Muôn cách học ngoại ngữ độc đáo ở Sài thành

GD&TĐ - Khoảng tầm 8 giờ 30 sáng vào những ngày cuối tuần, khu vực Công viên 30/4, Công viên 23/9 (quận I, TPHCM) lại thu hút nhiều người yêu thích ngoại ngữ, nhất là các bạn trẻ. 

Muôn cách học ngoại ngữ độc đáo ở Sài thành

Nơi đây được xem là “lớp học ngoại ngữ” miễn phí cuối tuần của các bạn và “giáo viên” không ai khác chính là những du khách nước ngoài. Đó là một trong những cách học ngoại ngữ độc đáo, hiệu quả mà lại không tốn phí của giới trẻ thành phố hiện nay.

Những “lớp học” của giới trẻ

Dạo một vòng, chúng tôi nhận thấy có những nhóm bạn trẻ quây quần bên những du khách nước ngoài. Trên tay các bạn luôn có cuốn sổ tay, từ điển để sẵn sàng nghe đến đâu ghi chép hay tra từ ngay lúc đó. Thậm chí có bạn còn chu đáo chuẩn bị thêm hình ảnh có liên quan đến nội dung muốn trao đổi…

Em Nguyễn Minh Lý, sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết: “Em có một nhóm chừng hơn chục bạn yêu thích tiếng Anh. Cứ cuối tuần là tụi em bắt xe buýt từ Thủ Đức đến công viên ở quận 1 để học. Thông thường, em sẽ nói chuyện theo chủ đề để dễ tìm hiểu hết được vốn từ vựng liên quan. Thêm nữa điều này sẽ chủ động được nội dung trong cuộc trò chuyện để người được hỏi chuyện không cảm thấy bị làm phiền”.

Em Lâm Chí Bảo, sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ chia sẻ thêm: “Ngoài học ở trường, tụi em còn lập thành nhóm nhỏ học cùng nhau tại trường vào sáng thứ Bảy, sau đó sẽ lên đây giao tiếp với người nước ngoài vào ngày Chủ nhật. Được trò chuyện trực tiếp như vậy là một cách học rất hay, giúp tụi em tăng cường vốn tiếng Anh rất nhanh, nhất là khả năng nghe, nói và phản ứng cũng lẹ hơn”.

Không chỉ Lý hay Bảo, hầu hết các bạn ở đây đều thừa nhận nhiều người nghe tiếng Anh rất kém, thậm chí không dám nói vì sợ phát âm sai, nhưng chỉ sau vài tháng giao tiếp thực tế đã thay đổi một cách rõ rệt. Hầu hết các bạn đến đây thực hành tiếng Anh đều có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện theo học các lớp học quy củ, nhưng nhu cầu và đam mê ngoại ngữ lại rất lớn.

Tuy nhiên, để có thể giao tiếp, tạo ấn tượng với người nước ngoài không phải dễ dàng, các bạn cần phải tích lũy kiến thức rất nhiều. Theo Minh Thái (sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng), để tự tin giao tiếp, các bạn phải chuẩn bị cho mình một vốn từ phong phú. Cùng quan điểm này, sinh viên Trung Tính (Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) cho rằng “nếu không có vốn từ thì ra đây người ta nói các bạn cũng chẳng hiểu được gì, chỉ mất thời gian và làm phiền người khác”.

Theo Tính, cách học kiểu này nên đi theo nhóm, để khi trò chuyện không bị “bí từ”, vì nhiều người sẽ có nhiều ý kiến hay. Tính cũng lưu ý người nước ngoài không có hứng thú trò chuyện nếu chúng ta thụ động hoặc không cung cấp được thông tin gì mới lạ khiến họ tò mò và chủ động kéo dài thời gian giao tiếp.

Không chỉ có những “lớp học” ở công viên, tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, hình thức học qua các CLB của Trường Ngoại ngữ Thanh Niên cũng diễn ra rất sôi động, với nhiều ngoại ngữ khác bên cạnh tiếng Anh như tiếng Hoa, Nhật, Hàn... Thời gian sinh hoạt cũng đa dạng hơn với mỗi Chủ nhật từ sáng tới chiều, không phân biệt đối tượng già, trẻ. Ngoài ra, còn rất nhiều CLB ngoại ngữ tại nhiều trường ĐH trên địa bàn TP cũng luôn rộng cửa đón những ai muốn trau dồi ngoại ngữ.

“Lớp học” ở những khu kinh doanh

Có mặt tại chợ Bến Thành (quận 1) vào dịp cuối tuần chúng tôi ngạc nhiên bởi nơi đây chẳng khác gì một “trung tâm ngoại ngữ”. Đủ loại tiếng Anh, Pháp, Hoa, Hàn, Malaysia… được tiểu thương dùng để chào mời khách. Ông Vũ Văn Hạnh (60 tuổi) kinh doanh các loại chè, cầm tờ thực đơn giới thiệu với khách món ăn ở quán mình. Khách Mỹ, Pháp hay Trung Quốc, ông đều có thể giao tiếp lưu loát. Ông vui vẻ kể: “Hồi đầu, muốn nói gì toàn dùng tay và… chỉ vào món đó. Buôn bán lâu thành quen, dạn ăn dạn nói. Bán ở đây mà không biết tiếng nước ngoài là thua”. Ông Hạnh dù không thể đọc, viết tiếng Anh, nhưng nói thì chẳng thua gì người bản xứ.

Phụ hàng cho một sạp đồ lưu niệm ngay trung tâm thương mại TAKA (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1), em Huỳnh Thị Hồng Quyên, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) chia sẻ, từ việc chỉ biết một ngoại ngữ là tiếng Anh, nay em có thể cùng lúc nói được sáu thứ tiếng là Anh, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản. Tất cả đều nhờ ở cọ xát thực tế với người nước ngoài. Đặc biệt, Quyên có thể sử dụng tiếng Anh và tiếng Nhật để tư vấn, giới thiệu chuyên sâu.

Nữ sinh này cho hay, hầu hết người buôn bán ở đây đều thành thạo tiếng Anh và biết thêm một vài thứ tiếng khác, lý do là khách hàng rất đa dạng, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Một nơi tập trung đông khách quốc tế như thế cũng là môi trường khá tốt để giao tiếp ngoại ngữ. Bởi vậy không ít sinh viên, các bạn trẻ thường xin vào đây phụ việc miễn phí để có cơ hội nâng cao khả năng ngoại ngữ…

Nguyễn Thảo, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TPHCM vui vẻ bật mí về cách học ngoại ngữ của mình: “Những buổi sáng trong tuần em thường quanh quẩn ở khu vực Chợ Lớn, còn ngày cuối tuần thì qua chợ Bến Thành tìm khách du lịch để hướng dẫn. Em thường dùng tiếng Anh để hỏi xem họ muốn mua gì, thích xem những gì? Nếu họ nhiệt tình hoặc tỏ thái độ muốn nghe em sẽ giới thiệu tiếp. Thông thường, khách du lịch không biết sản phẩm nào có chất lượng tốt, giá các sản phẩm như thế nào là hợp lý. Họ hỏi giá và nhờ em tư vấn, trả giá. Chỉ sau hai tháng, trình độ ngoại ngữ của em đã tăng lên đáng kể”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.