Mùa xuân về cùng “tiếng trống học đêm”

GD&TĐ - Đúng 7 giờ tối trong thời tiết mưa xuân lất phất, “tiếng trống học đêm” của 9 thôn tại xã miền núi Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, (Hà Tĩnh) lại vang lên.

Mùa xuân về cùng “tiếng trống học đêm”

Tâm huyết “tiếng trống học đêm”

Chúng tôi về xã miền núi Kỳ Sơn vào một buổi xế chiều mưa xuân, con đường về xã có phần đông đúc hơn mọi ngày thường vì bà con trở về sau một ngày đi mua sắm về để chuẩn bị đón Tết.

Kỳ Sơn vốn là xã miền núi nhiều khó khăn, là xã 135 nhưng truyền thống hiếu học nơi đây thì hiếm có nơi nào sánh nổi. Về Kỳ Sơn, chứng kiến cảnh các em học sinh tự giác ngồi vào bàn học mỗi khi tiếng trống vang lên, chúng tôi mới hiểu rõ nguồn gốc hiếu học của học sinh nơi đây.

Theo một số người dân Kỳ Sơn, “tiếng trống học đêm” khởi nguồn từ năm 2007, xuất phát từ sự tâm huyết của lãnh đạo, cùng thầy cô giáo của các trường trên địa bàn. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hai năm 2012 và 2013, vì nhiều lý do, phong trào tạm ngừng rồi dần lắng xuống. Đến năm 2014, tiếng trống được khôi phục lại và duy trì đều đặn cho đến bây giờ.

Sau khi phong trào hoạt động trở lại, UBND xã cùng các trường học trên địa bàn hỗ trợ kinh phí mua tặng 9 thôn, mỗi thôn một chiếc trống. Riêng thôn Mỹ Thuận vì diện tích rộng hơn nên được tặng 2 chiếc trống. Trống được đặt ở hội trường thôn hoặc gia đình của người phụ trách đánh trống.

Thời gian đầu thực hiện, cán bộ xã phải bắc loa đi tuyên truyền khắp các thôn để tất cả người dân đều biết trước, nhiều thầy cô lặn lội đến từng thôn xóm, từng nhà để phổ biến, vận động phụ huynh và học sinh thực hiện.

Thầy Lê Quang Trung - Hiệu trưởng trường THCS Kỳ Sơn - nhớ lại: “Để việc nhắc nhở các em học sinh vào bàn học đúng giờ và học có hiệu quả, sau khi tiếng trống học đêm của các thôn vang lên, chúng tôi lại cử thầy, cô giáo đi xuống các làng trên xóm dưới kiểm tra xem các em có tự giác ngồi vào bàn học hay không.

Em nào thực hiện đúng, tốt sẽ được ghi nhận, tuyên dương, còn ngược lại em nào chưa thực hiện tốt sẽ bị nhắc nhở, phê bình. Cứ như thế, phong trào học đêm phát triển một cách sôi nổi, kết quả học tập của các em tăng lên rõ rệt”. Thầy Trung vui mừng cho biết thêm.

Hầu hết những người tham gia đánh trống thường là các cụ thâm niên trong làng, họ đánh trống trên tinh thần tự nguyện, tâm huyết với việc học của con cháu. Tuy nhiên, nhà trường và lãnh đạo xã cũng rất quan tâm, hỗ trợ một khoản kinh phí nhỏ để động viên tinh thần.

Ông Nguyễn Văn Long – Bí thư xã Kỳ Sơn, một trong những người tâm huyết với mô hình “tiếng trống học đêm”  - cho biết: Đây là tiếng trống báo hiệu, nhắc nhở nâng cao ý thức học tập của các em, đồng thời thể hiện ý thức trách nhiệm của phụ huynh đối với việc học của con cái. Những ai mới đầu đến Kỳ Sơn chắc chắn sẽ thấy rất lạ khi cứ mỗi tối là lại nghe tiếng trống, tuy nhiên âm thanh này đã quá quen thuộc với người dân xã Kỳ Sơn chúng tôi.

Năm 2015, họp HĐND xã, lãnh đạo xã, 2 trường THCS, Tiểu học cùng với hội phụ huynh đã nhất trí thu 70 ngàn đồng mỗi phụ huynh để mua trống mới, đồng thời hỗ trợ 200 ngàn/ tháng cho mỗi người tham gia đánh trống. 

Tuy nhiên, nhiều cụ già sau khi nhận tiền hỗ trợ đánh trống đã không dùng để chi tiêu các nhân mà đã dành dụm để mua trống mới mỗi khi hư hỏng. Các cụ cũng dùng số tiền đó góp mua phần thưởng cho các cháu đạt thành tích học tập tốt trong năm học, nhằm khích lệ tinh thần, tạo động lực cho các cháu phấn đấu trong những năm học tiếp theo.

Ông Bùi Quang Trung, (63 tuổi, xóm Mỹ Lợi)  - người đã hơn 3 năm đánh “trống học đêm” ở Kỳ Sơn - chia sẻ: Tôi tự nguyện đánh trống đã mấy năm nay, lúc đầu chưa quen nên cũng hơi vất vả, nhất là vào những ngày mưa rét nhưng thấy các cháu ngày càng tự giác chăm chỉ học hành, đạt được nhiều thành tích cao nên tôi thấy có thêm động lực hơn.

Hiệu quả từ tiếng trống

“Từ khi có ý tưởng đánh trống đêm báo hiệu cho các cháu học sinh học bài, phụ huynh chúng tôi lúc đầu chưa quen nên nghe thấy lạ, nhưng dần thấy hiệu quả nên ai cũng đồng tình ủng hộ. Bây giờ cứ nghe tiếng trống là hai đứa con tôi lại tự giác rủ nhau ngồi vào bàn học nghiêm túc” - chị Văn Thị Lài, xóm Mỹ Lợi (Kỳ Sơn) vui mừng chia sẻ.

Em Dương Thị Lệ Hằng - học sinh lớp 9A, trường THPT Kỳ Sơn - tâm sự: Tiếng trống học đêm đã gắn liền với em trong suốt những năm tháng cắp sách tới trường, đồng hành với em trong việc học bài ở nhà. Bây giờ cứ đúng 7 giờ tối, 2 chị em lại tự giác bật nhỏ tiếng ti vi, vào phòng học bài không cần bố mẹ thúc giục hay nhắc nhở”.

Phong trào “Tiếng trống học đêm” khi độ vào xuân lại càng mang lại hơi thở mới, khát vọng mới cho nền giáo dục vùng núi Kỳ Sơn huyện Kỳ Anh cũng như cho ngành giáo dục Hà Tĩnh tiếp bước những thành tích mới. “Tiếng trống học đêm” đã thực sự rất có ý nghĩa trong việc giáo dục ý thức tự học của học sinh địa phương, giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội và góp phần đảm bảo an ninh thôn xóm.

Thầy Lê Quang Trung khẳng định: “Kỳ Sơn là mảnh đất xã đặc biệt khó khăn ( xã 135), nhưng con người và trí tuệ không phải là 135. Theo đó, những thành tích mà nhà trường đạt được luôn nằm tốp đầu huyện Kỳ Anh.

Cụ thể, trong kỳ thi HSG năm 2015 – 2016 vừa qua, trường THCS Kỳ Sơn có 5 em đi thi giải toán trên máy tính cầm tay thì có 4 em đạt HSG huyện, 1 em được lọt vào đội tuyển thi HSG tỉnh vào cuối tháng 12/2015. Còn trong kỳ thi học sinh giỏi huyện (HSG) 8 môn văn hóa, trường có 29 em đi thi thì có 22 em đạt HSG giải, có 8 em được chọn vào đội tuyển học sinh dự thi HSG tỉnh Hà Tĩnh.

Một xã miền núi, chất lượng giáo dục luôn đứng tốp đầu của huyện là thành quả to lớn mà đảng bộ, nhà trường, phụ huynh ở đây dày công gây dựng. “Tiếng trống học đêm” đã trở thành một tài sản quý giá, ngấm sâu vào tiềm thức mọi người mà không ai có thế xóa bỏ được. 

Mùa xuân về cùng “tiếng trống học đêm” ảnh 1Mùa xuân về cùng “tiếng trống học đêm” ảnh 2Mùa xuân về cùng “tiếng trống học đêm” ảnh 3

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ