Ngay sau khi ông chủ của Khaisilk thừa nhận đã bán khăn lụa Trung Quốc với tỷ lệ trộn hàng là 50 - 50, chiều 26/10, Đội Quản lý thị trường 14 Hà Nội phối hợp với Công an Hà Nội gồm PC 16, PC 49... và các lực lượng chức năng đã xuống kiểm tra cửa hàng mang thương hiệu Khaisilk tại số 113 Hàng Gai.
Cửa hàng đã đóng cửa để phục vụ việc kiểm tra. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, thu giữ 52 mẫu sản phẩm khác nhau gồm: khăn, quần áo, caravat…với tổng trị giá trên 30 triệu đồng.
Văn bản hỏa tốc của Bộ Công thương yêu cầu kiểm tra hàng hóa liên quan đến cửa hàng Khaisilk. |
Liên quan đến vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng việc ông Hoàng Khải, chủ nhân chuỗi cửa hàng lụa tơ tằm Khải Silk bị khách hàng tố nhập lụa Trung Quốc cắt mác “Made in China” và gắn mác “Made in Viet Nam” để bán có dấu hiệu vi phạm luật hình sự.
Sáng 27/10, trả lời PV GD&TĐ, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Tôi cũng đã biết được thông tin trên qua báo chí mấy ngày vừa qua. Hiện tại Hội Bảo vệ Người tiêu dùng chưa nhận được bất cứ đơn thư đề nghị gì từ phía người tiêu dùng gửi đến phản ánh về vụ việc này nên Hội chưa lên tiếng. Thêm vào đó, cơ quan chức năng, mà cụ thể là Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo xử lý rồi”.
Ở góc độ cá nhân, ông Hùng cho rằng hành vi nhập lụa Trung Quốc rồi nói là lụa Việt Nam để bán cho khách hàng của Khaisilk là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật rồi nên cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ cơ sở để xử lý.
“Còn mức độ xử lý như thế nào thì cần phải căn cứ vào chứng cứ, vào các điều khoản đã quy định rõ ràng trong luật. Đây cũng là bài học đắt giá cho các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Xây dựng thương hiệu thì khó và lâu nhưng để đánh mất đi thương hiệu, sụp đổ thương hiệu thì chỉ cần ngày một ngày hai mà thôi” – ông Hùng khẳng định.
Luật sư Lê Minh Hải - Văn phòng Luật sư Royal (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng:
“Hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp được xem là hành vi bị cấm theo quy định luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cơ quan chức năng xác minh thông tin Khaisilk thay đổi nhãn mác khăn lụa từ "Made in China" sang "Khaisilk made in Vietnam". |
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự cũng có điều khoản quy định về điều này, cụ thể là tại Điều 162. Theo đó, người nào trong việc bán mà đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khách gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Đối với trường hợp tập đoàn Khải Silk có thể thấy đã có dấu hiệu vi phạm quy định nêu trên khi gắn thương hiệu (Khaisilk - made in Việt Nam) của mình lên các sản phẩm hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, làm người tiêu dùng lầm tưởng sản phẩm đó do Khải Silk sản xuất và có nguồn gốc, xuất xứ từ Việt Nam.
Để có cơ sở xem xét trách nhiệm về hành vi lừa dối khách hàng người tiêu dùng cần chứng minh việc mua các sản phẩm của Khải Silk gây thiệt hại nghiêm trọng cho mình”.
Trước đó, một doanh nghiệp cho biết đã mua quà tặng là 60 chiếc khăn lụa của Khaisilk tại một cửa hàng ở Hà Nội.
Sau khi nhận hàng, doanh nghiệp này phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung "Khaisilk Made in Vietnam" còn một nhãn nữa với nội dung "Made in China".
Kiểm tra 59 chiếc còn lại thì "có dấu hiệu cắt mác cùng dòng chữ "Made in China". Sau khi nhận được phản ảnh của khách hàng, đại diện nơi bán trên của Khaisilk khẳng định chất liệu khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm.
Giải thích chuyện mác Made in China, người này cho biết do có sự nhầm lẫn vào kho của một đơn hàng cho khách ở Hong Kong, và việc gắn nhãn "Made in China" là do yêu cầu của khách hàng đó.