Moscow quyết đi đầu với vũ khí không thể đối phó

GD&TĐ -Ngày 25/4, Chính phủ Nga tổ chức cuộc họp về chiến lược phát triển UAV và tác chiến điện tử (EW) với sự tham gia của Tổng thống Putin.

UAV hạng nặng Okhotnik của Nga.
UAV hạng nặng Okhotnik của Nga.

Vậy điều gì khiến Điện Kremlin dành sự tập trung đặc biệt vào công nghệ máy bay không người lái (UAV) và EW?

"Trong cuộc xung đột ở Ukraine, UAV đã được Nga triển khai rộng rãi với nhiều cách kết hợp khác nhau", Viktor Litvinenko, chuyên gia quân sự, Đại tá pháo binh và từng tham gia các hoạt động chiến đấu ở Afghanistan nói với Sputnik.

"Thứ nhất, chúng được sử dụng cho mục đích chiến thuật, cho mục đích trinh sát. Thứ hai, hầu hết UAV mạnh nhất được sử dụng cho các hoạt động tấn công. Và thứ ba, chúng được gọi là máy bay không người lái đa năng.

Và tôi muốn lưu ý rằng hướng tới sự phát triển của máy bay không người lái hiện là một trong những điều cơ bản. Tại sao? Bởi vì máy bay không người lái đã trở thành một phần của phương tiện hỏa lực trong chiến tranh hiện đại", Đại tá Viktor Litvinenko nói.

UAV và hệ thống máy bay không người lái bầy đàn

Theo Litvinenko, trước đây các quốc gia mạnh mẽ nhất trong việc phát triển máy bay không người lái là Mỹ, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng bây giờ Nga đã tạo ra một hệ thống máy bay không người lái tối tân với nhiều chủng loại khác nhau như Orlan-10, Orion-30... Cùng với đó là các máy bay không người lái hạng nặng hơn đã xuất hiện, chẳng hạn như Okhotnik-1.

Các UAV thú vị nhất là loại thực hiện được nhiều nhiệm vụ như trinh sát, chiến đấu, chỉ thị mục tiêu cho vũ khí khác tấn công...

Trong khi đó những loại máy bay không người lái như ZALA Lancet hay Geran-2 có thể tấn công trực tiếp một số mục tiêu đặc biệt như xe bọc thép chiến đấu hoặc nặng hơn như xe tăng, pháo tự hành, xe chiến đấu bộ binh và một số mục tiêu khác.

Và máy bay không người lái như Orlan-30 có thể tấn công các mục tiêu bao gồm cả những mục tiêu đang di chuyển, bằng vũ khí dẫn đường bằng laser có độ chính xác cao.

Chuyên gia Litvinenko cho biết, khi nói về chiến lược phát triển phương tiện không người lái trong chiến tranh hiện đại, người ta thường chú ý nhiều đến cái gọi là hệ thống bầy đàn.

Một hệ thống UAV bầy đàn bao gồm nhiều nền tảng bay không người lái được tích hợp với hệ thống nối mạng duy nhất do các nhà khai thác quản lý. Lý tưởng nhất là hệ thống cho phép các UAV hợp tác với nhau bằng cách sử dụng các giao thức tự chủ, điện toán, liên lạc và trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến.

Hệ thống này có thể được sử dụng cho cả trinh sát và tấn công, đồng thời tạo điều kiện cho khả năng sống sót đặc biệt. Trong khi các máy bay không người lái riêng lẻ có thể dễ dàng bị hạ gục thì cả đàn vẫn tồn tại.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các hệ thống bay không người lái vẫn cần có sự tham gia của người điều khiển. Đây chính là lý do Tổng thống Putin đã chủ trì cuộc họp về chiến lược phát triển UAV tối tân hơn được điều khiển hoàn toàn bằng AI.

Hệ thống tác chiến điện tử tối tân của Nga

Đồng thời với chiến lược đẩy mạnh sản xuất máy bay không người lái, Tổng thống Putin kêu gọi cải tiến các hệ thống tác chiến điện tử.

Đã có báo cáo nói rằng Rostec, một tập đoàn quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Nga, sẽ hoàn thành các cuộc thử nghiệm trong những tháng tới và bắt đầu sản xuất hàng loạt thế hệ UAV tác chiến điện tử (EW) và chiến đấu mới.

"Các hệ thống tác chiến điện tử đã được phát triển trong một thời gian dài", chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov nói với Sputnik.

Có thể nói, Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có các hệ thống tác chiến điện tử chuyên dụng nhằm vào một số thiết bị vô tuyến nhất định; vũ khí và ngòi nổ có độ chính xác cao; và các trạm giám sát điện tử cả trên không và trên mặt đất.

Hiện lực lượng vũ trang Nga có các hệ thống EW có thể liên lạc mục tiêu, bao gồm cả hệ thống liên lạc di động và Internet di động, các tổ hợp EW có thể nhắm mục tiêu các hệ thống vệ tinh để truyền dữ liệu, liên lạc, tình báo... Sự phát triển các tổ hợp này không bao giờ dừng lại ở Nga.

Leonkov giải thích rằng trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã phải đối mặt với rất nhiều loại máy bay không người lái đòi hỏi một số lượng tên lửa khổng lồ để bắn hạ chúng. Theo nhà phân tích quân sự, trong những tình huống đó, các hệ thống EW tỏ ra rất hữu ích.

Trước đó có thông tin cho rằng tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga đã phát triển một hệ thống tác chiến điện tử mới có khả năng chế áp các vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh bằng tín hiệu của nó, tức là khoảng 36.000km so với mực nước biển.

Được biết, hệ thống tác chiến điện tử mới sẽ không cho phép máy bay không người lái của Ukraine hoạt động ở tiền tuyến: nó sẽ hạ gục các UAV hoạt động ở tần số 2,4-5,8Hertz.

"Câu hỏi đơn giản là tổ hợp tác chiến điện tử sẽ hoạt động như thế nào để nó ảnh hưởng đến các vệ tinh chủ chốt riêng lẻ, cả quân sự và dân sự", Leonkov nói.

Ví dụ, đó là các vệ tinh viễn thám Trái đất, các vệ tinh cung cấp thông tin liên lạc di động và Internet ở định dạng 5G. Nếu các vệ tinh này hoạt động cho mục đích quân sự, chúng sẽ trở thành một vòng điều khiển tác chiến.

Khi đó tổ hợp tác chiến điện tử sẽ can thiệp vào đúng vi phạm chức năng của chúng khiến những tính năng đó của vệ tinh bị ngừng hoạt động.

Theo nhà phân tích quân sự, các tổ hợp tác chiến điện tử của Nga đã chứng minh hiệu quả của chúng trong các hoạt động chiến đấu khác nhau và sẽ được phát triển hơn nữa để cải thiện hiệu suất của chúng trong khu vực xung đột Ukraine.

"Một ví dụ điển hình là cuộc xung đột diễn ra ở Transcaucasia giữa Armenia và Azerbaijan diễn ra 44 ngày. Ngay khi tổ hợp EW Pole-21 xuất hiện ở đó, máy bay không người lái của đối phương, bao gồm cả đạn dược lảng vảng, không thể bay vào lãnh thổ của vùng này được nữa.

Tức là, ngay sau khi UAV vượt qua biên giới, liên lạc và kiểm soát đã bị mất với chúng, khiến chúng bị rơi hoặc đổi hướng bay.

Hiệu quả của các hệ thống EW Nga còn được biết đến nhiều trong cuộc chiến tại Syria, nơi được cho là đã khiến số lượng lớn tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, của châu Âu ngừng hoạt động khi tấn công vào Syria", Leonkov kết luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ