Mong ước xa xỉ của thiếu nhi nông thôn

GD&TĐ - Giữa lúc thiếu nhi thành phố được thỏa sức lựa chọn và hòa vào thế giới nghệ thuật chuyên nghiệp thì thiếu nhi nông thôn gần như 'đói' sân khấu.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Mỗi dịp Tết Thiếu nhi 1/6, các đơn vị nghệ thuật ở thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... thường “đua nhau” quảng bá chương trình nghệ thuật dành cho khán giả nhí. Xiếc có. Kịch có. Ca múa nhạc có. Múa rối có. Đơn vị tổ chức quy mô nhỏ thì đôi ba suất còn quy mô lớn có khi lên đến hàng chục suất diễn (khoảng 5 - 7 ngày và mỗi ngày 3 suất).

Có thể coi sân khấu là điểm đến tưng bừng, nhộn nhịp nhất cho thiếu nhi thành phố trong dịp này. Các em được tùy thích lựa chọn chương trình mình yêu thích. Thậm chí có em còn được thưởng thức nhiều suất diễn của nhiều loại hình nghệ thuật đến thuộc cả tiết mục, trò diễn.

Giữa lúc thiếu nhi thành phố được thỏa sức lựa chọn và hòa vào thế giới nghệ thuật chuyên nghiệp như thế thì thiếu nhi nông thôn gần như “đói” sân khấu. Dù rất mong muốn được thưởng thức một chương trình nghệ thuật, vở diễn do các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, song dường như đó chỉ là mong ước xa xỉ đối với các em.

Thường thường, các em chỉ có thể tham gia một số hoạt động văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức mà gần như khó có thể tiếp cận với những chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp như thưởng thức một vở kịch, tiết mục xiếc, múa rối hay...

Mấy năm về trước, khi đặt câu hỏi về nông thôn, vùng sâu, vùng xa biểu diễn dịp Tết Thiếu nhi với các nhà hát công lập Trung ương thì thường nhận được câu thở ngắn than dài rằng có bị “ảo tưởng” không khi họ chẳng thể bán vé nếu tổ chức biểu diễn ở nông thôn chứ chưa nói đến vùng sâu, vùng xa.

Nếu có đợt về biểu diễn chỉ là thực hiện theo kế hoạch biểu diễn từ kinh phí Nhà nước cấp trong năm cho đơn vị, song cũng rất ít ỏi chứ không thể phủ khắp các xã/làng/bản... Và tất nhiên, thời gian biểu diễn (nhất là những đơn vị nghệ thuật Trung ương) sẽ không bao giờ đúng dịp Tết Thiếu nhi mà thường là những ngày dài tháng rộng thư thả.

Thực tế này cũng có thể chia sẻ vì các nhà hát phải nhọc nhằn lo chuyện cơm áo gạo tiền thì đương nhiên cần tập trung dành quân số, sức lực cho các thời điểm nhiều suất diễn, doanh thu cao ở thành phố như mỗi dịp Tết Thiếu nhi này.

Tuy nhiên, giờ đây, đời sống ở không ít thị trấn/xã/làng/bản ngày một nâng cao, phụ huynh đều quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho con em mình chứ không phải chỉ trông chờ những suất diễn miễn phí năm thì mười họa nào đó bỗng đâu đến lượt địa phương mình.

Vậy nhưng, dường như nhu cầu ấy vẫn chưa được quan tâm nên có không ít gia đình phải tự tổ chức những chuyến xe từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam... để đưa con em mình về Hà Nội thưởng thức chương trình nghệ thuật, vở diễn.

Để tìm lời giải cho mong ước xa xỉ của các em thiếu nhi ở nông thôn có lẽ cần nhất là sự quan tâm, đầu tư bài bản từ các đơn vị nghệ thuật công lập ở mỗi địa phương.

Đây là sự đầu tư đặc biệt vừa giúp các đơn vị chủ động sáng đèn vừa góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, bồi đắp đời sống tinh thần cho các em và còn có thể xây dựng một thế hệ khán giả mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ