Liên Hợp Quốc đã tuyên bố từ hồi tháng 10 năm ngoái rằng, họ sẽ tổ chức một hội nghị bàn về vấn đề xóa bỏ vũ khí hạt nhân trên thế giới, tuy nhiên, rất nhiều cường quốc, nhất là những nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân đều từ chối tham dự.
Cụ thể Anh, Pháp, Israel, Nga và Mỹ tuyên bố không tham dự, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan phớt lờ. Thậm chí Nhật Bản, quốc gia duy nhất trên thế từng hứng chịu một vụ ném bom nguyên tử, cũng không muốn tham dự hội nghị này.
Nhiều nước không đồng ý cấm sở hữu vũ khí hạt nhân
Những quốc gia dẫn đầu trong việc ủng hộ đang bao gồm Australia, Ireland, Mexico, Brazil, Nam Phi và Thụy Điển, cùng với đó là hàng trăm tổ chức phi chính phủ khác. Họ cho rằng, hội nghị này là vô cùng quan trọng trước sự đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên hay chính quyền khó đoán ở Washington.
Những người ủng hộ lấy ví dụ về các phong trào tương tự trên thế giới đã thành công như hiệp ước chống mìn trên bộ vào năm 1997 hay chống bom chùm vào năm 2008.
“Tôi cho rằng, điều này sẽ mất một thời gian dài. Nhưng sẽ là rất quan trọng nếu chúng ta đẩy mạnh kêu gọi trong thời gian này”, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallstrom cho hay.
Không có bất kì tiến triển gì trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân những năm gần đây bất chấp việc nhiều cường quốc đã cam kết sẽ tuân theo Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được kí vào năm 1968.
Hiện 2 nước có vũ khí hạt nhân nhiều nhất thế giới là Nga và Mỹ cũng đều mới tuyên bố kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình trong vòng 30 năm tới.