Mùa hè bận rộn: Thời gian "vàng" cập nhật kiến thức

GD&TĐ - Ngoài việc tham gia các lớp bồi dưỡng do cơ quan quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương tổ chức, nhiều giáo viên còn tự học và tranh thủ học thêm nhằm nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Cô Đoàn Thị Luyên – giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Lào Cai) trong giờ dạy chuyên đề STEM cấp thành phố thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát. Ảnh: NVCC.
Cô Đoàn Thị Luyên – giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Lào Cai) trong giờ dạy chuyên đề STEM cấp thành phố thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát. Ảnh: NVCC.

Nhu cầu tự thân

Tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Bình Thuận, cô Nguyễn Thị Thanh Hòa – giáo viên Trường Tiểu học Phan Rí Cửa (Tuy Phong, Bình Thuận) quyết định học đại học để nâng cao trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục 2019. Hiện cô là sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học Trường ĐH Trà Vinh.

Cô Hòa chia sẻ: Hai tháng nghỉ hè là thời gian cô và nhiều đồng nghiệp “tăng tốc” học tập. Theo kế hoạch, cô học liên tục từ thứ 2 - 6 hàng tuần. Tuy nhiên, thời gian này do ảnh hưởng của Covid-19 nên lịch học tạm dừng và có thể chuyển sang học online.

“Trong thời gian học đại học, tôi lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích, bổ trợ đắc lực cho công việc giảng dạy của mình. Chúng tôi được tiếp cận một số phương pháp dạy học mới, cách nắm bắt tâm lý học sinh tiểu học, từ đó có phương pháp ứng xử sư phạm tốt hơn.

Tôi sẽ vận dụng thật tốt những gì đã học ở trường đại học để phục vụ cho công việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục của mình” – cô Hòa bày tỏ, đồng thời cho biết: Trường Tiểu học Phan Rí Cửa có 11 giáo viên cũng đang học nâng chuẩn trình độ. Khoá học đại học của cô có 3 lớp, với gần 180 sinh viên đều là giáo viên tiểu học có nhu cầu nâng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 và nâng cao nghiệp vụ, năng lực sư phạm.

Là giáo viên cốt cán, cô Đoàn Thị Luyên – giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Lào Cai) ít khi được nghỉ trọn vẹn 2 tháng hè. Bởi thời gian này, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do phòng, sở và Bộ GD&ĐT tổ chức, cô còn tham gia hỗ trợ, bồi dưỡng cho giáo viên đại trà. Cô đã nhận kế hoạch tham gia khoá tập huấn, bồi dưỡng mô–đun 4 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong khuôn khổ của Chương trình ETEP. Theo kế hoạch ban đầu, tháng 6 sẽ khai mạc khoá tập huấn, bồi dưỡng này, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ban tổ chức đã lùi thời gian.

“Là giáo viên cốt cán, nên thời gian nghỉ hè, tôi thường xuyên tham gia các khoá tập huấn ngắn ngày, hội thảo chuyên đề về giáo dục và đổi mới phương pháp dạy học. Cũng mất thời gian, nhưng với tôi đó là cơ hội để lĩnh hội kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy từ các chuyên gia, đồng nghiệp”, cô Luyên bộc bạch.

Theo cô Luyên, mỗi lần tham gia bồi dưỡng đại trà là thêm một lần được học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Đây cũng là cách để cô tự học, trau dồi kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân.

Phương châm của cô Luyên là “Học, học nữa, học mãi”, việc học không bao giờ thừa. Vì thế, sau khi nhận bằng thạc sĩ, cô tiếp tục đăng ký học văn bằng 2 tiếng Anh. Cô tâm sự: Đây là nhu cầu tự thân, bởi tôi thấy cần phải học thêm để có thể bắt nhịp với sự phát triển của xã hội; quan trọng hơn là bắt nhịp với đổi mới giáo dục. Nhất là hiện nay, giáo dục ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, nên tôi muốn học tiếng Anh để có thể bổ trợ cho công việc của mình, đồng thời có thể tham gia dạy song ngữ cho học trò.

Một lớp tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán hè 2020 tại TP Đà Nẵng. Ảnh: TG
Một lớp tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán hè 2020 tại TP Đà Nẵng. Ảnh: TG

Hè nhưng không nghỉ

Thời gian nghỉ hè, cô Lưu Thị Thanh Nga – giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) tham gia đầy đủ chương trình tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ do các cơ quan quản lý giáo dục tổ chức. Việc này với cô Nga rất ý nghĩa vì vừa giúp rút kinh nghiệm cho bản thân, vừa học hỏi được các phương pháp và kỹ thuật dạy học mới. Dự kiến ngày 16, 17/6, cô Nga sẽ tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng về Chương trình, sách giáo khoa mới lớp 6.

“Tôi luôn có kế hoạch tự trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, chuẩn bị giáo án, nghiên cứu bài giảng, đọc kỹ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình bộ môn Ngữ văn để thẩm thấu; đồng thời tham khảo sách giáo khoa mới của lớp 6 để có định hướng trong công tác giảng dạy năm học 2021 - 2022. Đặc biệt, tôi rất thích xem chương trình “Thầy cô chúng ta đang thay đổi”. Từ chương trình này, tôi học được rất nhiều về ứng xử các tình huống sư phạm, xây dựng tiết học hạnh phúc”, cô Nga bộc bạch.

Cho rằng, nghỉ hè là thời điểm “vàng” để tham gia vào các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cô Phạm Thị Thanh Huyền - giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) khẳng định, đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng. Giáo viên được cập nhật, bổ sung nhiều kiến thức và phương pháp dạy học mới và cách thức tổ chức hoạt động giáo dục sao cho hiệu quả, hấp dẫn.

“Tuy có vất vả đôi chút nhưng đó là một trong những giải pháp giúp chúng tôi từng bước bắt nhịp với phát triển của xã hội, đồng thời đáp ứng với yêu cầu của đổi mới giáo dục, trước mắt là Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới” – cô Huyền nhấn mạnh.

Trong thời gian nghỉ hè, bên cạnh việc tham gia các lớp bồi dưỡng do nhà trường và sở GD&ĐT tổ chức, tôi luôntự trau dồi kiến thức, phương pháp, kỹ năng sư phạm thông qua các hoạt động như: Soạn giáo án cho năm học mới, chỉnh sửa, rút kinh nghiệm bài dạy ở năm học cũ. Tôi đã lập thời khoá biểu cho mình để đến gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp về công tác chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy cho đến kỹ năng ứng xử sư phạm… - Cô Phạm Thị Thanh Huyền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ