Một dạng tội phạm công nghệ cao khó trị

Một dạng tội phạm công nghệ cao khó trị

(GD&TĐ) - Thời gian gần đây, cơ quan chức năng Việt Nam thỉnh thoảng lại nhận được tin báo của một số doanh nhân người Đài Loan, Trung Quốc báo tin có người gọi điện thoại hù dọa mơi họ nộp tiền vào tài khoản lạ thì mới được yên thân. Thực ra, đây là biến thái của một loại tội phạm công nghệ cao, có yếu tố nước ngoài mà cơ quan Công an Việt Nam đã từng bóc gỡ nhiều chuyên án lớn. Tuy nhiên, do pháp luật còn nhiều bất cập nên việc xử lý loại tội phạm này chưa được nghiêm minh và có biểu hiện nhờn thuốc. Tôi đã có dịp tìm hiểu về loại tội phạm sử dụng công nghệ cao khó trị này.

Một cuộc vây bắt

Còn nhớ vào một ngày trước kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII đến Bình Dương công tác, tôi bấm điện thoại cho Đại Tá Lê Ngọc Hữu, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương mới hay ông đang chỉ huy các lực lượng tiến hành một cuộc vây bắt tội phạm qui mô lớn. Thông tin sốt dẻo ấy khiến tôi kiên nhẫn đợi ông từ sáng cho đến tận giữa trưa. Khi đoàn xe đi bắt tội phạm trở về, Đại tá Hữu nở một nụ cười tươi, tôi đoán chắc cuộc vây bắt tội phạm hẳn đã thành công mỹ mãn?

Cảnh sát bảo vệ áp gải nhóm tội phạm công nghệ cao ở Bình Dương về nhà tạm giữ
Cảnh sát bảo vệ áp gải nhóm tội phạm công nghệ cao ở Bình Dương về nhà tạm giữ

Cũng chẳng vội đi ăn dù đã quá bữa, một cuộc họp chớp nhoáng diễn ra ngay tại phòng khách. Cứ như những gì tôi nghe được thì nhóm tội phạm bị vây bắt là những người đến từ Trung Quốc, Đài Loan. Chúng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chính người dân sinh sống ở Trung Quốc, Đài Loan. Để ẩn mình, thực hiện các hành vi lừa đảo, chúng nhập cảnh vào Việt Nam, thuê nhà trú ngụ ở làng chuyên gia The Oassia I, III thuộc phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đây là khu vực ít bị để ý, bởi đã là làng chuyên gia thì hầu như ai cũng nghĩ rằng đó là nơi ở dành cho các chuyên gia tri thức đầy mình, áo quần bảnh bao và sạch sẽ! Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Bảo vệ Chính trị IV, Bộ Công an đã phát hiện những “tín hiệu” của tội phạm sử dụng công nghệ cao trên đất Bình Dương và phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương tiến hành vây bắt, triệt phá.

Cuộc vây bắt, khám xét diễn ra từ lúc 9 giờ sáng ngày 21/4/2011 cho đến tận đêm khuya mới kết thúc. Hơn 100 CBCS được chia thành bốn nhóm đồng loạt tiến công vào các tụ điểm nghi vấn. Nhóm tội phạm này tỏ ra khá chuyên nghiệp, thủ đoạn tinh vi. Chúng không tụ tập một chỗ mà thuê nhiều ngôi nhà vị trí khác nhau, phân chia thành 4 nhóm chính. Tuy nhiên, tất cả các tụ điểm, ngôi nhà mà chúng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội đều đã bị các trinh sát Công an tỉnh Bình Dương và lực lượng bảo vệ chính trị IV, Bộ Công an phối hợp phát hiện, lên sơ đồ tấn công một cách chuẩn xác. Lực lượng công an đã bắt được 27 đối tượng gồm 15 người Đài Loan và 12 người Trung Quốc và thu gom nhiều tang vật.

Nhưng đại diện một số tổ công tác vẫn còn tỏ ra lo lắng báo cáo, khi xông vào một số ngôi nhà trong làng chuyên gia, các đối tượng có thể thấy động đã bỏ trốn, chỉ còn lại tang vật ngổn ngang. Như vậy, nhiều khả năng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao này đã không bị “nhỏ cỏ tận gốc”. Nhận định như vậy nên Đại tá Lê Ngọc Hữu phát lệnh ngay, các tổ công tác tiếp tục truy tìm những tên tội phạm còn đang lẩn trốn. Do công an các đơn vị, địa phương khác đang có kế hoạch tấn công các nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao tương tự nên cấm ai được thông tin cho báo chí, tránh “giứt dây động rừng”. Nếu thông tin bị lộ ra ngoài sẽ bị điều tra xử lý.

Kiểm tra đối tượng
Kiểm tra đối tượng

Điệp khúc bắt rồi lại thả

Rồi kể từ đó đến nay, Cục bảo vệ Chính trị IV, Bộ Công an phối hợp với một số công an các tỉnh, thành phía Nam đã phá thêm nhiều tụ điểm tội phạm sử dụng công nghệ cao tương tự như ở làng chuyên gia tỉnh Bình Dương. Và vụ án tội phạm sử dụng công nghệ cao núp bóng làng chuyên gia The Oassia I, III ở Bình Dương cũng đã kết thúc điều tra. Nhưng kết quả xử lý thì chao ôi là day dứt! Cũng như tất cả những chuyên án đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có yếu tố nước ngoài tương tự từ trước, vụ bắt 27 đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc phạm tội sử dụng công nghệ cao ở Bình Dương cuối cùng kết quả xử lý cũng chẳng đến đâu. Các đối tượng chỉ bị xử phạt hành chính rồi trục xuất ra khỏi lãnh thổ là chấm hết.

Thắc mắc tại sao lại thế, Đại tá Nguyễn Văn Đăng, Phó cục trưởng Cục bảo vệ chính trị IV (phía Nam), Bộ Công an giãi bày, sở dĩ không xử lý hình sự được là do Bộ luật Hình sự không có điều luật nào qui định xử lý dạng tội phạm mới này. Các nhà làm luật dù trí tuệ có phong phú đến mấy cũng khó tưởng tượng ra được thực tiễn tội phạm nảy sinh lại có dạng chúng là người nước ngoài sang Việt Nam rồi sử dụng công nghệ cao lừa đảo người của chính nước họ-bên nước họ. Bị hại không ở Việt Nam thì không thể thu thập đầy đủ chứng cứ và xử lý theo pháp luật hình sự nước ta được. Do pháp luật sơ hở dẫn đến một số ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao bị truy quét ở nước ngoài đã tìm đến Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền trong làm nơi trú ẩn và tiếp tục thực hiện các hành vi lừa đảo xuyên biên giới.

Tìm hiểu phương thức thủ đoạn của nhóm tội phạm người Trung Quốc, Đài Loan lợi dụng địa bàn Việt Nam sử dụng công nghệ cao tiến hành lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mới vỡ lẽ, ngay ở Trung Quốc, Đài Loan cũng có một bộ phận dân chúng dễ nhẹ dạ cả tin đến khó tưởng tượng. Chẳng biết các nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao từng lừa những ai, chiếm đoạt bao nhiêu tiền của nhưng cứ xem cái cách lừa đảo quá đỗi giản đơn của bọn tội phạm mà nhiều người vẫn sập bẫy mà thấy chuyện thật như bịa. Cố nhiên, để thực hiện trót lọt các phi vụ lừa đảo, cũng phải thừa nhận bọn tội phạm có một sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng và công phu, từ kịch bản cho tới công nghệ.

Tang vật một vụ án tội phạm sử dụng công nghệ cao
Tang vật một vụ án tội phạm sử dụng công nghệ cao

Đầu tiên chúng thuê đường truyền Internet băng thông rộng, tốc độ cao của các nhà cung cấp dịch vụ như VNPT, FPT, Viettel sau đó kết nối với hệ thống liên lạc quốc tế. Khi thực hiện hành vi lừa đảo chúng chia thành nhiều nhóm nhỏ, độc lập với nhau do người Đài Loan đứng đầu chỉ đạo. Chúng sử dụng hàng trăm điện thoại di động và cố định để liên lạc với “con mồi”. Tùy từng “con mồi” mà chúng săn được thông tin, chúng sẽ gọi điện đến với danh nghĩa là người của cơ quan công an, tòa án, kiểm sát của nước nơi nạn nhân đang sinh sống để hù dọa, buộc nạn nhân làm theo hướng dẫn của chúng, cuối cùng là chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan công an, kiểm sát, tòa án “ma” do chúng lập ra.

Chẳng hạn, chúng giả danh công an gọi điện cho nạn nhân thống báo, có người giả danh chứng minh thư của bạn đăng ký số điện thoại khác gọi điện đi quốc tế với số tiền nợ cước hiện đang rất lớn. Để tránh bị trừ tiền ở tài khoản khi chưa rõ vụ việc, bạn hãy rút tiền hay chuyển khoản cho chúng tôi để bảo đảm an toàn. Thế là nhiều người hốt hoảng mất khôn, chuyển khoản ngay vào tài khoản do chúng lập ra mà không hề nghi ngờ gì. Để tạo độ tin cậy khi gọi điện, nhóm tội phạm còn cố tình tạo ra âm thanh giả như tiếng bộ đàm, bàn phím máy vi tính, tiếng chuyện trò bàn công việc… cho phù hợp với môi trường làm việc ở trụ sở cơ quan công an…

Theo Đại tá Nguyễn Văn Đăng, chỉ tính trong 3 năm gần đây, lực lượng công an ở các tỉnh phía Nam đã triệt phá khoảng 15 tụ điểm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao lừa đảo bị hại ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tuy chưa phát hiện đối tượng hoặc nạn nhân là người Việt Nam song rõ ràng hành vi vi phạm trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ANTT của đất nước. Do vậy, trong thời gian tới nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, có thể loại tội phạm này sẽ phát triển leo thang lên một mức độ mới là chúng sử dụng địa bàn Việt Nam để lừa đảo chính người dân sinh sống, làm việc ở Việt Nam. Bởi trên thực tế, thời gian gần đây có một số doanh nhân là người Đài Loan làm ăn ở Việt Nam đã báo cáo cơ quan chức năng về hiện tượng có người lạ liên lạc, hù dọa… giống như thủ đoạn lừa đảo của nhóm tội phạm người Đài Loan, Trung Quốc bị bắt ở Bình Dương như đã nêu trên.

Lâm Bách

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ