Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024):

Mừng khánh thọ lão sư Nguyễn Khuê

GD&TĐ - Tôi không theo chuyên ngành Hán - Nôm nên không có diễm phúc làm truyền nhân của thầy theo chuyên ngành.

Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức lễ mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Khánh chúc sinh nhật tuổi 90 của nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê.
Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức lễ mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Khánh chúc sinh nhật tuổi 90 của nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê.

Nhưng may mắn, tôi được thọ giáo thầy không ít, cả trong trường tri thức lẫn trường đời, để sống và để học.

Hồi năm thứ nhất và thứ hai đại học, thầy Nguyễn Khuê dạy tôi môn Hán cổ trên lớp chính khóa. Năm thứ ba, thầy dạy nhập môn chữ Nôm. Hồi đó chính khóa, tôi học tiếng Nga. Năm thứ hai, chuyển KTX từ Thủ Đức về Quận I, buổi tối tôi đi học thêm tiếng Anh. Đứng lớp nhập môn tiếng Anh cho chúng tôi cũng là thầy. Ngặt nỗi không có tiền đóng học phí, tôi chỉ theo thầy học được 1 khóa hai tháng rưỡi, sau đó thì về ôm giáo trình tự học.

Giáo trình tiếng Anh sơ khai là bộ New English 900, cũng do sư phụ Nguyễn Khuê soạn. Lên cao học, sư phụ lại dạy tôi 2 môn Phân tích dữ liệu văn bản và Tư tưởng Nho giáo. Cả bộ Nho giáo bà bộ Tứ thư tôi đang giữ cũng do thầy san định, trong đó bộ Nho giáo, tôi được thầy ký tặng.

Hồi mẹ thầy tạ thế, tôi đến viếng, vì kính bậc đại trưởng lão - mẫu thân của sư phụ, thắp hương xong thì tôi dập đầu lạy. Thầy mặc áo xô đứng đáp lễ, đỡ học trò dậy ngay, nói nhỏ: “Em không phải lạy”.

Sau đó, xong phần lễ, ra ngồi thăm, thầy mới giải thích: “Em đi viếng mẹ thầy, nếu thân mẫu của em đã tạ thế thì em mới lạy thân mẫu thầy, coi như lạy mẹ mình. Thầy biết em còn mẹ, thầy không thể nhận lễ đó của em được. Vì nếu em quỳ lạy, thầy cũng sẽ phải qùy lạy đáp lễ, coi như gửi lễ đến thân mẫu của em. Mẹ của thầy như mẹ của em. Vậy là không đúng lễ!”.

Hồi đó, đã gần 40 tuổi, tôi mới được lão sư khai thị cho một lễ cử trong đời. Và cảm động, trong tang lễ, người thầy lớn tuổi đã giải thích cho học trò về chuyện cùng vai trước mẹ!

Ki cóp mãi, thầy đồ Nho Nguyễn Văn Hoài, bạn tôi mới mua được căn nhà nhỏ ở Thủ Đức. Hôm vào nhà mới chỉ có mấy thầy dạy Hán Nôm trong khoa Ngữ văn: Thầy Nguyễn Khuê, TS Nguyễn Ngọc Quận, PGS.TS Đoàn Lê Giang và tôi. Đi xem khắp nhà - nhanh thôi, vì nhà bé tí - thầy cứ tấm tắc: “Đời chúng mình, được thế này là mãn nguyện lắm rồi thầy Hoài ạ”.

Gã học trò là tôi đứng khoanh tay, nghe mà cay mắt. Hoài là một trong những truyền nhân đắc ý ngành Hán Nôm của thầy. Thầy Khuê gọi tên học trò như gọi tên đồng nghiệp, đầy tôn trọng. Và lời mừng của thầy là rất chân thành, làm tôi nhớ căn nhà đơn sơ của chính thầy sau một đời phấn đấu, nằm trong hẻm nhỏ, bề ngang cũng chỉ chưa đầy 3m, dài chỉ 8m.

Thầy Nguyễn Khuê sinh ra ở làng Dương Nỗ, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, lấy Tú tài năm 1959, tốt nghiệp Cử nhân giáo khoa Việt Hán năm 1966. Cùng năm đó, thầy được học bổng sang Đài Loan làm Thạc sĩ và Tiến sĩ.

Vì gia cảnh, thầy không thể xa nhà, ở lại Sài Gòn vừa làm Giáo sư dạy trung học, vừa nghiên cứu, học tiếp và lấy bằng Thạc sĩ văn chương Việt Hán (1969). Đầu năm 1975, thầy hoàn tất luận án Tiến sĩ chuyên ngành Hán văn. Chưa kịp bảo vệ để lấy bằng Tiến sĩ thì giải phóng, đường khoa cử của thầy bị chững lại.

Nhưng đường khoa học, sự nghiệp nghiên cứu của thầy thì không gì có thể làm đứt đoạn. Sau 1975, thầy là giảng viên rồi Trưởng bộ môn Hán Nôm Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, cũng là giảng sư quen thuộc ở những trường Cao đẳng Phật học, Học viện Phật giáo và hàng chục khóa cao học.

Buổi tối, thầy cũng không được nghỉ ngơi, còn phải đi dạy tiếng Anh, tiếng Pháp ở các trung tâm. Bộ giáo trình Anh văn nổi tiếng “New English 900” do thầy biên soạn được sử dụng như một giáo trình cơ bản tại các trung tâm ngoại ngữ lớn ở TP Hồ Chí Minh suốt hàng chục năm liền...

Cả gia đình thầy trông cậy vào mỗi mình thầy. Cho đến tận tuổi bát tuần, thầy vẫn phải làm việc không ngơi nghỉ, ngày cũng như đêm. Nhưng thầy không thể rời đi đâu xa nhà dù chỉ một ngày. Trong căn nhà nhỏ bé, vợ của thầy lâm trọng bệnh, sống đời sống thực vật hàng chục năm. Một tay thầy kiêm luôn vai trò hộ lý, chăm sóc cô chu đáo, tỷ mẩn trọn suốt mấy chục năm. Cô nằm thanh thản, vô thức, luôn được thầy chăm lo chu đáo, sạch sẽ.

Từ căn nhà nhỏ và những nỗ lực bền bỉ, dồn đầy tâm huyết của thầy, bao nhiêu trái ngọt đã để lại cho đời. Thầy là một nhà biên dịch Hán văn kỳ cựu, với “Nguyễn Trãi toàn tập tân biên” 3 tập (biên dịch chung); “Giảng giải văn phạm Hán văn”; “Sơ lược tiểu sử và ảnh tượng chư Tổ Thiên Thai tông” (biên dịch chung); “Phật học Trung đẳng”, 2 tập...

Thầy cũng là một tác giả biên khảo lớn, để lại nhiều tác phẩm có giá trị, nói như PGS.TS Lê Thị Thanh Tâm, một môn đồ giỏi của thầy là đã “gợi cảm hứng và trở thành sách công cụ không thể thiếu trong hành trang sinh viên Văn khoa”.

Đó là các cuốn “Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông”; “Nghị luận văn chương”; “Tự học Hán văn”; “Chân dung Hồ Biểu Chánh”; “Sài Gòn - Gia Định qua thơ văn xưa” (soạn chung); “Những vấn đề cơ bản của chữ Nôm”; “Từ điển Hán - Việt” (chủ biên); “Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập”; “Ba mươi năm cầm bút”, hay sau này là “Khổng Tử: Chân dung học thuyết và môn sinh”, với phần cuối sách là trọn bộ Luận Ngữ được thầy dịch và chú giải cặn kẽ...

Từ tuổi bát tuần về sau, khi con cái đã phương trưởng, thầy mới được thảnh thơi chút ít. Thầy khiêm tốn bảo mỗi ngày vẫn cố duy trì đọc vài ba trang sách cho đầu óc đỡ quên. Kỳ thật, các môn đồ đều biết, dù tốc độ làm việc có chậm đi, mỗi ngày thầy vẫn ngồi trước máy tính miệt mài và đều đặn 8 tiếng, để dịch và chú giải sách, tài liệu Hán văn.

Trước thềm khánh thọ 90, thầy mới cho xuất bản cuốn mới nhất: “Chu Dịch chính nghĩa”, vừa mới được Khoa Ngữ văn, Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh giới thiệu sáng hôm qua (18/11), cùng với lễ mừng thọ 90 của thầy. Với tri thức hàn lâm, với những ai quan tâm đến dịch học và triết học Phương Đông, đây sẽ là một tài liệu quý không thể thiếu.

“Chu Dịch chính nghĩa” do thầy Nguyễn Khuê dịch và chú giải được đánh giá là bản Việt dịch Chu Dịch đầy đủ nhất hiện nay. Chu Dịch (hay Kinh Dịch) được Michel Gall gọi “La Bible des Chinois” - “Thánh kinh của người Trung Hoa”, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của bộ sách này trong nền văn hóa Hoa Hạ.

Dịp này của 8 năm trước, nhân 20/11 và cũng là dịp mừng thọ thứ 82 của thầy, tự biết mình kiến văn nông nổi, bút lực tầm thường, tôi không tự viết mà nhờ TS Lê Thị Thanh Tâm chấp bút, viết cho tôi một bài về thầy để đăng trên tờ Văn nghệ Công an. Đầy cảm hứng và lòng biết ơn, TS Lê Thị Thanh Tâm đã đặt tựa cho bài viết, kính gọi thầy Nguyễn Khuê là “Vị ân sư trong cõi trăm năm mây nước”. Bài báo đăng ngày 17/11/2016.

Tôi, chúng tôi - hàng chục thế hệ môn đồ - luôn nghĩ về thầy Nguyễn Khuê như thế. Một bậc ân sư đáng kính. Nghĩ về thầy, với chúng tôi, ngày nào cũng là Ngày Nhà giáo. Dù được học thầy ít hay nhiều, chúng tôi vẫn luôn nghĩ về lão sư Nguyễn Khuê với tất cả kính trọng, biết ơn và rất đỗi tự hào.

Bữa nay, trùng dịp Ngày Nhà giáo, con xin có mấy dòng, chúc mừng tác phẩm mới và kính mừng khánh thọ lão sư Nguyễn Khuê 90 tuổi! Thưa thầy, chúng con mong thầy mạnh khỏe, bởi với chúng con, thầy là cầu nối, từ ngàn xưa đến hôm nay, và của cả ngày mai, tính từ mốc giải phóng 1975.

19/11/2024

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ