cao lớn vượt trội, bố mẹ phải làm sớm điều này

GD&TĐ - Ngày nay, các bậc phụ huynh rất quan tâm đến sự phát triển chiều cao của con trẻ. Bố mẹ nào cũng muốn con mình cao lớn, khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

BSCKI. Hoàng Khánh Chi tư vấn cho phụ huynh và bé T. (Ảnh: BVCC).
BSCKI. Hoàng Khánh Chi tư vấn cho phụ huynh và bé T. (Ảnh: BVCC).

Thế nhưng trong một vài trường hợp, trẻ không tăng trưởng chiều cao hoặc thấp bé hơn bạn bè đồng trang lứa khiến cho nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng.

Tình trạng trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao, có thể gây sự mặc cảm, tự ti và ảnh hưởng đến một số hoạt động xã hội của trẻ.

Trên thực tế, không ít các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có thể trạng thấp còi thường tự ý mua các thực phẩm chức năng, các loại sữa bổ sung canxi và các chất dinh dưỡng để giúp tăng chiều cao cho trẻ mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Tình trạng này có thể dẫn đến mất cân bằng các chất dinh dưỡng, thừa cân mà chiều cao vẫn không được cải thiện.

Do đó, việc tầm soát sớm các yếu tố gây chậm tăng trưởng chiều cao là rất quan trọng, giúp chẩn đoán đúng nguyên nhân và điều trị đúng phương pháp nhằm đạt hiệu quả phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ.

Theo BSCKI. Hoàng Khánh Chi - Khoa Nội tiết Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM), có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ như thể tạng kém, suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền hoặc nhiễm sắc thể (thiếu GH, loạn sản xương…), trẻ bị suy thận mạn, các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng, suy tuyến yên…

Bên cạnh đó, bệnh có thể do bẩm sinh hoặc do chấn thương đầu nặng, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não. Cũng có nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Trong các nguyên nhân gây chậm tăng trưởng ở trẻ, tỉ lệ thiếu hormone tăng trưởng ước tính chỉ chiếm khoảng 1/4.000 – 1/10.000 trẻ, nhưng lại là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến chậm tăng trưởng.

Để điều trị và cải thiện chiều cao hiệu quả, trẻ cần được phát hiện thiếu hormon tăng trưởng ngay khi tuổi còn nhỏ. Việc tầm soát, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ở  “giai đoạn vàng” sẽ giúp cải thiện quá trình thúc đẩy tăng chiều cao cho trẻ.

Điển hình, khoa Nội tiết tiếp nhận điều trị cho bé N.M.T., ngụ tại Bình Phước. Ở thời điểm khám tại BV ĐHYD TPHCM, bé T. đã 14 tuổi nhưng chỉ nặng 33kg, cao 135cm (so với chuẩn chiều cao trung bình thì bé thiếu đến 28cm).

Mỗi năm bé chỉ tăng 1 - 2cm và thậm chí có năm không tăng. Thấy con trai quá thấp bé so với các bạn cùng lớp, chị P. – mẹ bé T. đã đưa bé đi khám ở bệnh viện địa phương và được tư vấn cho bé sử dụng thêm các loại sữa bổ sung canxi cùng một số thực phẩm chức năng giúp tăng chiều cao.

Tuy nhiên, sau một thời gian chị thấy chiều cao của bé vẫn không được cải thiện. Lo lắng về sức khỏe của con, chị đưa bé đến khám tại BV ĐHYD TPHCM. Các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Dinh dưỡng – Tiết chế… đã phối hợp đánh giá các nguyên nhân có thể gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm tầm soát, các bác sĩ cho biết bé T. bị thiếu hụt hormone tăng trưởng trầm trọng do suy tuyến yên toàn bộ. Tháng 02/2019, các bác sĩ bắt đầu tiến hành tiêm hormone tăng trưởng đồng thời bổ sung các hormone tuyến yên cho bé.

Đến giữa tháng 9/2020, chiều cao của bé tăng hơn 18cm, đạt hơn 153cm. Chị H. rất vui mừng khi thấy bé T. lớn nhanh hơn hẳn và đạt tăng trưởng chiều cao như mong muốn.

TS BS. Trần Quang Nam – Trưởng khoa Nội tiết BV ĐHYD TPHCM khuyến cáo, tốc độ tăng trưởng sẽ dừng khi tuổi xương được 14 - 15 tuổi ở bé trai và 15 - 16 tuổi ở bé gái. Lúc này các sụn xương sẽ đóng lại, việc điều trị hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng. Do đó việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị đúng thời điểm là rất quan trọng.

Ở giai đoạn đầu, trẻ sẽ được điều trị tại chuyên khoa Nội tiết Nhi bằng hormone tăng trưởng. Khi đến độ tuổi thiếu niên, trẻ sẽ được đánh giá lại tình trạng rối loạn hormone tăng trưởng. Nếu rối loạn hormone tăng trưởng vẫn tiếp diễn, cần điều trị lâu dài cho bé tại chuyên khoa Nội tiết người lớn.

Nếu bỏ qua “giai đoạn vàng” phát triển, việc điều trị sẽ không còn tác dụng, trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao lẽ ra có thể sẽ đạt được khi trưởng thành. Điều này có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cũng như tâm lý sau này của trẻ.

Vì vậy, các bậc phụ huynh nên liên tục theo dõi tốc độ tăng trưởng của con theo biểu đồ tăng trưởng. Nếu thấy chiều cao của con thấp hơn trung bình, nên đưa trẻ đến khám chuyên khoa Nội tiết và chuyên khoa Nhi để được tầm soát các nguyên nhân chậm tăng trưởng chiều cao, đặc biệt là bổ sung hormone tăng trưởng trong trường hợp có chỉ định để phát triển chiều cao cho trẻ càng sớm càng tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.