(GD&TĐ)-Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) hiện nay đang có rất nhiều khó khăn, bất cập. Việc có một đề án để củng cố, phát triển hệ thống trường này đã trở thành vấn đề nhiều địa phương mong mỏi.
“Lều trọ học” tạm bợ của học sinh vùng cao Thanh Hóa. Ảnh: gdtd.vn |
Vô vàn khó khăn
Trường PTDTBT được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước, ban đầu do “sáng kiến” của đồng bào các dân tộc miền núi, xuất phát từ thực tiễn nên mô hình mang tính tự phát, không tập trung và chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, loại trường này đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng do có sự đầu tư của nhà nước, các cấp, các ngành và các nhà hảo tâm.
Rà soát theo Quy chế của trường PTDT bán trú trên cơ sở báo cáo của UBND các tỉnh, hiện nay, trên phạm vi cả nước có 23 tỉnh gồm 116 huyện và 523 xã có học sinh bán trú (HSBT). Trong đó, có 285 trường PTDTBT cấp tiểu học với 39.872 HSBT và 363 trường PTDTBT cấp THCS với 50.945 HSBT. Hiện, có khoảng 13,3% HSBT ở trong khu vực trường; 54,8% HSBT ở xung quanh khu vực trường và khoảng 29,9% ở trọ trong nhà dân.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong những năm qua, số lượng HSBT ở các cấp học phổ thông tăng nhanh, tuy nhiên số lượng này lại thường xuyên biến động, tăng giảm thất thường. Vào mùa đông và những tháng giáp hạt, số lượng HS vùng dân tộc nói chung và HSBT nó riêng thường giảm nhiều vì bỏ học.
HSBT ở xung quanh khu vực trường hầu hết ở trong các lán trại, cách xa trường từ vài chục mét tới vài km. Phần lớn lán trại làm bằng cây, lợp lá, thậm chí che chắn bằng ni lông tạm bợ. Nhiều phòng, lán không phân biệt chỗ ở nam và nữ; gường, chiếu, phản ngủ chủ yếu làm bằng sạp tre, nứa, rất sơ sài, tạm bợ, có thể sập gẫy bất cứ lúc nào.
Việc sinh hoạt, ăn uống của HSBT cũng chủ yếu do các em tự túc, bữa ăn đạm bạc và thiếu dinh dưỡng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự quyên góp, ủng hộ của cộng đồng dù giúp các em bớt phần nào khó khăn những lại không đầy đủ, thường xuyên, kịp thời khiến nhiều khi các em bị đói do không có lương thực. Không chỉ vậy, HSBT đa số phải tự lo liệu các hoạt động sinh hoạt học tập, không có các nguồn thắp sáng nên việc học tập sinh hoạt vào buổi tối vô cùng khó khăn. Tình trạng thiếu nước sạch, nước uống chưa đảm bảo vệ sinh, không hoặc thiếu nhà vệ sinh, nhà tắm trong các khu ở bán trú là phổ biến.
Lực lượng nhân viên làm công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ở các trường PTDTBT quá mỏng, đa số không có cán bộ y tế. HSBT ốm yếu chủ yếu trông cậy vào sự chăm sóc của giáo viên và các bạn ở cùng. Cán bộ quản lý và giáo viên trường PTDTBT ngoài công tác quản lý và giảng dạy bình thường còn phải có những kiến thức, hiểu biết nhất định để phục vụ việc quản lý và giảng dạy HSBT. Nhưng, hiện nay, công tác quản lý và chỉ đạo của trường PTDTBT gặp rất nhiều khó khăn, như quản lý giờ giấc, việc thực hiện nội quy sinh hoạt của HSBT sau giờ học, vệ sinh trong ăn uống, số lượng học sinh ở bán trú hàng ngày, hàng tuần ... các trường PTDTBT đều không kiểm soát được.
Thêm nữa, hệ thống chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trường PTDTBT còn nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn, tuy đã có một số chính sách nhưng hiện nay các địa phương đều chưa vận dụng được đối với các trường PTDTBT.
Các đại biểu tham gia hội thảo góp ý dự thảo Đề án Củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTBT trú giai đoạn 2011-2015... Ảnh: gdtd.vn |
Mong mỏi đề án củng cố phát triển hệ thống trường PTDTBT
Sáng nay (24/12), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Hội thảo góp ý dự thảo Đề án Củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTBT trú giai đoạn 2011-2015 và triển khai thông tư 24/2010/BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện các Sở GD&ĐT địa phương có tổ chức bán trú và nhiều cơ quan liên quan.
Theo dự thảo đề án thì mục tiêu đặt ra là sẽ củng cố, xây dựng và phát triển khoảng 648 trường PTDTBT, thuộc 23 tỉnh, 116 huyện, 523 xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, đảm bảo 100% trường PTDTBT đều được xây dựng nhà ở bán trú, nhà bếp, nhà ăn, công trình cấp nước sạch và nhà vệ sinh. Hỗ trợ đồ dùng, dụng cụ phục vụ sinh hoạt thiết yếu cho HSBT; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho khoảng 1.944 đội ngũ giáo viên cốt cán và khoảng 1.296 cán bộ quản lý giáo dục trong trường PTDTBT về phương pháp tổ chức các hoạt động nội trú cho HSBT, các nội dung giáo dục đặc thù trong trường PTDTBT. Cùng với đó, xây dựng các điều kiện cần thiết để tăng cường công tác quản lý trường PTDTBT như hệ thống thông tin quản lý, hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày trong trường PTDTBT. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, đảm bảo hoạt động thống nhất của các trường PTDTBT trong phạm vi toàn quốc. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 3.286.903 triệu đồng.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho biết, vấn đề đặt ra là, đến nay, hầu hết các UBND các huyện có HSBT trong toàn quốc đều chưa ra được quyết định thành lập trường PTDTBT của địa phương mình. Số liệu về trường PTDTBT và HSBT mà UBND các tỉnh gửi cho Bộ GD&ĐT năm 2009 (số liệu học sinh nội trú dân nuôi) đều thay đổi sau khi các tỉnh triển khai thông tư 24, nên việc xác định số liệu phục vụ đề án hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.
Tại Hội thảo, hai phương án được đặt ra để xin ý kiến góp ý là: Các địa phương tiến hành thành lập trường PTDTBT xong, có số liệu cụ thể về trường PTDTBT và HSBT, sau đó xây dựng đề án trình Chính phủ phê duyệt.
Phương án 2 là xây dựng đề án đồng thời với việc tiến hành thành lập trường PTDTBT. Trong đó, phương án 2 nhận được sự thống nhất đồng tình của các địa phương.
Tuy nhiên, một số vấn đề liên quan đến đề án cũng được các đại biểu đề cập tới, đó là mong muốn được bổ sung đối tượng học sinh THPT vào đề án và thành lập được bộ phận giáo dục dân tộc tại các Sở GD&ĐT. Nhiều đại biểu thì thể hiện sự băn khoăn khi tỉnh giao cho ngành giáo dục xây dựng tiêu chí học sinh bán trú. Bà Phạm Thị Trinh, Phó GĐ Sở GD&ĐT Kon Tum cho rằng, nếu việc xây dựng tiêu chí học sinh được hưởng bán trú giao cho địa phương, trong khi ngân sách là của trung ương thì sau này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Bà Trinh đề nghị trung ương nên đề ra một khung chung, sau đó địa phương sẽ dựa vào đó để triển khai cụ thể thêm.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhắc lại sự thống nhất ý kiến của các đại biểu thực hiện triển khai theo phương án 2, đồng thời, yêu cầu các địa phương xây dựng quy hoạch, dự báo và đưa vào quy hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2015, trong đó có hệ thống trường bán trú và khẩn trương báo cáo về Bộ GD&ĐT, chậm nhất đầu tháng 2/2011.
Thứ trưởng cũng đề nghị địa phương quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống trường lớp, đồng thời khẳng định quan điểm, không phải trường nào có HSBT cũng trở thành trường PTDTBT, vì nếu như vậy sẽ không đủ nguồn lực để xây dựng, và việc xây dựng sẽ trở nên manh mún, dàn trải.
Thể hiện sự băn khoăn, trăn trở trước vấn đề học sinh THPT không được hưởng bán trú như nhiều địa phương, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho biết điều này không thực hiện được do Luật giáo dục quy định. Thời gian tới, khi sửa đổi Luật nên nghiên cứu lại vấn đề này. Về tiêu chí xác định học sinh bán trú, Thứ trưởng cho rằng, để các tỉnh xây dựng là hợp lý vì điều kiện mỗi địa phương rất khác nhau, nếu Bộ xây dựng sẽ cứng nhắc, khó cho địa phương...
Cũng tại Hội thảo góp ý dự thảo Đề án Củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTBT trú giai đoạn 2011-2015 và triển khai thông tư 24/2010/BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT, Bộ GD&ĐT cho biết, tình hình thực hiện triển khai thông tư 24 ở các địa phương còn nhiều lúng túng, bất cập. Công tác phổ biến quy chế chưa cụ thể dẫn đến sự thông hiểu, nắm vững tinh thần, nội dung của quy chế trong đội ngũ giáo viên còn hạn chế, thậm chí trong các cấp quản lý giáo dục cơ sở vẫn còn những nhận thức chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, các Sở GD&ĐT còn thiếu tính cụ thể, chưa bám sát vào nội dung quy chế và văn bản hướng dẫn của Bộ nên việc triển khai thực hiện ở địa phương còn chưa hiệu quả, đồng bộ. Các địa phương tập trung vào nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để thành lập trường PTDTBT, nhưng chưa xác định được từng việc, từng bước đi cụ thể gắn với một lộ trình rõ ràng để các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường trên địa bàn chủ động triển khai thực hiện. |
Hiếu Nguyễn