(GD&TĐ) - Vừa qua, Báo Giáo dục và Thời đại liên tiếp nhận được khiếu nại của bà Lê Thị Hường trú tại số nhà 69, đường An Dương Vương (phường An Đông, Tp Huế, Thừa Thiên Huế), về kết luận của bản án dân sự phúc thẩm số 03/2008/HNGD-PT ngày 09/6/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xử cho ông Nguyễn Đức Cư (tạm trú tại 217, Trần Phú, phường Trường An, thành phố Huế) hưởng một nửa giá trị tài sản- ngôi nhà và đất thuộc quyền sở hữu của bà. Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc xác minh sự việc và phát hiện có nhiều tình tiết mới xung quanh vụ án dân sự này.
Khiếu kiện kéo dài vì đâu?
Ông Nguyễn Đức Cư và bà Lê Thị Hường ( nguyên đơn) chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1990, không đăng ký kết hôn theo quy định là vi phạm Luật hôn nhân và gia đình, nên khi xét xử Tòa án đã không công nhận ông Cư và bà Hường là vợ chồng hợp pháp. Tuy nhiên, trong khoảng 12 năm chung sống, hai người đã có 3 con chung, đều chưa đến tuổi thành niên. Theo ý muốn của 3 người con đều muốn được sống cùng mẹ và hai người đã thỏa thuận giao cho bà Hường nuôi dưỡng. Về phần tiền cấp dưỡng nuôi con, Toà án phúc thẩm đã phán quyết, ông Nguyễn Đức Cư phải cấp tiền cấp dưỡng cho 3 cháu mỗi tháng 750 ngàn đồng (250 ngàn đồng mỗi cháu) thời gian kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật cho đến khi các cháu tròn 18 tuổi. Tuy vậy, theo phản ánh của bà Lê Thị Hường thì từ ngày 9/6/2008 đến nay 3 người con chưa hề nhận được một khoản tiền cấp dưỡng nào từ người cha. Với thu nhập ít ỏi từ nghề uốn tóc, một mình bà gặp rất khó khăn khi phải chăm sóc và nuôi 3 người con ăn học.
(ảnh minh họa: Internet) |
Sau khi Tòa án phúc thẩm phân đôi mỗi người hưởng 50% tổng giá trị tài sản (nhà và đất), ông Nguyễn Đức Cư đã nhanh chóng làm hồ sơ chuyển nhượng cho một người khác. Bức xúc việc các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Đức Cư khi đang trong thời gian kháng cáo lên Toà án nhân dân tối cao và có tranh chấp; sau đó, bà Lê Thị Hường đã chiếm dụng phần nhà và đất này. Buộc UBND thành phố Huế ban hành quyết định số 5769/ QĐ-CC ngày 13/9/2011 áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc bà trả lại nhà ở cho chủ sở hữu hợp pháp. Tuy nhiên, đến tại thời điểm này việc tổ chức cưỡng chế thi hành các quyết định vẫn chưa thể thực hiện được do bà Hường đã đưa ra một số chứng cứ bất hợp pháp trong quá trình thụ lý hồ sơ, giải quyết vụ việc của cơ quan chức năng. Bà Lê Thị Hường cho biết, trong nhiều năm qua, tôi luôn thắc mắc một điều là tại sao ông Nguyễn Thế Toại, Phó Trưởng ban Tư pháp (UBND thành phố Huế) và ông Nguyễn Tô Hoài, Chủ tịch UBND phường An Đông ký và cấp bản sao chứng thực từ bản chính Đơn xin bán nhà và Giấy thỏa thuận mua và bán nhà khi có dấu hiệu không còn giá trị pháp lý. Và đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng hay cấp chính quyền nào trả lời cho tôi được rõ về vấn đề này.
Những chứng cứ cần được làm rõ
Theo đơn bà Lê Thị Hường phản ánh thì việc tòa án hai cấp (cấp thành phố và tỉnh) Thừa Thiên Huế đã không giám định chứng cứ để xác định việc làm gian dối của nguyên đơn là ông Nguyễn Đức Cư nhằm lấy tài sản riêng của bà có trước khi quan hệ hôn nhân bất hợp pháp với ông. Việc chia tài sản là áp đặt không đủ cơ sở pháp lý vì Tòa chỉ dựa vào những chứng cứ bất hợp pháp trong hồ sơ mua bán nhà và đất của bà.
Cùng phản ánh về trường hợp của bà, Báo Thừa Thiên Huế ra số 5094 ngày 21/4/2011 đã nêu ra những vấn đề chưa được tòa án nhân dân hai cấp làm rõ: “Lật lại hồ sơ vụ án, chúng tôi không khỏi băn khoăn về những căn cứ hợp pháp do bà Lê Thị Hường đặt ra vẫn chưa được TAND hai cấp làm rõ, xem xét đầy đủ và toàn diện một cách khách quan…”. Trong đơn bà có phản ánh rằng, cuối năm 2001, khi được bà nhờ làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông Nguyễn Đức Cư đã điền thêm tên ông vào giấy thoả thuận mua và bán nhà, đất giữa bà với ông Nguyễn Đình Thanh, bà Hoàng Thị Lài. Tình tiết này, bài báo cũng đã nêu: “Điều này phù hợp với việc ông Lê Văn Tuyển, Chủ tịch UBND xã Thủy An (nay là phường An Đông) xác nhận trong giấy thỏa thuận về phía người mua chỉ có bà. Mặt khác, TAND các cấp chỉ dựa vào lời khai của ông Nguyễn Đức Cư để cho rằng, công sức đóng góp mỗi bên ngang nhau là không có cơ sở…Ngoài ra, tất cả các giấy tờ khác (hộ khẩu thường trú, giấy chứng nhận số nhà, thông báo nộp thuế nhà đất, hồ sơ kỹ thuật thửa đất) đều đứng tên bà. Lại nữa, mặc dù bà Lê Thị Hường luôn yêu cầu thẩm phán các cấp trưng cầu giám định giấy thỏa thuận mua và bán nhà nhưng không được thẩm phán các cơ quan này chấp nhận là không đúng theo quy định của pháp luật”.
Công tác giám định đã có kết quả
Sau khi nghiên cứu đơn của bà Lê Thị Hường và các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, ngày 21/6/2011, Tòa án nhân dân tối cao đã gửi văn bản số 142/HNGD-LĐ trả lời bà, trong đó có nội dung: “…việc bà cho rằng căn nhà tại 69 An Dương Vương (mua của ông Thanh, bà Lài) là tài sản riêng của bà nên bà yêu cầu được hưởng 70% tổng giá trị tài sản, ông Cư được hưởng 30% tổng giá trị tài sản là không có căn cứ…”. Vì vậy, để có thêm căn cứ khẳng định quyền sở hữu tài sản của mình, bà Lê Thị Hường đã đề nghị và được Công ty Luật Hồng Hà (địa chỉ 114 Phan Kế Bính, quận Ba Đình, Hà Nội) nhận tư vấn pháp lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hường trong quá trình đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xét lại bản án dân sự phúc thẩm số 03/2008/ HNGD-PT ngày 09/6/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Để đảm bảo tính khách quan, chính xác của chứng cứ trong vụ án, ngày 15/8/2011, Công ty Luật Hồng Hà đã gửi công văn số 71/CV-HH.11 đến Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đề nghị được giám định chữ viết trong 2 văn bản (Đơn xin mua nhà, Giấy thỏa thuận mua và bán nhà ngày 18/12/1990). Kết quả giám định kết luận có nhiều nét chữ khác nhau trong hai văn bản đó và khác dạng với chữ viết phần nội dung.
Như vậy, việc nghi ngờ những chữ viết được viết vào sau khi thỏa thuận của bà Hường và bên mua được xác lập, là điểm rất cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan của vụ án. Đồng thời, cần kiểm tra, giải quyết việc ông Nguyễn Thế Toại, Phó Trưởng ban Tư pháp (UBND thành phố Huế) tiến hành chứng thực cấp bản sao Giấy thỏa thuận mua và bán nhà (vào ngày 20/9/2001) và UBND phường An Đông cũng đã cấp giấy chứng thực 2 văn bản nói trên, khi mà 2 văn bản này có dấu hiệu thêm bớt nội dung, trái với nội dung quy định tại khoản 2 thuộc điều 12, mục 2 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về việc cấp bản sao từ bản gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Cụ thể là trường hợp không được chứng thực bản sao từ bản chính khi bản chính đã bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt hoặc đã bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Tô Hoài, Chủ tịch UBND phường An Đông thừa nhận: “Với số lượng văn bản được yêu cầu chứng thực hằng ngày rất nhiều nên trong quá trình chứng thực cấp bản sao đã xảy ra nhiều sự sai sót”.
Với kết quả xác minh trên đây, rất mong các cơ quan chức năng tại thành phố Huế xem xét lại những việc làm tắc trách dẫn đến khiếu kiện; cũng như chú ý đến khía cạnh nhân văn trong quá trình giải quyết vụ việc, nhất là khi 3 người con của bà Hường đều chưa đủ tuổi trưởng thành, đang chịu hậu quả trực tiếp của một cuộc hôn nhân bất hợp pháp và thiếu vắng tình thương yêu, chăm sóc của người cha.
Trường Giang -Thanh Huế