Mong ước, trăn trở của giáo viên mầm non

GD&TĐ - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, cả nước có 7.215 GV nghỉ, chuyển việc, ở cấp mầm non khoảng 1.600 người.

Giờ dạy của cô Nguyễn Thị Tâm - giáo viên Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Giờ dạy của cô Nguyễn Thị Tâm - giáo viên Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Khó chồng khó

Từ ngày học phổ thông, cô Nguyễn Thị Tâm - giáo viên Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, Hà Nội) đã ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo. Dù tốt nghiệp Khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng ra trường cô chỉ được tính lương hệ số trung cấp. 12 năm gắn bó với nghề, không ít lần vì áp lực công việc cộng thu nhập thấp khiến cô Tâm thấp thoáng suy nghĩ tìm công việc khác.

Cô Tâm trải lòng: “Nếu lớp học có trẻ thường xuyên quấy khóc, phá, lười ăn, còi cọc…, các cô chăm sóc, nuôi dạy rất căng thẳng, mệt mỏi. Chưa kể khi có chuyện xảy ra với trẻ, phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân, sự việc đã quy kết trách nhiệm, thậm chí gây áp lực với giáo viên”.

Theo cô Tâm, thời gian qua nhiều chủ trương, chính sách mới được ban hành, góp phần cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, chế độ lương và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, đặc biệt giáo viên mầm non còn thấp so với ngành nghề khác.

“Ngoài chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương thỏa đáng để ổn định cuộc sống, tôi mong có nhiều cơ hội học tập, bồi dưỡng chuyên môn để gắn bó, vững vàng với nghề”, cô Tâm nói.

Cô Nguyễn Thị Thủy (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) đã “đứt ruột” quyết định nghỉ việc sau gần 7 năm gắn bó với trẻ. Cô Thủy tâm sự: “Dù quy định ngày làm 8 tiếng, nhưng gần như hôm nào chúng tôi cũng làm 10 đến 12 tiếng mà không được tiền làm thêm giờ”.

Còn theo cô Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tênh Phông (huyện Tuần Giáo, Điện Biên), ngoài vấn đề lương thấp, áp lực công việc thì nguyên nhân khác khiến giáo viên bỏ nghề chính là công tác lâu năm nhưng chỉ là giáo viên hợp đồng. Với trường nằm ở địa bàn vùng núi, giáo viên công tác xa nhà nên không có thời gian cho gia đình, lương thấp, điều kiện giảng dạy thiếu thốn, đi lại vất vả cũng là trở ngại khiến nhiều người quyết định chuyển nghề…

Để giáo viên yên tâm công tác, nhiều năm qua, Ban giám hiệu Trường Mầm non Tênh Phông ngoài đảm bảo các quyền lợi theo quy định còn thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Giáo viên nào có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường sẽ tìm cách vận động, giúp đỡ cùng tháo gỡ để yên tâm công tác.

“Dù trường chưa có giáo viên nghỉ việc nhưng tôi luôn trăn trở, lo lắng làm sao để giữ chân nhà giáo trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về đãi ngộ, điều kiện làm việc và cuộc sống. Do đó, với giáo viên có con nhỏ, bố mẹ đau yếu, ban giám hiệu cân đối giờ dạy, không phân công ở các điểm trường xa nhà để giảm đi áp lực trong quá trình làm việc, yên tâm gắn bó trường lớp”, cô Hằng cho biết.

mong uoc cua giao vien mam non1.jpg
Giáo viên mầm non ở huyện Văn Quan tranh thủ ngày nghỉ làm đồ trang trí lớp. Ảnh: NTCC

Cần cơ chế đặc biệt

Nhấn mạnh những vất vả mà giáo viên mầm non đang trải qua, ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn) cho hay, thầy cô phải đi sớm về muộn; không chỉ làm nhiệm vụ dạy trẻ mà còn có trách nhiệm liên quan như nghiên cứu, chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi, giáo án…

Đặc biệt, thầy cô phải luôn chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng phát triển tốt thể chất, tinh thần, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Trong khi đó, lương hưởng bình quân khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng, không có thêm chế độ đãi ngộ nào khác.

“Thầy cô công tác tại trường vùng sâu xa, điều kiện làm việc, dạy học còn hạn chế, sự đồng hành hỗ trợ của phụ huynh chưa nhiều, vì vậy việc tuyển dụng giáo viên mầm non rất khó khăn. Trong khi đó, nhiều địa phương phải đối mặt với thực trạng giáo viên nghỉ việc”, ông Hiền nói.

Những năm gần đây để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện tuyển dụng giáo viên hằng năm; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi đảm bảo việc dạy và học.

“Với đặc thù địa bàn huyện miền núi đặc biệt khó khăn, quá trình phân công công tác, chúng tôi căn cứ chỗ ở hiện tại của giáo viên để phân về trường gần nhà hoặc lắng nghe nguyện vọng của thầy cô để giảm bớt vất vả trong việc đi lại”, ông Hiền nói, đồng thời kiến nghị với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nên có cơ chế đãi ngộ riêng về lương, phụ cấp cho giáo viên đặc biệt là giáo viên mầm non để họ yên tâm công tác, cống hiến, đổi mới sáng tạo trong chuyên môn, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.

Đồng quan điểm với ông Hiền, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, giáo viên mầm non luôn làm quá giờ so với quy định; thậm chí các cô ở lại đến lúc trẻ về hết, vì vậy cần tính thời gian làm thêm giờ thỏa đáng; cần có phụ cấp lao động đặc biệt cho giáo viên mầm non; vận động xã hội hóa làm sao để cải thiện thu nhập, đời sống cho đội ngũ. Mặt khác, các địa phương cần đầu tư cơ sở vật chất để cô và trò được học tập, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính từ tháng 8/2020 - tháng 8/2023, cả nước có trên 40 nghìn giáo viên nghỉ, chuyển việc. Giáo viên nghỉ việc độ tuổi dưới 35 chiếm tới 60% trong số này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ