Liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, tài liệu của báo GD&TĐ cho thấy hầu hết danh mục hàng hóa nhập khẩu trong các hợp đồng vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm tại các bệnh viện (Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Cần Thơ, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh) khi nhận hàng hóa đều không có đầy đủ các tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu.
Cũng theo tài liệu này, 7/13 Viện, Bệnh viện thuộc Bộ Y tế sử dụng hàng dùng nghiên cứu khoa học (RUO), dùng trong phòng thí nghiệm (LUO) trong lĩnh vực y tế không đúng mục đích sử dụng hàng nhập khẩu theo hướng dẫn của Bộ Y tế (chỉ được sử dụng cho nghiên cứu, thí nghiệm, không được sử dụng trong lĩnh vực y tế).
Sau khi Thanh tra Chính phủ gửi dự thảo Kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế có văn bản khẳng định trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, sinh phẩm RUO, LUO được sử dụng chẩn đoán vi rút SARS-CoV-2 theo khuyến cáo, tiêu chí của WHO và US.CDC (sử dụng trong lĩnh vực y tế), đảm bảo chất lượng xét nghiệm.
Theo cơ quan chức năng, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trong khẳng định về chuyên môn, tuy nhiên, Bộ Y tế đã không kịp thời điều chỉnh quy định, hướng dẫn cụ thể việc quản lý cấp phép nhập khấu hàng RUO, LUO.
Điều này dẫn đến việc thực hiện của đơn vị sử dụng và doanh nghiệp nhập khẩu hàng RUO, LUO không đúng với các văn bản Bộ Y tế đã ban hành trước đó gửi Tổng cục Hải quan và hướng dẫn doanh nghiệp về quản lý, sử dụng hàng RUO, LUO nhập khẩu, trách nhiệm thuộc Bộ Y tế.
Theo tài liệu mà Báo GD&TĐ có được, quá trình Bệnh viện Trung ương Cần Thơ thực hiện mua sắm thiết bị y tế có một số dấu hiệu bất thường, trong đó có 2 gói thầu (gói thầu số 7 mua 1 hệ thống ECMO, giá trị hơn 3,4 tỷ đồng và gói thầu số 18 mua 2 máy điện tim giá trị 125 triệu đồng) vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Sau khi Thanh tra Chính phủ gửi dự thảo Kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và Bệnh viện Trung ương Cần Thơ có văn bản báo cáo giải trình, bổ sung thông tin đối với gói thầu số 7.
Bộ Y tế và Bệnh viện Trung ương Cần Thơ cho biết do nhà thầu không nhập khẩu được phụ kiện theo đúng xuất xứ của hợp đồng đã ký, theo yêu cầu của bệnh viện, nhà thầu đã khắc phục nhận lại máy và hoàn trả toàn bộ số tiền được thanh toán theo hợp đồng, bệnh viện đã nộp vào Ngân sách Nhà nước số tiền hơn 3,4 tỷ đồng,
Với việc mượn hàng hóa, mua sắm của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2020-2021, tài liệu cho thấy có dấu hiệu vi phạm Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trong số này có một số doanh nghiệp cho Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh mượn hàng hóa, nhập khẩu hàng RUO, LUO (gồm Công ty TNHH TBYT Phương Đông, Công ty TNHH Phát Men khoa học Vỉtech, Công ty TNHH Roche Việt Nam, Công ty TNHH Phát triển Khoa học Sự sống).
Tài liệu của Báo GD&TĐ cũng cho thấy, cơ quan chức năng xác định Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc trúng nhiều gói thầu của các bệnh viện thuộc Bộ Y tế với quy mô và giá trị lớn.
Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, công ty này không trực tiếp mua từ đơn vị nhập khẩu hoặc đơn vị ủy quyền mà mua qua nhiều đơn vị trung gian để cung cấp cho các bệnh viện, dẫn đến giá thiết bị y tế bị nâng cao gấp khoảng từ 2 đến 3,1 lần đơn giá nhập khẩu sau thuế và có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để nâng giá bán cao bất thường.
Từ những kết quả trên, cơ quan chức năng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thông tin sang Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định việc mượn hàng hóa, mua sắm của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2020-2022 và việc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc mua bán thiết bị y tế qua nhiều trung gian, làm tăng giá thiết bị y tế khi bán cho các bệnh viện, có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để nâng giá bán cao bất thường.