Nhiều CLB đã giới thiệu được những gương mặt mới từ đầu mùa. Đội đương kim vô địch Hà Nội giới thiệu cả dàn sao trẻ mới trở về từ Hà Tĩnh gồm Lê Văn Xuân, Bùi Hoàng Việt Anh, Lê Xuân Tú, trao thêm cơ hội cho Trương Văn Thái Quý, Đậu Văn Toàn.
SLNA có phân nửa đội hình lần đầu đá chính ở V.League. Đội hình của họ trẻ trung tới mức nhiều phóng viên thể thao cũng chưa thể nhớ mặt, biết tên như Đặng Văn Lắm, Bùi Đình Châu, Trần Đình Tiến, Thái Bá Sang.
Cái tên thú vị nhất tới lúc này của V.League có lẽ là Nguyễn Hai Long. Mầm non của CLB Quảng Ninh đang mang tới luồng gió mát lành bằng thứ bóng đá chất chứa cảm xúc và sự tự tin của tuổi trẻ. 2 bàn sau 6 trận từ đầu mùa trong đó có siêu phẩm vào lưới Nam Định ở vòng gần nhất chứng minh chàng trai sinh năm 2000 đủ sức trụ lại tại hạng đấu cao nhất Việt Nam. Trước Hai Long, cầu thủ 20 tuổi gần nhất đá chính và tỏa sáng tại V.League là Quang Hải.
Một HLV kỹ tính như Phan Thanh Hùng cũng đã phải khen Hai Long “có những tố chất đặc biệt mà huấn luyện không thể tạo nên, như Công Phượng hay Quang Hải”.
Điểm chung của những tài năng trẻ ở trên là họ đều xuất hiện tại các CLB đang khủng hoảng nhân sự hoặc tổn thất lực lượng sau mùa chuyển nhượng.
Tại Hà Nội, cuộc khủng hoảng diện rộng ở hàng thủ giúp Việt Anh, Văn Xuân, Văn Toàn được vào sân. Không có nhiều cơ hội như vậy trong bối cảnh bình thường ở đội đương kim vô địch.
Tuy nhiên, hoàn cảnh đặc biệt mà thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm đang trải qua đã tạo cơ hội “có một không hai” cho những cầu thủ này. Hồi đầu mùa, cả ba chỉ là những phương án dự bị của đội bóng, 2 người đầu tiên được gọi về từ Hà Tĩnh cho đủ quân số.
Tương tự như vậy, Hai Long cũng chỉ có cơ hội thực sự khi Nguyễn Hải Huy dính chấn thương nặng. Từ vị trí kép phụ, tài năng sinh năm 2000 giờ là niềm cảm hứng cho hàng công Quảng Ninh.
Khác với hai đội ở trên, SLNA không có nhiều chấn thương. Nhưng việc các trụ cột chia tay buộc họ phải đôn lên V.League nhiều cầu thủ trẻ hoặc gọi về các tài năng (như Thái Bá Sang từ Phố Hiến). Đội hình trẻ trung ấy từng là điểm sáng của V.League khi vươn lên đầu bảng sau 5 vòng, giữ sạch lưới 5 trận.
Các đội bóng khác không ở vào tình trạng khó khăn như vậy. Nhưng lịch thi đấu khốc liệt, dày đặc của thể thức mới buộc họ phải có những bổ sung nhân sự, liên tục xoay tua đội hình, qua đó, trao nhiều cơ hội hơn tới những tài năng trẻ.
Tiêu Ê Xal, cầu thủ gốc Pháp mới lên U22 Việt Nam, đã được gọi lên đội một khi TP.HCM hướng tới một mùa giải nhiều mặt trận. Martin Lo đá dự bị ở hạng Nhất mùa trước nhưng năm nay vẫn ra sân liên tục tại Hải Phòng. Tương tự như vậy, Thiện Đức tại Bình Dương, Nguyễn Vũ Tín ở CLB Sài Gòn hay Bảo Toàn ở HAGL cũng có những cơ hội tương tự.
Nếu V.League vẫn giữ thể thức và thời gian như cũ, sẽ có rất ít cơ hội cho nhóm cầu thủ này, những người mà trình độ chưa thể vượt khỏi băng ghế dự bị, nhưng thời thế đã thay đổi.
V.League 2020 đang trao cho những mầm non điều mà họ cần nhất vào lúc này: Được thi đấu.
Đó là khía cạnh tích cực mà thể thức mới đang mang tới cho V.League. Với HLV Park Hang-seo, đây cũng là đợt “hà hơi thổi ngạt” mà ông kỳ vọng bởi U22 Việt Nam không còn giải đấu lớn nào từ nay tới cuối năm. Nghĩa là V.League trở thành chiếc phao tốt nhất, thậm chí duy nhất cho cuộc săn tìm tài năng trước thềm SEA Games.
Đây có thể là lối thoát cho bóng đá Việt Nam sau những dấu hiệu thiếu hụt nhân sự tuyến trẻ thời kỳ hậu Quang Hải, Tiến Linh.