Một số văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng tháng 11/2015

GD&TĐ - Báo Giáo dục và Thời đại điểm qua một số văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong tháng 11/2015.

Một số văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng tháng 11/2015

- Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2015

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa dịp cuối năm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã đề ra.

- Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ ban hành ngày 3/11/2015 với hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi với công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi này phủ rộng từ khâu nghiên cứu, phát triển cho tới khâu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất sản phẩm.

Kèm theo Nghị định, Chính phủ cũng ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, gồm 6 nhóm sản phẩm trong các ngành: Dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.

- Mức dư nợ vốn huy động cho đầu tư TP Hà Nội không vượt quá 150%

Chính phủ đã ban hành Nghị định 112/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 123/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, tổng dư nợ các nguồn vốn huy động cho đầu tư các dự án, công trình thuộc nhiệm vụ đầu tư từ ngân sách thành phố không vượt quá 150% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố theo dự toán Hội đồng nhân dân thành phố quyết định hàng năm.

Cơ chế ngân sách đặc thù quy định trên được thực hiện trong các năm ngân sách 2015 và 2016. Từ ngày 1/1/2017, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015.

- Quy định mới về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo

Nghị định số 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đã được Chính phủ ban hành ngày 09/11/2015.

Nghị định quy định, nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật mức 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

- Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, DN chế xuất

Ngày 9/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.

Nghị định 114/2015/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung về quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất (KCX, DNCX). Theo đó, KCX hoặc DNCX được áp dụng quy định đối với khu phi thuế quan trừ ưu đãi riêng đối với khu phi thuế quan thuộc KKT cửa khẩu. DNCX được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các KCX, DNCX với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam không phải khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu trừ một số các trường hợp quy định và các trường hợp không làm thủ tục hải quan do Bộ Tài chính quy định.

- Cách tính mức lương hưu hằng tháng

Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm xã hội bắt buộc đã được Chính phủ ban hành ngày 11/11/2015. Nghị định quy định cụ thể tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động.

Cụ thể, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật BHXH được tính như sau:

- Người lao động nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

- Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

- Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

- Quy định mới về chuyển doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thành Cty cổ phần

Ngày 11/11/2015, Chính phủ đã ban Nghị định 116/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Trong đó có một số quy định mới về xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại các doanh nghiệp khác; cơ cấu vốn cổ phần lần đầu; bổ sung chính sách ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa.

- Hướng dẫn luật đầu tư: Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài

Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư được Chính phủ ban hành ngày 12/11/2015, trong đó quy định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài như về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế, trừ một số trường hợp.

- Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016

Nghị định 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ quy định, từ ngày 1/1/2016 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.400.000 đến 3.500.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động.

- Quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch

Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch về đăng ký khai sinh, kết hôn, quản lý và sử dụng sổ hộ tịch trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được vận hành thống nhất trên cả nước; đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; khai sinh, kết hôn, nhận cha, mẹ, con, khai tử tại khu vực biên giới; cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam; đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Ủy ban nhân dân cấp huyện; ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, ly hôn, hủy việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử; việc bố trí công chức tư pháp - hộ tịch làm công tác hộ tịch chuyên trách và một số biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

- Quy định mới về xử phạt vi phạm bán hàng đa cấp

Ngày 19/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong đó, Nghị định sửa đổi xử phạt hành vi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể, phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi nêu trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

- Chính sách cho thanh niên tình nguyện

Ngày 16/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên.

Quyết định này nêu rõ những chính sách đối với thanh niên trong quá trình hoạt động tình nguyện cũng như khi kết thúc hoạt động tình nguyện.

Theo Quyết định, khi kết thúc hoạt động tình nguyện, thanh niên tình nguyện được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và quy định của pháp luật về việc làm; được xem xét, ưu tiên tuyển chọn tham gia các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc nếu hoạt động tình nguyện từ 03 tháng trở lên…

- Định mức trang bị máy móc, thiết bị của cơ quan Nhà nước áp dụng từ 2016

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 58/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Cụ thể, tiêu chuẩn, định mức trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương và địa phương (cấp tỉnh, huyện), tính cho 1 người gồm: 1 bộ bàn ghế ngồi làm việc mức giá tối đa 5 triệu đồng, 1 tủ đựng tài liệu mức giá tối đa 5 triệu đồng, 1 bộ máy vi tính để bàn mức giá tối đa 13 triệu đồng, 1 điện thoại cố định mức giá tối đa 300 nghìn đồng.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, tiêu chuẩn, định mức trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến, tính cho 1 người gồm: 1 bộ bàn ghế ngồi làm việc mức giá tối đa 3 triệu đồng, 1 bộ máy vi tính để bàn mức giá tối đa 13 triệu đồng.

- Ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều

Ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, quy định rõ các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

- Triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 28/CT-TTg về việc triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chỉ thị nêu rõ, nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ Xác định công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chương trình công tác của Bộ, ngành mình, từ đó tập trung thích đáng các nguồn lực để nâng cao chất lượng đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, thời hạn trình các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của cơ quan mình.

- Giải phóng mặt bằng để xây công trình phụ trợ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Ngày 18/11/2015, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 2106/QĐ-TTg về việc giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình phụ trợ thuộc Khu dịch vụ cuối tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

- Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão

Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015. Mục tiêu nhằm hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở ven biển và các đảo có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tập trung nhiều tàu cá; đáp ứng nhu cầu neo đậu và dịch vụ hậu cần cho tàu cá và từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Quy hoạch khai thác, chế biến quặng chì kẽm đến năm 2020

Ngày 13/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1997/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì kẽm đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Mục tiêu của quy hoạch là phát triển bền vững thăm dò, khai thác, chế biến quặng chì kẽm nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu khoáng của nền kinh tế và gắn với các nhà máy hiện có, dự án luyện kim chì, kẽm; không xuất khẩu quặng nguyên khai, quặng tinh chì, kẽm và bột oxyt kẽm.

- Nâng cao hiệu quả kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XK, NK).

Trong đó, Đề án sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK tại cửa khẩu nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2016

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2052/QĐ-TTg ngày 23/11/2015 phê duyệt tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2016 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) là 272.916 biên chế.

Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước 271.916, trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 110.559 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện 160.272 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.085 biên chế; biên chế công chức dự phòng 1.000 biên chế.

Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016 là 686 biên chế.

Như vậy, so với năm 2015, năm 2016 giảm 4.139 biên chế của các bộ, ngành và địa phương; giữ nguyên biên chế dự phòng, các hội đặc thù và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

- 8 nhóm Khu kinh tế ven biển được tập trung đầu tư giai đoạn 2016-2020

Tại văn bản 2021/TTg-KTTH ngày 9/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn 8 nhóm khu kinh tế (KKT) ven biển trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 gồm: Nhóm KKT Chu Lai, tỉnh Quảng Nam - Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; KKT Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng; KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; KKT Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh; KKT Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên; KKT Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; KKT Định An, tỉnh Trà Vinh.

- Xây dựng nông thôn mới: Không bắt buộc người dân đóng góp

Tại văn bản số 2003/TTg-KTN ngày 5/11/2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu việc huy động đóng góp xây dựng nông thôn mới của người dân phải được bàn bạc dân chủ; phải được sự đồng tình và nhất trí của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc, quá sức dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.