Cụ thể, ngày 19/5, tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã ghi nhận sự việc ông Nguyễn Hồng Phúc - phụ huynh học sinh lớp 1 đã xông vào lớp cầm mũ bảo hiểm và đánh vào đầu cô giáo chủ nhiệm khiến cô giáo bị choáng và phải nhập viện.
Bà Lê Thị Song An – phó giám đốc sở GD&ĐT Long An cho biết, theo thông tin từ cô giáo và gia đình thì nguyên nhân ban đầu là do phụ huynh thấy bất mãn khi cho rằng con mình bị cô giáo chủ nhiệm gõ vào đầu. Sự việc đang được tiếp tục làm rõ.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, luật sư Nguyễn Huế – Công ty luật TNHH XTVN nêu quan điểm: Về khía cạnh đạo đức thì đây là hành vi đáng bị lên án bởi phụ huynh hành xử kiểu côn đồ ngay trong môi trường giáo dục và trước sự chứng kiến của nhiều trẻ nhỏ. Cùng với đó là hành vi xâm phạm sức khoẻ người khác.
Theo những thông tin đưa ra thì ông Phúc đã có hành vi xâm phạm đến sức khỏe gây thương tích cho cô giáo. Theo đó, tùy thuộc vào kết quả điều tra của Cơ quan công an trên cơ sở đánh giá tính chất và mức độ của hành vi mà ông Phúc gây ra thì ông Phúc có thể bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Căn cứ Điểm e, Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác
Như vậy, trong trường hợp này ông Phúc là người có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Nếu trong quá trình điều tra xác định thương tích mà ông Phúc gây ra cho cô giáo mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên thì ông Phúc có thể bị truy cứu TNHS theo Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức xử phạt là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, ông Phúc còn phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo Điều 584 BLDS 2015. Điều 590 BLDS 2015 xác định thiệt hai bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Thiệt hại khác do luật quy định.
Bước đầu công an xã Lộc Giang đã làm việc với ông Nguyễn Hồng Phúc để xác minh làm rõ. Sự việc trên xảy ra là điều không ai mong muốn. Hành vi đánh người khác của ông Phúc dù là với nguyên nhân gì cũng là trái pháp luật và sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật như đã viện dẫn ở trên. Đây cũng là một bài học đối với những phụ huynh học sinh trước việc xử lý và giải quyết đối với những vấn đề mà các con sẽ có thể gặp phải tại môi trường học đường.
“Sẽ có rất nhiều phương thức giải quyết nhưng bạo lực không bao giờ là phương án giải quyết vấn đề. Trước những thông tin nhận được từ các con các phụ huynh cần bình tĩnh xử lý. Trước hết cần làm việc với giáo viên, lãnh đạo nhà trường để xác minh làm rõ sự việc. Trường hợp giáo viên và nhà trường không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì phụ huynh học sinh hoàn toàn có quyền khiếu nại về hành vi vi phạm của giáo viên lên Phòng giáo dục, Sở giáo dục thậm chí cả Bộ GD&ĐT hoặc cơ quan chức năng khác để yêu cầu xử lý theo đúng quy định của pháp luật.” – Luật sư Nguyễn Huế nhấn mạnh.