Mua sắm thiết bị dạy học: Vì sao địa phương lúng túng?

GD&TĐ - “Những thiết bị bổ sung cho các lớp đang thực hiện theo Thông tư 15, Thông tư 19, Thông tư 01, chỉ nên mua sắm khi thấy thật sự cần thiết; không nên mua sắm mới toàn bộ”.

Các chuyên gia và lãnh đạo cục, vụ xem TBDH trưng bày tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư ban hành danh mục TBDH tối thiểu. Ảnh: TG
Các chuyên gia và lãnh đạo cục, vụ xem TBDH trưng bày tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư ban hành danh mục TBDH tối thiểu. Ảnh: TG

Đây là một trong những lưu ý nhằm tránh lãng phí trong mua sắm thiết bị dạy học (TBDH) được Cục Cơ sở Vật chất (CSVC), Bộ GD&ĐT, lưu ý các địa phương.

Bộ đã hướng dẫn đầy đủ

Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 nêu rõ: “Căn cứ vào Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 ban hành kèm theo Thông tư này, các sở GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo việc mua sắm, tự làm, sưu tầm, bảo quản và sử dụng thiết bị phục vụ dạy học tại các cơ sở giáo dục tiểu học bắt đầu từ năm học 2020 - 2021”.

Trước đó, Công văn 2064/BGDĐT-CSVC, ngày 23/5/2018, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố: Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới; đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; Kiểm tra, giám sát việc lập kế hoạch, tổ chức sử dụng, sửa chữa và bảo quản cơ sở vật chất, thiết bị trường học ở các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy và học…

Ngày 28/9/2018, Bộ GD&ĐT cũng có công văn gửi sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu các sở GD&ĐT lập kế hoạch và tổ chức mua sắm TBDH theo hướng dẫn: Kiểm tra, rà soát thực trạng TBDH hiện có để lập kế hoạch chi tiết sửa chữa, thay thế, nâng cấp, mua sắm bổ sung những TBDH cần thiết và đồng bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học theo chương trình hiện hành, đồng thời chuẩn bị cho đổi mới Chương trình GD phổ thông.

Trong quá trình thực hiện Bộ cũng lưu ý: Đối với TBDH tối thiểu có trong danh mục được Bộ GD&ĐT ban hành, cần kiểm tra, rà soát thực trạng TBDH hiện có; căn cứ quy mô trường/lớp, số lượng học sinh để xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung TBDH bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.

TBDH là thiết bị đặc thù, chuyên dùng, vì vậy, Bộ yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức rà soát, lập kế hoạch mua sắm bổ sung các thiết bị còn thiếu, bảo đảm chất lượng, số lượng và kịp thời phục vụ năm học. Việc đầu tư, mua sắm TBDH cần tổ chức một cách khoa học, tiết kiệm, hiệu quả; đặc biệt chú trọng công tác kiểm định, nghiệm thu sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT Thái Bình) chia sẻ: Văn bản, thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về CSVC, TBDH rất đầy đủ và chủ động trong việc định hướng, hướng dẫn GD các địa phương theo sát các tiêu chuẩn trong xây dựng CSVC, cũng như chuẩn bị TBDH phục vụ đổi mới chương trình. Đó là thuận lợi để GD địa phương bắt nhịp với chỉ đạo của Bộ. Ngành GD Thái Bình đã chủ động thực hiện theo đúng hướng dẫn và quy định. Tuy nhiên, những vấn đề cần triển khai vừa mang tính tổng thể, nhưng cũng rất chi tiết. Mỗi một hạng mục, công trình CSVC, mỗi loại thiết bị đều có quy chuẩn rõ ràng. Đẩy nhanh tiến độ mua sắm TBDH đối với lớp 1 là vấn đề ngành GD-ĐT Thái Bình đang hết sức quan tâm.

HS lớp 1 ở Nam Định. Ảnh: TG
HS lớp 1 ở Nam Định. Ảnh: TG

Cái khó riêng

Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chia sẻ: Bộ GD&ĐT ban hành danh mục TBDH tối thiểu phù hợp với các tỉnh nghèo, nhưng không phải địa phương nào cũng thực hiện được. Ví dụ, nguồn tài chính dự phòng của Hà Tĩnh năm nay đã tiêu hết vì Covid-19, do đó 1 tỷ xin cấp cho GD còn khó. Rất mong Bộ quyết liệt yêu cầu các địa phương thực hiện theo danh mục TBDH tối thiểu. Yêu cầu hợp lý, ngành GD sẽ tham mưu được cho chính quyền địa phương.

Mặc dù đã bám sát chủ trương của Bộ, nhưng Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết vẫn gặp những khó khăn về TBDH cho lớp 1. “Thái Bình chưa tự cân đối được ngân sách, trong nhiều năm qua không được thụ hưởng các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho lĩnh vực GD, vì vậy khó khăn cho việc tăng cường CSVC, mua sắm TBDH”- ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình) nêu.

Trao đổi với đại diện các sở GD&ĐTvề chuẩn bị TBDH cho Chương trình GD phổ thông 2018, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục CSVC (Bộ GD&ĐT) nêu thực tế: “Thông tư 05 được ban hành chỉ thay thế phần thiết bị tiểu học lớp 1 trong Thông tư 15, còn thiết bị từ lớp 2 trở lên vẫn sử dụng theo chương trình cũ. Bài toán đặt ra, nếu mua sắm thiết bị theo chương trình cũ (Thông tư 15), nhà trường mua những gì để sau này danh mục mới của các lớp 2, 3, 4, 5 ban hành, thiết bị đã mua không bị bỏ đi. Đây là vấn đề các địa phương vẫn đang lúng túng”.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) cho rằng, các sở GD&ĐT đang gặp khó khăn trong công tác nắm bắt, quản lý tình hình khai thác, sử dụng, cũng như nhu cầu về thiết bị của các nhà trường, để có kế hoạch tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo tỉnh đầu tư hiệu quả.

Thời gian tới, Cục CNTT sẽ phối hợp với Cục CSVC thiết kế các biểu mẫu, liên quan tới CSVC và TBDH, cung cấp tới từng trường học để khai báo. Khi các trường học khai báo số liệu thực tế, nhu cầu, từ đó UBND quận/huyện,UBND tỉnh, cũng như Bộ sẽ nắm được tổng thể, nhằm tính toán xây dựng kế hoạch đầu tư chuẩn xác, hiệu quả, hợp lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ