Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. |
Có lẽ hầu hết những người làm nông nghiệp đều biết nhiều giống cây trồng, vật nuôi hiện có ở đất nước này mang dấu ấn của bác Nguyễn Công Tạn.
Giống cây trồng có lúa, mía đường, khoai lang, cỏ VA06 làm thức ăn chăn nuôi, mắc ca, cam, quýt, chè... Giống vật nuôi có đà điểu, ngan Pháp, bồ câu Pháp, gà Tam Hoàng, Lương Phượng, gà Ai Cập…
Một phần xuất phát từ đam mê, nhưng một phần là trí tuệ. Có những người đam mê, say sưa làm nông nghiệp, nhưng là Bộ trưởng, một nhà nông học, người hiểu biết về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, cơ sở khoa học để những cây gì, con gì phát triển phù hợp với vùng nào ở Việt Nam như bác Tạn thì không nhiều.
Chẳng thế mà tự ông Bộ trưởng tay ôm vài chục quả trứng gà Ai Cập đúng như các cụ nói “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” hàng ngàn cây số qua nhiều đường bay, qua mấy cửa hải quan sân bay để mang về, khởi đầu cho những dòng gà Ai Cập phổ biến hiện nay.
Bao thế hệ những người làm nông nghiệp vẫn thường nói vui rằng: Bác Tạn là người hay xin nhưng không bao giờ lấy gì cho riêng mình. Nhiều người vẫn luôn nhớ câu nói của bác Tạn mỗi khi đặt vấn đề với một ai đó thế này: Tôi xin cho nông dân, lấy mang về cho nông dân.
Và ấn tượng về công lao của bác Nguyễn Công Tạn với ngành Nông nghiệp Việt Nam có lẽ chính là việc du nhập, trực tiếp chỉ đạo quyết liệt để phát triển con đà điểu và cây mắc ca tạo thành hai lĩnh vực mới trong ngành Nông nghiệp.
Đó là năm 1995, trong một lần đi công tác ở Australia, bác Tạn nhờ chị Dung (tham tán Việt Nam bên ấy) xin hộ 2 quả trứng đà điểu về ấp thử. Sau khi mang về được Việt Nam, chính bác giao cho Viện Chăn nuôi ấp thử nhưng vì lĩnh vực mới mẻ quá nên Viện giao lại cho Vườn Bách thú Hà Nội và ấp thành công.
Nhận thấy nuôi đà điểu đã được phát triển ở một số nước có thể là hướng phát triển mới của ngành Chăn nuôi, bác Tạn lấy danh nghĩa cá nhân chứ không phải Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khi đó để xin Công ty mía đường Nghệ An Tate&Lyle 100 quả trứng đà điểu (thời điểm đó 100 quả trả trứng này có giá tương đương 35.000 USD) giao cho Viện Chăn nuôi để nghiên cứu ấp nở và nhân giống.
Đó chính là cột mốc đánh dấu đà điểu trở thành ngành sản xuất hàng hóa mới của Việt Nam, sau này xuất ngược sang các nước Nam Phi, Trung Quốc…
Tương tự là cây mắc ca. Mặc dù trước đây, một số cán bộ khoa học trong ngành lâm nghiệp từng du nhập về trồng thử gần 10 cây ở Ba Vì, nhưng không có dấu ấn nghiên cứu cụ thể để phát triển.
Năm 2002, sau khi nghiên cứu các tài liệu liên quan, bác Tạn nhờ một người bạn ở Australia nhập về khoảng 10.000 cây trồng thử. Đến năm 2003, lại một người bạn nữa ở bên ấy tặng 100 cây mắc ca đầu dòng.
Sau hơn 10 năm trồng thử nghiệm, phát triển đến nay loài cây này đang được trồng với diện tích khá lớn ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc…
Hai loài cây, con mới được phát triển ở nước ta trong 2 thập kỷ qua đã trở thành một đối tượng mới trong cơ cấu nền nông nghiệp nước nhà, là một thành quả khoa học sinh học phát triển tính đa dạng sinh học của Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống nông dân.
Đây là công lao đóng góp rất lớn của một nhà nông học và tin tưởng rằng lịch sử ngành Nông nghiệp nước nhà sẽ ghi nhận những công lao đó của bác Tạn.
“Khoa học luôn phải đi tắt đón đầu”, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn vẫn thường tâm sự trong các buổi nói chuyện với các nhà khoa học như thế. "Làm ngành nông nghiệp, có khi một đời người chỉ nghiên cứu thành công được một giống tốt thôi đã là quý lắm rồi. Huống chi đất nước mình còn khó khăn, năng lực trình độ còn hạn chế, cơ chế, chính sách còn thiếu để phục vụ công tác nghiên cứu nên du nhập những giống người ta đã nghiên cứu, rồi cho khảo nghiệm, nếu phù hợp thì nhân rộng cũng là cách tốt".
Không phải giống nào du nhập về cũng thành công, những lúc thất bại, ông Tạn thường động viên cán bộ và xác định quan điểm: Đưa 10 mà được 1-2 là tốt lắm rồi. Vì vậy, ông Tạn luôn mong muốn đối với lĩnh vực khoa học, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng là sinh vật, rủi ro rất cao, muốn đi nhanh thì Nhà nước phải có “quỹ đầu tư mạo hiểm” để khuyến khích các nhà khoa học mạnh dạn, hăng say hơn nữa và khuyến khích đầu tư tư nhân vào nghiên cứu khoa học. Nhưng rất tiếc do nguồn lực còn hạn chế và do còn có ý kiến khác nhau nên hiện nay chưa làm được. Cái chính là thực tiễn nhằm đi tắt đón đầu áp dụng các thành tựu khoa học nhanh mà ít tốn kém thời gian, kinh phí của Nhà nước. Làm nông nghiệp mà chỉ lý thuyết suông thì vứt. Ý chí ấy, tâm huyết ấy của người lãnh đạo thật hiếm có.
Không chỉ dùng những mối quan hệ cá nhân, mối quan hệ bạn bè, những người quý mến mình, ông Nguyễn Công Tạn thường xuyên vận động anh em trong cơ quan đi công tác nước ngoài hễ thấy những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp thì cố gắng tìm cách mang về khảo nghiệm.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn có một số người bạn làm lãnh đạo, nhà khoa học trong ngành Nông nghiệp ở nước ngoài, hoặc không làm nông nghiệp nhưng nếu ông tin tưởng và có khả năng lấy được giống tốt, tài liệu khoa học là ông đều nhờ gửi cho bằng được bất cứ giống cây trồng, vật nuôi nào mới, có khả năng phù hợp với Việt Nam. Đương nhiên họ phải bỏ chi phí để đưa giống về Việt Nam và chi phí đó không nhỏ... Có khi chỉ là một nhánh chè ô long, một ít hạt giống bố mẹ được giấu kín kẽ dưới đáy một chiếc va ly.
Ông Nguyễn Công Tạn là người phụng sự ngành Nông nghiệp cả cuộc đời một cách say sưa. Những năm 1995, thời điểm Trung Quốc hằng năm gieo cấy hàng chục triệu ha lúa lai rồi nhưng với Việt Nam đây là công nghệ sản xuất hoàn toàn mới mẻ; tuy nhiên cũng có một số ý kiến trong nước cho rằng các giống lúa lai chỉ cấy để làm thức ăn cho gia súc.
Chính ông Tạn là người quyết tâm đưa công nghệ sản xuất hạt lúa lai bố mẹ vào sản xuất, hướng tới nâng cao năng suất và từng bước mở rộng sản xuất lúa lai với chất lượng cao hơn, rút bớt một phần diện tích đất trồng lúa sang làm cây, con khác và hướng đến một ngành Nông nghiệp xuất khẩu. Người viết không bao giờ quên cảnh một Bộ trưởng cứ hết giờ làm việc ở cơ quan lại phóng xe xuống một xã ở Hà Tây cũ để xem thử cây lúa lai sinh trưởng thế nào. Ông đi tới 18 lần trong một vụ. Đi mà không hề thông báo, lãnh đạo xã, huyện khi biết tin cứ nằng nặc mời vào trụ sở nhưng ông đều từ chối.
Trong một lần đi làm việc ở Cửa khẩu Bình Liêu (Quảng Ninh), thấy người dân vùng biên này nói họ nhập giống nhãn ngon từ Trung Quốc, ông Tạn đã mua hơn chục cây và giao trực tiếp cho ông Trần Thế Tục là Viện trưởng Viện Rau quả đi cùng mang về Viện trồng khảo nghiệm. Một lần khác, đến Bến Tre, nghe cán bộ Sở NN&PTNT báo cáo về việc tỉnh đang trồng thử một số giống mía mới, ông nói anh em dẫn đi xem, nhưng do khoảng cách xa, đường xấu xe không vào được nên ông đã tự đi xe ôm một mình vào thăm. Từ những chuyện rất nhỏ như thế để thấy rằng ông Nguyễn Công Tạn say sưa với nông nghiệp thế nào. Sau này, khi lên làm Phó Thủ tướng Chính phủ, chính ông là người xác định: Thủy sản là khâu đột phá của ngành Nông nghiệp ở thế kỷ 21. Một câu nói của ông mà nhiều người công tác trong lĩnh vực thủy sản nhớ mãi là “hãy bắt chim đậu, đừng bắt chim bay”. Đại ý rằng, với thủy sản thì nuôi trồng, nhất là nuôi ở biển, chính là chiến lược chứ không phải riêng đánh bắt xa bờ.
Sự say mê ấy có sức lan tỏa đến rất nhiều người khi làm việc, tiếp xúc với ông Nguyễn Công Tạn. Có một câu chuyện vui về một người Italy từng rút 5.000 USD đưa thẳng cho một đơn vị trong ngành Nông nghiệp khi nghe ông Tạn nói về chuyện nuôi tằm quá hay. Và cũng chính niềm đam mê đã thấm vào máu nên ông quan niệm rằng: Không đam mê, không quyết tâm thử thì đừng làm nông nghiệp. Còn nhớ, thời kỳ du nhập các giống mía đường ROC của Đài Loan từ Trung Quốc về, khi giao cho một DNNN làm, Giám đốc DN ấy kêu khó khăn, sợ thất bại, xin thêm cơ chế này cơ chế nọ. Lập tức giống mía được giao cho Nông trường Đồng Giao. Sự việc khiến sau này ông Minh, nguyên Giám đốc nông trường Đồng Giao có nói một câu nổi tiếng trong nhiều cuộc họp: Một đời tôi làm nông nghiệp, từ nhân viên cho đến lãnh đạo đến khi nghỉ nhưng thu nhập không bằng một năm làm mía giống lúc tôi đã nghỉ hưu.
Sau khi đã nghỉ hưu, ông Nguyễn Công Tạn tự tuyển chọn thành công giống lúa RVT chất lượng cao, được gieo trồng ở nhiều địa phương và đã được Bộ NN&PTNT công nhận và một công ty giống cây trồng mua bản quyền.
Chỉ mới đầu năm nay, ông còn nhờ tôi cung cấp số liệu của ngành tài nguyên về khí tượng, thủy văn, về diện tích đất trống đồi trọc từng vùng trong cả nước để có thể lựa chọn một số loại cây đưa vào phát triển phù hợp ở từng vùng và để viết sách.
Nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Công Tạn đã từ trần ngày 1/11 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, hưởng thọ 79 tuổi. |