Mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi THPT quốc gia
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, mục tiêu tối thượng của các kỳ thi, đặc biệt kỳ thi THPT quốc gia là đặt sự nghiêm túc, an toàn, chính xác của kết quả thi hàng đầu. Để thực hiện điều đó, nhiều giải pháp về mặt kĩ thuật được thực hiện.
Lấy ví dụ từ việc chấm thi, ông Mai Văn Trinh cho biết: Đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do sở GD&ĐT chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.
Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi. "Ngay cả đáp án chấm trắc nghiệm cũng được mã hóa" - ông Trinh nói.
các sĩ tử vui vẻ sau kỳ thi |
Vì vậy, Bộ GD&ĐT chưa công bố ngay đáp án sau khi kết thúc thi như mọi năm mà cân nhắc thời điểm phù hợp. Trong chấm thi trắc nghiệm, trách nhiệm rất lớn là của trường ĐH; bên cạnh đó là vai trò của thanh tra trong chấm thi trắc nghiệm cũng được tăng cường hơn nữa.
“Có thể nói, giải pháp kĩ thuật đã có đầy đủ, nhưng vẫn phải khẳng định con người là yếu tố quyết định. Bởi vậy, các địa phương phải đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và những người tham gia các khâu này” – ông Mai Văn Trinh trao đổi.
Không dung túng cho bất kỳ sai phạm nào
Trả lời câu hỏi về việc kiểm soát, xử lý tiêu cực có thể phát sinh ở khâu chấm thi, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh tại họp báo: Không chấp nhận, dung túng cho gian lận ở bất kỳ mức độ nào. Năm nay, từ quy chế cho đến triển khai trong thực tiễn, tinh thần này thể hiện rất rõ. Điều đáng mừng là tinh thần này đã “ngấm” vào phần lớn thí sinh.
“Khi chúng tôi đến điểm thi, thí sinh bày tỏ mong muốn kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đó là chuyển biến tốt. Ngoài ra, chuyển biến có thể thấy trong công tác chỉ đạo của địa phương. Mong rằng, với tinh thần ấy, gian lận nếu có sẽ bị phát hiện; và khi phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của quy chế và pháp luật” – ông Trinh chia sẻ.
Về vụ việc thí sinh làm lọt đề thi ra ngoài ở Phú Thọ, ông Mai Văn Trinh cho biết việc đình chỉ coi thi hai cán bộ chỉ là xử lý tức thời, khi kì thi đang diễn ra. Sự việc vẫn đang tiếp tục điều tra, nếu có những diễn biến mới, gây hậu quả nghiêm trọng hơn thì có thể sẽ cân nhắc mức kỉ luật nghiêm khắc hơn.
Ông Nguyễn Huy Bằng |
Các đoàn thanh tra chấm thi đã “xuất quân”
Thông tin từ ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, đến thời điểm này, các đoàn thanh tra chấm thi của Bộ GD&ĐT đã “xuất quân”, có đoàn đã tiếp nhận tại địa phương và chính thức ngày mai làm việc.
Các đoàn thanh tra được thành lập đến tất cả 63 Hội đồng thi với số lượng nhiều hơn năm trước. Bên cạnh đó, ngoài 2 cán bộ từ trường ĐH còn huy động thêm một Chánh Thanh tra hoặc Phó Chánh thanh tra của Sở GD&ĐT (không thanh tra tại địa phương mình) cùng tham gia. Bộ GD&ĐT cũng tổ chức giám sát các đoàn thanh tra, đảm bảo các cán bộ thanh tra làm nhiệm vụ nghiêm túc.