(GD&TĐ) - Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa giúp phía Việt Nam thực hiện có kết quả một dự án về trẻ chậm phát triển trí tuệ (CPTTT). PV GD&TĐ đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Phó Trưởng ban chỉ đạo trẻ khuyết tật Bộ GD&ĐT, Giám đốc dự án này xung quanh những vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục trẻ CPTTT.
PV: Là một chuyên gia nghiên cứu sâu và theo dõi tổng thể, bà có thể khái quát đôi nét thực trạng thiệt thòi về mặt giáo dục (GD) của trẻ chậm phát triển trí tuệ nói riêng ở Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến |
PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến: Khó khăn nhất hiện nay theo tôi là vấn đề hoà nhập trong GD cho trẻ CPTTT. Chủ trương thì đã có và chủ trương đúng đắn. Nhưng để hoà nhập được và hoà nhập có chất lượng thì vẫn là một thác thức rất lớn.
Mỗi một đối tượng trẻ khuyết tật lại có những khó khăn rất đặc thù. Riêng với trẻ CPTTT thì nhận thức rất là thấp, năng lực nhận thức rất thấp, do vậy việc đi học của đối tượng trẻ này bị ảnh hưởng rõ ràng, khác với trẻ khiếm thị (trí tuệ không bị ảnh hưởng nhiều)... Cho nên, chương trình GD chung thì không thể phù hợp với đối tượng trẻ CPTTT. Để trẻ CPTTT có thể học hoà nhập với trẻ bình thường thì chương trình GD bình thường phải được cắt nhỏ ra, kéo dài ra. Song lại có khó khăn là thay đổi như vậy thì hoạt động học tập của trẻ CPTTT sẽ có sự rất “lệch pha” so với trẻ bình thường, so với mặt bằng chung trong trường học cho trẻ bình thường. Chính vì thế mà việc học hoà nhập vẫn rất khó đối với trẻ CPTTT.
Bản thân trẻ CPTTT bao giờ cũng kéo theo 2 vấn đề: thứ nhất là hành vi, thứ 2 là ngôn ngữ. Hai vấn đề này rất cản trở vấn đề hoà nhập cho trẻ CPTTT. Tất nhiên là với tất cả những khó khăn đó thì không phải không thể triển khai GD hoà nhập đối với trẻ CPTTT. Tuy nhiên, muốn thực hiện GD hoà nhập tốt thì phải có sự can thiệp sớm. Chương trình can thiệp sớm phải từ bậc mầm non. Do đó, tôi rất mong muốn sau khi được nghiên cứu, triển khai thí điểm thì bộ công cụ đánh giá trẻ CPTTT sẽ sớm được triển khai ở bậc mầm non. Khi trẻ CPTTT đã được phát hiện sớm, tiếp đến bậc mầm non làm tốt GD hoà nhập, thì sẽ hạn chế được mức độ nặng hơn của tình trạng CPTTT, tạo tiền đề rất quan trọng cho trẻ khi hoà nhập vào bậc tiểu học.
PV: Nhận thức của gia đình, xã hội với đối tượng HS chậm phát triển trí tuệ đang ở mức độ như thế nào, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến: Tôi có chủ trì một nghiên cứu về nhu cầu của cha mẹ trẻ khuyết tật, trẻ CPTTT. Qua đó tôi rút ra một điều là cha mẹ của trẻ CPTTT không có kỳ vọng cao quá đối với con mình. Theo tôi, đó là nhận thức rất tốt. Họ không kỳ vọng cao rằng con họ phải trở thành thế này hay trở nên thế kia. Họ chấp nhận thực tế là con mình bị khuyết tật trí tuệ, vì chấp nhận sự thật nên họ sẽ có những biện pháp giúp con mình tốt hơn. Nhưng có một điều mà các cha mẹ trẻ CPTTT hết sức mong muốn là có những cơ sở để chăm sóc trẻ CPTTT, có những cơ sở để tư vấn, giúp đỡ các cha mẹ của trẻ CPTTT cùng thực hiện các biện pháp để con họ có thể phục hồi sớm hơn.
PV: Theo bà, GD trẻ khuyết tật nói chung, trẻ chậm phát triển trí tuệ nói riêng ở nước ta đang gặp những khó khăn, rào cản gì?
PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến: Đã có luật về người khuyết tật rồi. Nhưng sau khi có luật thì phải xây dựng một hệ thống các văn bản (dưới luật) để thực thi luật. Quan trọng số 1 về chính sách hiện nay theo tôi là phải đưa được luật về người khuyết tật vào cuộc sống. Bên cạnh đó cần có sự phối kết hợp giữa các bộ ngành để giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ CPTTT nói riêng và trẻ khuyết tật nói chung.
Hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có 2- 3 khoa thuộc trường sư phạm là có đào tạo GV dạy trẻ khuyết tật, mỗi một khoá đào tạo cũng chỉ có 2-3 chục người tốt nghiệp, nên vẫn còn rất thiếu GV trong lĩnh vực này.
Thêm nữa, ở Việt Nam vẫn rất ít sự quan tâm, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho phụ huynh có con là trẻ CPTTT. Ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều hoạt động mang tính xã hội dành cho đối tượng này.
Trẻ chậm phát triển trí tuệ cần được sự quan tâm của gia đình và xã hội để được đến trường |
PV: Thưa bà có phải trong số trẻ khuyết tật, thì trẻ chậm phát triển trí tuệ là đối tượng trẻ khó triển khai các trương trình giáo dục nhất?
PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến: Theo tôi, quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải nhận thức, đánh giá xem đứa trẻ bị CPTTT cần được học ở môi trường nào thì phù hợp, hoà nhập hay hội nhập đều tốt, nhưng tốt nhất chính là môi trường GD phù hợp với cá nhân đứa trẻ. Thực tế có những trẻ CPTTT ở mức độ không nặng, nhưng nếu xếp chúng vào môi trường học hoà nhập thì không tốt vì trẻ không cảm thấy tự tin, không cảm thấy thoải mái. Với những trường hợp như vậy thì hãy cứ để trẻ ở lớp hội nhập hoặc học ở một trường, lớp chuyên biệt. Vấn đề GD cho trẻ CPTTT không thể áp đặt. Hiện nay, một số phụ huynh cũng bày tỏ quan điểm là họ không thích cho con học bị CPTTT học hoà nhập, vì họ thấy con họ không tự tin học cùng trẻ bình thường và bản thân họ cũng không thấy tự tin. Vì vậy, khi tham vấn, tư vấn cho các phụ huynh có con là trẻ CPTTT thì tôi thường để cho họ tự quyết định. Tôi chỉ tham vấn các chương trình, còn phụ huynh mới là người lựa chọn cho con họ học ở đâu và theo chương trình nào.
Đây phải là vấn đề chung cần được cả xã hội quan tâm. Cùng với sự phát hiện sớm, nhận thức của gia đình có trẻ CPTTT rất quan trọng. Bên cạnh đó gia đình trẻ CPTTT cần được cung cấp những dịch vụ để can thiệp, phục hồi cho trẻ CPTTT. Trẻ CPTTT và gia đình đối tượng trẻ này cần có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua hệ thống phúc lợi xã hội; phải có sự phát hiện sớm, chuẩn đoán sớm; giáo dục cũng cần có sự phối hợp với y tế... Về phía cơ quan Nhà nước thì cần có sự phối hợp giữa 3 bộ: Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế; đồng thời phải làm tốt tuyên truyền ở cộng đồng.
PV: Dự án “Hỗ trợ và phát triển chương trình giáo dục gắn liền với việc nâng cao tỷ lệ đi học của trẻ chậm phát triển trí tuệ” vừa được chuyển giao thành quả (với sự hỗ trợ trực tiếp của các đối tác Nhật Bản), đã mang lại ý nghĩa và hiệu quả thực tế như thế nào đối với lực lượng cán bộ, giáo viên trực tiếp giáo dục trẻ chậm phát triển trí tuệ? Từ dự án này, trẻ chậm phát triển trí tuệ ở Việt Nam có thêm hy vọng gì?
PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến: Đây là dự án đầu tiên mà Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ ở lĩnh vực trẻ khuyết tật. Khi hợp tác với các chuyên gia của Trường ĐH Ritsumeikan trong khuôn khổ dự án, thì chúng tôi và phía đối tác nghiên cứu đều thấy rằng trong số các đối tượng trẻ khuyết tật thì trẻ chậm phát triển trí tuệ là đối tượng thiệt thòi nhất về mặt GD. Vì trong chủ trương hoà nhập trẻ chậm phát triển trí tuệ thì những trẻ “nhẹ” có thể học được chung, theo chương trình GD bình thường thì mới đưa vào hoà nhập, còn với những trẻ bị “nặng” thì rất khó theo được chương trình GD bình thường (kể cả có những hỗ trợ đặc biệt). Trong số trẻ khuyết tật thì phải thấy rằng trẻ chậm phát triển trí tuệ gặp khó khăn nhất khi triển khai các chương trình GD. Đó cũng là lý do mà phía đối tác Nhật Bản (JICA, Trường ĐH Ritsumeikan muốn giúp Việt Nam tập trung vào nhóm trẻ gặp khó khăn nhất về GD này.
Một điều quan trọng là từ hỗ trợ của phía Nhật Bản, chúng ta đã có được một bộ công cụ. Trước hết bộ công cụ này là để giúp chúng ta sàng lọc những trẻ có vấn đề về mặt trí tuệ, sau đó sẽ sàng lọc kỹ hơn để xem trẻ CPTTT ở lĩnh vực gì (phải có những bộ công cụ khác để đánh giá được sâu hơn). Từ cơ sở đánh giá sàng lọc đó thì mới xây dựng được chương trình GD cho GV dạy trẻ CPTTT, đồng thời hỗ trợ cho gia đình trẻ CPTTT có thể hỗ trợ GD trẻ đúng đắn hơn.
Dự án “Hỗ trợ và phát triển chương trình giáo dục gắn liền với việc nâng cao tỷ lệ đi học của trẻ chậm phát triển trí tuệ” (triển khai trong 5 năm từ 2008 đến 2013). Đây là dự án được phối hợp giữa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với Trường ĐH Ritsumeikan trong khuôn khổ Chương trình đối tác phát triển của JICA. Dự án nhằm giúp phía Việt Nam đào tạo giáo viên có chuyên môn về kỹ năng xây dựng, thực hiện chương trình giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ (bao gồm xây dựng chương trình và kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ khuyết tật trí tuệ) và nâng cao kỹ thuật can thiệp thực tế trên trẻ. Đồng thời Dự án cũng tiến hành phổ biến rộng rãi kiến thức và kỹ thuật của chương trình giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ cho các cán bộ chủ chốt, giáo viên tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các trung tâm nguồn trên cả nước. |
An Nhiên (Thực hiện)