Anh tỏ tình
Bằng hạt thóc
Vàng óng và lặng im
Vàng như nắng
Lặng im như đất
Và trắng thơm hạt gạo giấu trong lòng!
Hạt thóc tỏ tình
Có khi rơi rụng
Có khi bị ném đi
Nhưng ở nơi rơi xuống
Sẽ nẩy lên cây lúa xanh tươi
Và rồi
Những hạt vàng tỏ tình lại chín
Lại âm thầm sâu lắng một lời riêng!
17/3/1993
Phạm Đức
Lời bình của Đặng Toán
Rất nhiều người thuộc những câu thơ của ông: “Gần nhau mà chẳng yêu cùng/ Đơn phương tôi cứ thủy chung một mình” hay: “Tôi tìm em, em tìm ai/ Để đôi khi tiếng thở dài hòa chung”. Bên cạnh đó ông còn có một bài thơ sáng tác cách nay đã 25 năm, cũng vẫn được nhiều người yêu thích. Đó là bài Một lời riêng.
Đây là một bài thơ tình, nhưng có hơi khác với những bài thơ tình kể trên ở cả hình thức thơ cũng như cách lập tứ, mang đến cho độc giả những bâng khuâng, những chiêm nghiệm vượt ra ngoài câu chuyện tình yêu đôi lứa thông thường.
Trong rất nhiều hình thức tỏ tình, nhà thơ Phạm Đức chọn một cách khá là độc đáo: “tỏ tình bằng hạt thóc”. Có lẽ với nhà thơ cách tỏ tình này đâu có kém phần lãng mạn.
Hơn thế, nó còn rất đẹp, đẹp cả về hình thức bên ngoài cho đến nội dung bên trong: “Hạt thóc/ Vàng óng và lặng im/ Vàng như nắng/ Lặng im như đất/ Và trắng thơm hạt gạo giấu trong lòng!” Hình ảnh so sánh vừa chân thực, chính xác vừa gợi liên tưởng.
Món quà để anh tỏ tấm chân tình, không chỉ mang vẻ đẹp của tình người mà của cả thiên nhiên trời đất. Nó không chỉ thể hiện tình cảm bao la, dào dạt anh muốn dâng tặng cho em mà hơn thế, nó còn thể hiện cho tấm lòng hết sức chân thành nơi trái tim anh.
Song cuộc sống bao giờ cũng có những lý lẽ riêng của nó. Đôi khi ta muốn thế này, ta cho như thế này là tốt đẹp, là đúng đắn nhưng với người khác lại chưa chắc đã như vậy. Bởi thế cho nên Hạt thóc tỏ tình/ Có khi rơi rụng/ Có khi bị ném đi… cũng là điều hết sức dễ hiểu.
Nhưng có một thứ chắc chắn rằng, ở cái nơi mà hạt thóc bị rơi rụng, bị ném đi ấy sẽ lại tiếp tục nảy lên cây lúa xanh tươi, để rồi Những hạt vàng tỏ tình lại chín/ Lại âm thầm sâu lắng một làn hương!
Vậy là những gì chân thành, tốt đẹp và hợp với tự nhiên, dù có lúc nọ lúc kia bị hiểu sai, bị chối bỏ thì nó vẫn chưa khi nào bị thui chột. Nó vẫn tồn tại dù là âm thầm để rồi sẽ sinh sôi, mãi mãi làm đẹp cho cuộc đời này.
Như vậy, bằng lối ví von hết sức độc đáo, hạt thóc dùng để tỏ tình chỉ là một cái cớ để nhà thơ Phạm Đức giãi bày những tâm tình sâu kín, những trải nghiệm từ chính cuộc đời mình cũng như những gì ông được chứng kiến.
Bài thơ giản dị, câu chữ rất bình thường nhưng được ông chọn lựa, sử dụng vào những hình ảnh thơ giàu sức gợi, đã khẳng định thêm độ tài hoa của ông trong những bài thơ nhiều suy tư, ngẫm ngợi.