Một hình thức sinh hoạt dưới cờ hấp dẫn

GD&TĐ - Thầy Cao Đức Bình - Giáo viên THPT Mường Chà (Điện Biên) - mạnh dạn kiến nghị lãnh đạo nhà trường cho phép tổ chức nội dung sinh hoạt dưới cờ thông qua các tiểu phẩm.

Một hình thức sinh hoạt dưới cờ hấp dẫn

Xác định rõ chủ đề sinh hoạt

Việc đầu tiên chuẩn bị cho giờ sinh hoạt dưới cờ theo hình thức mới là lên kế hoạch, xác định chủ đề cụ thể cho từng buổi sinh hoạt.

Các chủ đề căn cứ vào kế hoạch của nhà trường như: Chống bạo lực học đường, phòng chống ma túy, phòng chống nhiễm HIV- AIDS, phòng chống tai nạn bất ngờ, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, tư vấn chọn nghề, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, tư vấn tháo gỡ những vứng mắc về tình cảm, suy nghĩ lệch lạc, thể hiện lòng yêu quê hương đất nước, xây dựng kỹ năng giao tiếp với người lạ, kỹ năng định hướng, đọc bản đồ, kỹ năng phản ứng với hoàn cảnh, ...

Sau đó, giáo viên cho học sinh xây dựng các tiểu phẩm có nội dung bám sát các chủ đề nêu trên.

4 bước tiến hành

Quá trình thực hiện các tiểu phẩm cơ bản được diễn ra theo các bước như sau:

Bước 1: Giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh trong lớp để các em xác đinh được nội dung của tiểu phẩm và chủ động lên kế hoạch thực hiện.

Bước 2: Giáo viên tư vấn, định hướng về nội dụng, cách thức tổ chức và thực hiện cho học sinh.

Bước 3: Học sinh tự lập kế hoạch và tập luyện. Việc xây dựng tiểu phẩm, học sinh căn cứ vào thời gian cho phép của từng tiểu phẩm (khoảng 10 đến 15 phút), chuẩn bị trước trang phục, lực lượng tham gia, lực lượng hỗ trợ, về cơ sở vật chất (tăng âm loa đài, míc, trang trí, khánh tiết, phông bạt, ...).

Bước 4: Giáo viên chủ nhiệm kiểm tra lại sự chuẩn bị của học sinh trước buổi sinh hoạt dưới cờ (thường kiểm tra vào giờ sinh hoạt lớp cuối tuần - thứ bảy).

Thầy Cao Đức Bình cho biết, cách này phát huy ưu điểm từ nội dung tiểu phẩm ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu, giúp học sinh phát triển tư duy phê phán tích cực, có cơ hội rèn luyện kỹ năng thế vai, tạo sự năng động và giúp học sinh có cơ hội hợp tác trong làm việc nhóm, phát huy khả năng lãnh đạo.

Cách này cũng tạo ra sự hứng khởi, tích cực, nhiệt tình tham gia của học sinh toàn trường. Tăng cường giao tiếp giữa nhóm người trình bày với học sinh toàn trường hoặc một khối lớp .

Tuy nhiên, giáo viên cũng cần xác định trước các nhược điểm của phương pháp này đó là: Cần đầu tư thời gian tập luyện; học sinh diễn không chuyên nên sẽ có những tiểu phẩm chưa mang lại sự lôi kéo, sự tập trung và tham gia tích cực

Để khắc phục các nhược điểm trên, giáo viên nên chọn nhóm học sinh trình bày tiểu phẩm không được quá 5 người, thời gian trình bày không được quá 15 phút, âm thanh phải rõ ràng.

Ngay sau giờ sinh hoạt dưới cờ, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp chấn chỉnh đối với lớp khi có học sinh vi phạm, ồn ào hoặc mất tập trung... Tiếp đó, giáo viên chủ nhiệm đề cập đến nội dung đã sinh hoạt và muốn lắng nghe ý kiến của học sinh của lớp về vấn đề đã nêu, lập tức sẽ tạo nên sự quan tâm của học sinh kể cả trong buổi sinh hoạt kế tiếp.

Cách làm này cũng cần sự giúp đỡ, can thiệp của BGH nhà trường trong việc: Đặt ra quy định tất cả giáo viên đều phải có mặt trong giờ sinh hoạt dưới cờ; đưa tiêu chí tham gia sinh hoạt lớp thành một tiêu chí thi đua xếp hạng cuối năm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ