Một thoáng “đèo Voi”

GD&TĐ - Theo quốc lộ 1A từ Đà Nẵng ra Huế, qua khỏi đèo Phước Tượng rẽ tay phải vào QL49B khoảng 10 km là qua cầu Tư Hiền và con đường kéo dài đến tận Thuận An. Đoạn đường dài 45km, đi qua những làng biển thuộc hai huyện Phú Lộc, Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cửa biển Tư Hiền (nhìn từ đèo Phước Tượng)
Cửa biển Tư Hiền (nhìn từ đèo Phước Tượng)

 Hiện nay, hầm đèo Phước Tượng đã đi vào hoạt động, nhưng các “phượt thủ” vẫn thích trải nghiệm trên các đường đèo “mây bay đỉnh núi” ở QL1 như Hải Vân, Phước Tượng, Phú Gia.

Sở dĩ đèo có tên là Phước Tượng bởi lưu truyền rằng xưa kia có con voi rừng chở một vị tướng quân bị thương băng rừng từ Bạch Mã về cửa Tư Dung (Tư Hiền). Kiệt sức, con voi trung hậu gục đầu uống nước đầm Cầu Hai, rồi nằm lại vĩnh viễn. Từ đó có tên đèo Voi (Phước Tượng) là dãy núi chạy thoai thoải ra biển mà vòi của nó khi ẩn, khi hiện ở cửa biển Tư Hiền

Cầu Tư Hiền
 Cầu Tư Hiền

Cửa Tư Hiền nằm giữa xã Vinh Hiền và Lộc Bình nơi thông phá Tam Giang với biển Đông. Các bô lão vùng này kể rằng: Cửa biển này trước đây gọi là cửa Tư Dung. Sau này, Công chúa Huyền Trân, con vua Trần Nhân Tông (em vua Trần Anh Tông) trước khi xuất giá sang Chiêm Thành ghé lên đây bái vọng tổ tiên. Từ đó cửa có tên Tư Dung. Tư Dung do lòng thương nhớ dung nhan của Huyền Trân Công chúa mà thành.

Theo sách xưa thì cửa biển này thuộc về đất nước Chiêm Thành, đời Lý gọi là Ô Long . Đến đời Trần, vua Nhân Tông (1306) gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân, đưa công chúa tới đây, nên đổi tên thành Tư Dung (Tư là nghĩ đến, tưởng nhớ đến, dung là nét mặt, dung nhan, ý nghĩa cũng gần như chữ tư dung là vẻ mặt, là dáng dấp của người đàn bà đẹp). Dùng hai chữ Tư Dung để đặt tên cho cửa biển này, ý hẳn người Việt lúc bấy giờ một đàng muốn ghi lại cuộc hôn nhân giữa vua Chiêm và công chúa Việt, nhưng đàng khác cũng nhằm tưởng nhớ công ơn khách má hồng đã biết hy sinh hạnh phúc cá nhân, riêng tư cho việc mở mang bờ cõi.

Tương truyền bài "Nước non ngàn dặm" theo điệu Nam Bình, có người cho rằng chính công chúa đã soạn ra trong lúc đi đường sang Chiêm quốc: “Nước non ngàn dặm ra đi... Mối tình chi! Mượn màu son phấn / Đền nợ Ô, Ly. Xót thay vì, Đương độ xuân thì. Số lao đao hay là nợ duyên gì?...”.

Khu vực cửa biển Tư Dung có núi non cao ngất. Đế vương các đời như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Trần Anh Tông, Trần Duệ Tông đều có đem quân qua đấy. Vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông ngự giá chinh Chiêm, khi nghỉ chân tại cửa bể này có làm bài thơ "Tư Dung hải môn lữ thứ" là một áng thơ hay, được đời sau truyền tụng. Về sau, cửa Tư Dung cạn dần, chiến thuyền từ biển đi vô không được, hiểm họa ngoại bang đánh úp kinh thành Huế khó xảy ra nên triều Nguyễn đặt lại cái tên là Tư Hiền.

Cửa biển Tư Hiền
Cửa biển Tư Hiền 

Xã Hiền An nằm cuối hệ thống đầm phá nước lợ Thừa Thiên - Huế (bao gồm phá Tam Giang, đầm Sam, đầm Chuồn, đầm Thuỷ Tú, đầm Đá Bạc, đầm Cầu Hai...) nối liền một mạch từ tỉnh Quảng Trị vào Thừa Thiên - Huế, vốn nhiều tôm rằn, cá mú, cá hồng... thích ăn rong tảo, phù du mọc trong trầm tích đá vôi trôi ngoài cửa Tư Hiền vào, có diện tích mặt nước rộng hơn 22.000ha, vùng đầm phá rộng nhất châu Á. Theo các vị bô lão cho biết: Quá trình hình thành, thành lập làng cũng đã trên dưới 300 năm.

Món hàu xào với lá lót
 Món hàu xào với lá lót

Thú vị hơn, du khách đi dọc theo đường cái là những ngôi làng nông nghiệp hoang sơ, những đền đài miếu mạo cổ xưa. Chợ quê mua bán vào buổi chiều, với thuỷ hải sản phong phú từ đầm phá cầu hai nước lợ cho đến biển Đông như các loại cá, ốc đá ốc hương, hàu, sò nghêu…. Riêng tôm có 12 loài như tôm hùm, tôm sú, tôm rằn… cua có 18 loài và nhiều loại thân mềm có giá trị như nuốc, rau câu… giá cả rất mềm. Bạn có thể thưởng thức món cháo hàu, hàu xào lá lót nơi đây rất béo, thơm và ngọt . Trong khi chờ đợi món ăn, người nhà dùng ghe nghề cá đưa bạn đi thăm thú các mô hình nuôi cá, nuôi ghẹ… rất thú vị trên đầm nước mênh mông mà dễ “nơi mô có được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.