Một gia đình có 3 nghệ sĩ đàn tranh

GD&TĐ - Việc 2 mẹ con nhận được giải thưởng/học bổng Trần Văn Khê với gia đình NSƯT Hải Phượng là một bất ngờ mà gần đến ngày nhận chị mới được biết.

NSƯT Hải Phượng và cố GS Trần Văn Khê. Ảnh: NVCC.
NSƯT Hải Phượng và cố GS Trần Văn Khê. Ảnh: NVCC.

Trong lễ trao giải thưởng/học bổng Trần Văn Khê năm 2023, nhiều người bất ngờ khi thấy sự trùng hợp thú vị: NSƯT Hải Phượng nhận giải thưởng Trần Văn Khê và con gái của chị - nghệ sĩ Hải Minh cũng nhận học bổng Trần Văn Khê.

Biết ơn người thầy lớn

Việc 2 mẹ con nhận được giải thưởng/học bổng Trần Văn Khê với gia đình NSƯT Hải Phượng là một bất ngờ mà gần đến ngày nhận chị mới được biết. Bởi, dù cùng công tác và học tập tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh song chị được phòng tổ chức đề cử còn con gái chị được phòng công tác học sinh, sinh viên đề cử.

Điều đặc biệt hơn cả là GS Trần Văn Khê là người có sức ảnh hưởng rất lớn với sự nghiệp âm nhạc của chị.

NSƯT Hải Phượng cho biết, bước ngoặt đánh dấu con đường phát triển trong sự nghiệp đàn tranh của chị vào năm 1993 khi được cùng GS Trần Văn Khê sang Paris (Pháp) biểu diễn 22 buổi trong 45 ngày và thực hiện đĩa nhạc “Đàn tranh xưa và nay” do hãng Ocora ghi âm. Đĩa này đã nhận giải thưởng của Hiệp hội Phê bình ở Đức (1993) và giải thưởng của báo Le Monde của Pháp (1994).

30 năm đã trôi qua, NSƯT Hải Phượng vẫn bồi hồi nhớ về chuyến đi đầy ý nghĩa đó đã làm thay đổi từ suy nghĩ đến nhận thức của chị.

“Lúc đó, tôi còn trẻ, vẫn thích những bản nhạc mới nhiều hơn trong khi GS Trần Văn Khê thì khuyến khích tôi theo học nhạc cổ (bài bản nguyên khởi như chèo, nhạc Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ).

Khi bắt đầu dạo đàn, tôi đã rất băn khoăn, không biết khán giả có thích nghe những bản nhạc cổ hay không? Nhưng rồi sau buổi diễn hôm đó với sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, tôi nhận ra rằng bất kỳ loại nhạc nào chỉ cần mình chơi bằng cả tình yêu và tâm hồn, nhất định sẽ truyền tải được đến người nghe.

Trở về nước, bên cạnh việc học tập tại trường, tôi đã lập tức xin học các nghệ nhân ngoài trường lớp để bổ sung kiến thức và thấy con đường đi của mình là hoàn toàn đúng đắn. Hơn nữa, trong hành trình từ đó đến mãi sau này, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của GS Trần Văn Khê”, NSƯT Hải Phượng chia sẻ.

“Sinh thời, GS Trần Văn Khê nói: “Tôi luôn nghĩ rằng, những điều tôi đã biết không nghĩa lý gì đối với những điều tôi chưa biết. Những chuyện tôi đã nghe không nghĩa lý gì đối với chuyện tôi chưa được nghe. Những việc tôi đã thấy chẳng nghĩa lý gì với những việc tôi chưa thấy. Và tôi tiếp tục học đến hơi thở cuối cùng”.

Bởi thế, việc nhận giải thưởng mang tên thầy sẽ tiếp thêm niềm tin, động lực để tôi tiếp tục học, tiếp tục phấn đấu, nỗ lực vì sự phát triển của âm nhạc dân tộc. Hiện nay, âm nhạc dân tộc vẫn có nhiều thiệt thòi, các em sinh viên ra trường ít có cơ hội vào biên chế tại các đoàn nghệ thuật/nhà hát.

Điều đó làm các em có tâm lý e ngại khi chọn ngành học này. Nhưng nếu các em có đủ tài năng, tâm huyết và sự quyết tâm, tôi tin việc làm ngành âm nhạc dân tộc không thiếu”, NSƯT Hải Phượng chia sẻ thêm.

Còn với một cô gái mới ở tuổi 20 như Hải Minh thì việc nhận học bổng mang tên người thầy lớn của âm nhạc dân tộc là một điều hạnh phúc.

Hải Minh đã viết những dòng cảm xúc đầy xúc động và quyết tâm trên trang Facebook cá nhân khi nhận được học bổng: “Em cảm thấy thật vinh dự khi là một trong số những người được nhận học bổng mang tên người thầy của bà, của mẹ và của cả em.

Con xin cám ơn bà và mẹ, 2 người thầy chuyên môn của con đã dạy dỗ và cho em cơ hội được nhận học bổng. Bên cạnh đó, em cũng xin cảm ơn quý thầy cô đã hỗ trợ và quý cô chú, anh chị trong quỹ đã tin tưởng trao cho em trọng trách mà sinh thời GS Trần Văn Khê luôn mong mỏi, đó là lan truyền âm nhạc truyền thống Việt Nam đến với khán giả trong nước cũng như quốc tế.

Âm nhạc truyền thống Việt Nam luôn xứng đáng được biết đến nhiều hơn, và em luôn tâm niệm rằng phải tạo điều kiện cho nền âm nhạc và các nhạc cụ Việt Nam phát triển hơn trong thời đại hiện nay. Em sẽ luôn cố gắng học tập thật tốt để xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của tất cả mọi người”.

NSƯT Hải Phượng (bìa trái) nhận giải thưởng Trần Văn Khê. Ảnh:NVCC - Nguyễn Á.

NSƯT Hải Phượng (bìa trái) nhận giải thưởng Trần Văn Khê. Ảnh:NVCC - Nguyễn Á.

Gia đình nghệ thuật

Tình yêu với cây đàn tranh trong mẹ con NSƯT Hải Phượng được lan tỏa và truyền thụ từ người bà, người mẹ - Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan, một trong những sinh viên đầu tiên của Trường quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn (sau này đổi tên là Nhạc viện TP Hồ Chí Minh).

Ở tuổi 80, Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan đã có hơn 60 năm theo đuổi, gắn bó với đàn tranh. Ngoài công việc dạy học, bà còn tham gia sáng tác tác phẩm cho đàn tranh và đặc biệt là việc thành lập Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương (trước đó là Ban nhạc Dân tộc) vào năm 1981, tạo sân chơi nhạc cụ dân tộc, giúp cho những người yêu thích đàn tranh có một diễn đàn để giao lưu, biểu diễn.

Sau một chặng đường dài phát triển, cuối năm 2017, sân chơi đàn tranh đầu tiên đã ra đời tại Bảo tàng Tượng sáp Việt. Trong sự nghiệp của mình, nghệ sĩ Thúy Hoan đã dìu dắt và đào tạo được rất nhiều nghệ sĩ tài năng đã và đang thắp lên “ngọn lửa” đam mê đàn tranh trong thế hệ trẻ, như: Diệu Quang, Uyên Trâm, Lê Thị Kim, Lương Thị Minh Châu… và tất nhiên không thể thiếu được NSƯT Hải Phượng.

NSƯT Hải Phượng đến với đàn tranh từ năm 5 tuổi và 7 tuổi chính thức theo học tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh (năm 1976) – năm đầu tiên Nhạc viện tuyển sinh. Tài năng của chị được khẳng định khi giành giải Nhất Cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh năm 1992 và sau đó là liên tiếp lời mời biểu diễn từ trong nước đến quốc tế.

Theo NSƯT Hải Phượng, đàn tranh tuy có thể không phải xuất xứ từ Việt Nam nhưng nó nói lên tiếng nói của người Việt - một tiếng nói rất nhẹ nhàng, sâu lắng, tình cảm và cũng rất… Việt Nam. “Đàn tranh là một nhạc khí đẹp, âm thanh lôi cuốn lại có thể sử dụng trong nhiều trường hợp và kết hợp được với nhiều nhạc cụ khác.

Khi chơi đàn tranh, tôi thấy mình trẻ trung, dịu dàng hơn, tâm hồn thư thái và xua tan những muộn phiền của cuộc sống. Cây đàn tranh giúp tôi có cơ hội được đi khắp nơi trên thế giới để quảng bá, giới thiệu âm nhạc dân tộc nói riêng và văn hóa cội nguồn của dân tộc nói chung”, NSƯT Hải Phượng trải lòng.

Lý giải về việc trong gia đình có đến 3 thế hệ theo đàn tranh, NSƯT Hải Phượng bảo, thực ra mỗi thành viên trong gia đình được “ngấm” tiếng đàn tranh từ khi còn nhỏ và theo đàn tranh như một lẽ tự nhiên.

Nghệ sĩ Hải Minh (bìa trái) biểu diễn trong buổi lễ trao giải thưởng Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á.

Nghệ sĩ Hải Minh (bìa trái) biểu diễn trong buổi lễ trao giải thưởng Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á.

Tất nhiên. trong quá trình đó luôn được các thành viên trong gia đình ủng hộ, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện. “Hồi bé, Hải Minh thường theo bà ngoại đến Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương và được bà dạy cho những kiến thức cơ bản về đàn tranh.

Năm 13 tuổi khi vào Nhạc viện TP Hồ Chí Minh (hệ 6 năm), tôi là người trực tiếp dạy. Việc 3 thế hệ theo đàn tranh là điều làm mẹ tôi và bản thân tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Các thế hệ cứ nối tiếp nhau gắn bó với cây đàn tranh như một minh chứng về sức sống mãnh liệt của cây đàn này trong cuộc sống đương đại”, NSƯT Hải Phượng chia sẻ.

NSƯT Hải Phượng theo học hệ đại học, thạc sĩ đàn tranh nhưng khi học tiến sĩ, chị lại chọn học ngành văn hóa. Theo lý giải của chị, việc học thêm lĩnh vực khác, bản thân sẽ có thêm trải nghiệm mới để mở rộng tư duy, hướng sáng tạo, nhất là với nghệ sĩ đàn tranh – những “đại sứ” lan truyền văn hóa.

Nghệ sĩ Hải Minh (bìa trái) nhận học bổng Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á.

Nghệ sĩ Hải Minh (bìa trái) nhận học bổng Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á.

“Tôi cứ nghĩ chơi đàn tranh mà không hiểu văn hóa của Việt Nam thì coi như chưa là nghệ sĩ thực thụ, chưa hoàn thành sứ mệnh của mình. Bản chất sâu xa của đàn tranh nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung chính là bản sắc văn hóa mà nghệ sĩ phải truyền tải được thông qua tiếng đàn của mình.

Trong suốt thời gian học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ về văn hóa, tôi được lĩnh hội thêm nhiều kiến thức về lĩnh vực này cũng như việc gặp gỡ, trao đổi với những người bạn mới giúp tôi có thêm tri thức, phương pháp để làm phong phú hơn những bài giảng của mình”, NSƯT Hải Phượng nhấn mạnh.

Là người anh, người thủ trưởng cũ của NSƯT Hải Phượng, NSND Tạ Minh Tâm, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh đánh giá: “NSƯT Hải Phượng là người có tình yêu, sự đam mê rất lớn với đàn tranh nói riêng và nhạc cụ dân tộc nói chung.

Trên cương vị Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống, NSƯT Hải Phượng đã góp công cùng tập thể giảng viên của Khoa “ươm mầm” những tài năng âm nhạc dân tộc ở khu vực phía Nam. Hải Phượng là một trong những hạt giống quý về âm nhạc dân tộc của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.

NSƯT Hải Phượng biểu diễn trong buổi lễ trao giải thưởng Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á.

NSƯT Hải Phượng biểu diễn trong buổi lễ trao giải thưởng Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á.

Việc trong gia đình chị có đến 3 thế hệ theo đàn tranh là hết sức đáng quý, đáng trân trọng. Điều đó cũng cho thấy sức hút, sự lan tỏa của cây đàn tranh mà các thế hệ trong gia đình chị đã bảo ban, động viên nhau cùng giữ gìn và phát triển”.

Còn nghệ sĩ đàn tranh Ngọc Huyền (giảng viên Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) thì nhận xét: “Hiếm có gia đình nào có đến 3 thế hệ theo đàn tranh, bởi theo đàn tranh nói riêng và đàn dân tộc nói chung không thể bắt ép được.

Tất cả phải đến từ sự tự nguyện, sự thẩm thấu trong bản thân mỗi người. Chúng tôi luôn tự hào khi nhắc về 3 thế hệ nghệ sĩ Thúy Hoan - Hải Phượng - Hải Minh, nhất là vừa qua 2 mẹ con nghệ sĩ Hải Phượng được tôn vinh trong lễ trao giải thưởng/ học bổng Trần Văn Khê.

Đó như một minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của 2 mẹ con nghệ sĩ Hải Phượng để nối tiếp sự nghiệp của GS Trần Văn Khê – người thầy lớn của âm nhạc dân tộc nước nhà”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.